Trấn Yên: Sau 5 năm thực hiện dự án giảm nghèo
- Cập nhật: Thứ hai, 12/11/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Dự án giảm nghèo được triển khai tại huyện Trấn Yên từ năm 2003 đã hỗ trợ 10 loại mô hình gồm thâm canh lúa; thâm canh ngô; thâm canh đậu tương; trồng rau sạch; trồng dâu nuôi tằm; trồng tre Bát độ lấy măng; chăn nuôi bò, chăn nuôi lợn và chăn nuôi cá ao tập trung tại 7 xã vùng cao là Tân Đồng, Quy Mông, Kiên Thành, Lương Thịnh, Việt Hồng, Việt Cường và Hồng Ca.
|
Chúng tôi tới thăm gia đình chị Giàng Thị Lau và anh Sổng A Li ở thôn Khuôn Bổ, xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên đúng vào lúc anh chị đang được cán bộ khuyến nông huyện hướng dẫn phương pháp chăm sóc diện tích tre Bát độ sau thu hoạch. Năm 2006, gia đình chị là một trong 13 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo của thôn Khuôn Bổ, xã Hồng Ca được bình xét để tham gia mô hình trồng tre Bát độ lấy măng, thuộc Dự án Giảm nghèo của huyện.
Tham gia mô hình, gia đình chị được đầu tư 166 củ giống tre Bát độ, tương đương với 2 sào và được cung ứng phân bón, đồng thời được tập huấn chuyển giao KHKT về cách trồng, chăm sóc tre Bát độ lấy măng. Sau khi thu hoạch, gia đình chị là một trong những hộ đạt sản lượng măng cao nhất với trên 700 tấn măng tươi.
Từ kết quả của vụ thu hoạch măng đầu tiên, năm nay, gia đình chị Lau lại tiếp tục chuyển đổi 3 sào sắn để trồng tre Bát độ lấy măng. Chị Giàng Thị Lau phấn khởi nói: "Tôi rất phấn khởi vì được Nhà nước đầu tư cho cây tre măng Bát độ về trồng. Tôi thấy cây tre Bát độ này dễ trồng lắm, ít tốn công chăm sóc nhanh được thu hoạch lại cao. sau này gia đình tôi sẽ chuyển đất sắn sang trồng tre Bát độ để kinh tế gia đình sẽ không còn khó khăn như trước đây...".
Cùng với mô hình trồng tre Bát độ lấy măng, đến nay tại 16/16 thôn, bản của xã Hồng Ca đã được Dự án Giảm nghèo đầu tư 6 loại mô hình (thâm canh lúa nước, thâm canh đậu tương, trồng rau sạch, chăn nuôi bò và chăn nuôi lợn) với gần 300 hộ nông dân nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số được hưởng lợi, tổng giá trị đầu tư trên 500 triệu đồng.
Tham gia mô hình, các hộ nông dân không chỉ được cung cấp đầy đủ vật tư như giống, phân bón mà còn được tư vấn hướng dẫn các tiến bộ KHKT phù hợp với từng loại cây trồng, vật nuôi. Thông qua đó, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với KHKT áp dụng vào phát triển sản xuất, góp phần chuyển đổi nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số, nâng cao đời sống, từng bước xóa đói giảm nghèo.
Dự án giảm nghèo được triển khai tại huyện Trấn Yên từ năm 2003 đã hỗ trợ 10 loại mô hình gồm thâm canh lúa; thâm canh ngô; thâm canh đậu tương; trồng rau sạch; trồng dâu nuôi tằm; trồng tre Bát độ lấy măng; chăn nuôi bò, chăn nuôi lợn và chăn nuôi cá ao tập trung tại 7 xã vùng cao là Tân Đồng, Quy Mông, Kiên Thành, Lương Thịnh, Việt Hồng, Việt Cường và Hồng Ca.
Để mô hình triển khai đạt hiệu quả, Ban quản lý Dự án Giảm nghèo huyện Trấn Yên đã giao cho Trạm Khuyến nông là đơn vị tư vấn, đề xuất cung cấp các dịch vụ thực hiện mô hình, phối hợp với ban phát triển tại các xã hưởng lợi triển khai họp bàn, chỉ đạo sâu sát, kịp thời điều chỉnh những vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện, đồng thời thống nhất thời gian, địa điểm và lựa chọn các hộ có khả năng thực hiện mô hình.
Với phương châm "Cầm tay chỉ việc", Trạm Khuyến nông huyện đã tăng cường cử cán bộ và khuyến nông viên cơ sở bám sát địa bàn, trực tiếp hướng dẫn bà con ngay tại từng hộ tham gia, định kỳ kiểm tra quá trình sinh trưởng, phát triển của từng loại cây trồng, vật nuôi theo từng giai đoạn. Số tiền mà Dự án Giảm nghèo đã đầu tư tại huyện Trấn Yên sau 5 năm triển khai, thực hiện mới chỉ có trên 1,8 tỷ đồng nhưng đã giúp trên 2.200 hộ nông dân nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã vùng cao tiếp cận với tiến bộ KHKT áp dụng vào phát triển sản xuất.
Thông qua dự án, giờ đây các mô hình đã được người dân ứng dụng rộng rãi, như: mô hình chăn nuôi bò tại xã Lương Thịnh, mô hình thâm canh đậu tương tại xã Tân Đồng, mô hình trồng tre Bát độ tại các xã Kiên Thành, Hồng Ca. Đặc biệt, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo đã gieo mạ khay với các giống lúa lai, lúa thuần chất lượng cao, biết chuyển đổi cây trồng trên đất dốc, cải tạo đất vườn tạp để trồng cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao.
Có thể khẳng định, sau 5 năm triển khai thực hiện Dự án Giảm nghèo tại huyện Trấn Yên, đã tạo sự chuyển biến trong nếp nghĩ, cung cách làm ăn của đồng bào dân tộc trong phát triển kinh tế, xóa bỏ dần những hủ tục lạc hậu giúp người dân vùng dự án có điều kiện nâng cao chất lượng sản phẩm nông lâm nghiệp, tạo bước chuyển trong cơ cấu cây trồng vật nuôi theo các chương trình kinh tế trọng tâm của huyện góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Trấn Yên lần thứ 19 đã đề ra.
Hoàng Thủy
Các tin khác
YBĐT - Trước đây, mỗi khi người dân mua bán một chiếc xe cũ đều đến cơ quan thuế để lấy tờ khai và chấp hành việc nộp tiền (số tiền bằng 5% giá trị chiếc xe trong thời điểm diễn ra mua bán). Tiếp đến là ra cơ quan công an làm thủ tục sang tên, đổi chủ. Hiện nay, các quy định của ngành công an vẫn vậy, phương pháp làm việc còn được cải tiến cho thông thoáng hơn, đỡ phiền hà hơn. Vậy mà, rất ít người thực hiện quyền và nghĩa vụ là tiến hành sang tên, đổi chủ cho chiếc xe của mình.
YBĐT - 10 tháng năm 2007, dự ước giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh Yên Bái đạt 1.025 tỷ 743 triệu đồng, bằng 79% kế hoạch, tăng 11,7% so với cùng kỳ.
YBĐT - Bắt đầu từ năm 2003, người dân xã Pá Hu được huyện hỗ trợ đưa cây đậu tương vào gieo trồng. Ban đầu, nhiều người dân ở đây còn thờ ơ với cây trồng này. Nhưng 1,5 ha đậu tương trồng thử nghiệm ban đầu tại thôn Cang Giông, thời điểm đó, đã khẳng định: cây đậu tương hợp với đất này - đây là cơ sở để huyện tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích đậu tương cho xã.
YBĐT - Cách đây hơn chục năm, cây pơ mu được đưa vào trồng xen với cây chè Tuyết ở xã Suối Giàng (Văn Chấn). Diện tích trồng xen chỉ có khoảng trên chục ha và đều nằm ở khu vực trung tâm xã. Cây pơ mu sau khi trồng rất hợp với thổ nhưỡng, khí hậu ở đây nên rất nhiều cây có đường kính gốc khoảng 30 cm. Có điều khi trồng xen với chè Tuyết, người ta đã không tính toán đến yếu tố về sau này cây pơ mu sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới cây chè Tuyết.