Bảo vệ rừng: Cần sự vào cuộc của chính quyền cơ sở
- Cập nhật: Thứ tư, 14/11/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - ông Đinh Ngọc Thái -Trưởng phòng Pháp chế - Thanh tra, Chi cục Kiểm lâm tỉnh bức xúc: “ Kiểm lâm là lực lượng nòng cốt trong quản lý bảo vệ rừng nhưng không thể hoàn thành nhiệm vụ nếu không có sự vào cuộc của các cấp chính quyền. Tình trạng khai th ác, buôn bán, vận chuyển lâm sản diễn ra ngày một tinh vi hơn.
|
Nguy hại hơn là hiện nay có không ít xã có hàng chục thậm chí vài chục hộ dân, rồi cán bộ, đảng viên ngang nhiên khai thác, chặt phá rừng mà chính quyền cơ sở không có động thái gì, chỉ đến khi kiểm lâm phát hiện xử lý, chính quyền mới vào cuộc. Điển hình là xã Tân Hợp (Văn Yên), Bí thư Đảng ủy xã cũng là đối tượng phá rừng. Tại xã Quế Hạ (Văn Yên) trong vòng 2 tháng đã xảy ra 68 vụ phá rừng...”.
Yên Bái là tỉnh miền núi, có diện tích rừng rộng lớn, phong phú về chủng loại với nhiều loại gỗ quý hiếm có giá trị cao nhưng diện tích rừng tự nhiên đang ngày một suy giảm từ diện tích đến trữ lượng. Ngành kiểm lâm đã có nhiều giải pháp giữ rừng như đưa kiểm lâm về phụ trách xã quản lý rừng tại gốc... song diện tích rừng thì quá rộng bình quân mỗi kiểm lâm viên quản lý từ 2000-2500 ha rừng, địa hình phức tạp, không chỉ có giữ rừng mà còn cùng địa phương xây dựng phát triển rừng. Người dân, nhất là đồng bào dân tộc vùng cao có phong tục đốt nương làm rẫy vẫn chưa có cách nào hạn chế được. Trong tháng 5-2007, Hạt Kiểm lâm huyện Trạm Tấu kiểm tra riêng thôn Háng Tầu, xã Túc Đán đã phát hiện 42 hộ phát rừng làm nương trái phép với diện tích trên 269 ngàn m2.
Tại thôn Pá Khoang, xã Túc Đán khi Hạt Kiểm lâm yêu cầu xã cử cán bộ cùng tham gia đi kiểm tra cùng, lãnh đạo xã “sợ” không dám đi vì trước đó đương sự Mùa A Sớ là một trong những đối tượng phá rừng đe dọa nếu đi cùng sẽ bị bắn chết! Đấy là chưa kể có những địa phương còn đưa ra bài toán kinh tế “phá rừng để trồng rừng, trồng dứa, trồng sắn...”, chuyển đổi sai mục đích. Tại sao khi kiểm kê lại ba loại rừng huyện Văn Yên bị mất 1.900 ha rừng? Qua tìm hiểu mới biết địa phương này chuyển đổi sai mục đích diện tích rừng.
Hiện nay huyện vẫn rơi vào tình trạng người dân phá rừng để trồng cây dó bầu chưa tìm được cách tháo gỡ! Tình trạng khai thác gỗ rừng tự nhiên cũng khá nhiều, địa phương nào có rừng tự nhiên là ở đó bị chặt phá, khai thác, khi kiểm lâm phát hiện bắt giữ thì chẳng thấy người đâu. Cửa rừng kiểm lâm đóng, chính quyền cơ sở đứng ngoài cuộc thì cũng bằng không.
Việc buôn bán vận chuyển lâm sản trên các tuyến đường diễn ra rất quyết liệt với thủ đoạn tinh vi. Năm 2005, phát hiện và xử lý 801 vụ vi phạm lâm luật thì có trên 700 vụ vận chuyển, chế biến lâm sản trái phép. Năm 2006, bắt 697 vụ trong đó có 593 vụ vận chuyển, chế biến lâm sản trái phép. Qua 10 tháng đầu năm 2007 này có tới 619 vụ với khối lượng trên 364 m3 gỗ các loại. Đây chỉ là số ít vụ bị phát hiện và còn rất nhiều gỗ quý hiếm vận chuyển, buôn bán mà không phát hiện được. Có một điều lạ lùng là số vụ khai thác bị xử lý rất ít, trong khi số vụ vận chuyển buôn bán nhiều. Phải chăng kiểm lâm chỉ chú trọng bắt gỗ trên đường!?
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng khai thác, buôn bán vận chuyển gỗ trái phép chưa thể kiềm chế được là thiếu sự vào cuộc của chính quyền cơ sở. Chính quyền thôn, bản, xã cho rằng việc giữ rừng là của kiểm lâm. Chính quyền cấp huyện thiếu kiên quyết trong xử lý cán bộ đảng viên phá rừng. Lực lượng kiểm lâm gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai nhiệm vụ.
Việc xử phạt các hộ làm nương rẫy khó thực hiện được bởi người vi phạm là hộ dân nghèo, lập biên bản xử phạt hành chính, song họ chẳng có gì nộp phạt. Những đối tượng xử phạt, bắt trồng lại rừng thì chẳng ai giám sát, kiểm tra xem họ có trồng không. Công tác tuần tra kiểm soát trên đường, kiểm lâm chỉ được dừng phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm. Một vấn đề nữa là các đối tượng buôn lậu thường dùng các phương tiện cũ nát, ít giá trị để vận chuyển nên khi bị phát hiện là “bỏ của chạy lấy người”. Những đối tượng chặt phá, khai thác, buôn bán khi bị bắt giữ đủ điều kiện bị truy tố trước pháp luật thì vẫn không bị xử lý dẫn đến không có tác dụng răn đe.
Để công tác quản lý bảo vệ rừng ngày một hiệu quả thiết nghĩ các cấp chính quyền phải vào cuộc với quyết tâm cao. Việc giữ rừng là trách nhiệm của các cấp chính quyền, mọi người dân chứ không phải của riêng lực lượng kiểm lâm. Nơi nào, xã nào, địa phương nào để xảy ra phá rừng thì lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm.
Những vụ việc liên quan đến phá rừng, khai thác buôn bán lâm sản trái phép phải xử lý nghiêm trước pháp luật. Như vậy mới có thể kiềm chế và đẩy lùi nạn phá rừng.
Ngọc Trúc
Các tin khác
YBĐT - Là doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách đường bộ và đường thuỷ nội địa, hiện nay Công ty Vận tải thuỷ bộ Yên Bái có 132 ô tô khách khai thác 49 luồng tuyến trong và ngoài tỉnh Yên Bái (trong đó 12 tuyến nội tỉnh và 37 tuyến liên tỉnh).
YBĐT - Ban chỉ huy phòng cháy chữa cháy rừng tỉnh Yên Bái vừa tổ chức hội nghị triển khai công tác phòng cháy chữa cháy rừng năm 2007-2008 dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Văn Bình - Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ huy các vấn đề cấp bách về bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh.
YBĐT - Thành lập từ năm 1997 với nhiệm vụ là tư vấn, dịch vụ hỗ trợ cho các HTX, các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển sản xuất kinh doanh, trong những năm qua, Trung tâm Tư vấn hỗ trợ các doanh nghiệp thành viên tỉnh Yên Bái đã khắc phục nhiều khó khăn về đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất, trang thiết bị để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
YBĐT - Dự án giảm nghèo được triển khai tại huyện Trấn Yên từ năm 2003 đã hỗ trợ 10 loại mô hình gồm thâm canh lúa; thâm canh ngô; thâm canh đậu tương; trồng rau sạch; trồng dâu nuôi tằm; trồng tre Bát độ lấy măng; chăn nuôi bò, chăn nuôi lợn và chăn nuôi cá ao tập trung tại 7 xã vùng cao là Tân Đồng, Quy Mông, Kiên Thành, Lương Thịnh, Việt Hồng, Việt Cường và Hồng Ca.