Bản Dõng - “điểm nóng” đã giảm “nhiệt”
- Cập nhật: Thứ năm, 31/1/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Để giữ rừng, huyện Văn Chấn đã thành lập Trạm Kiểm lâm bản Dõng đóng tại xã Sơn Lương và có nhiệm vụ bảo vệ, phát triển rừng ở 9 xã và 1 thị trấn. Từ khi có trạm, lực lượng kiểm lâm ở đây có lẽ không có đêm nào được ngủ yên bởi tình trạng vận chuyển, buôn bán vẫn diễn ra liên tục. Nhưng hôm nay, tình hình ở bản Dõng đã bình yên, tình trạng khai thác lâm sản đã cơ bản được kiềm chế, rừng đang dần xanh trở lại.
Một thời các xã vùng thượng huyện Văn Chấn luôn là một “điểm nóng” về tình trạng khai thác, buôn bán, vận chuyển lâm sản trái phép. Ngày cũng như đêm trên các cánh rừng, con đường thôn, bản từ xã Sơn Lương, Gia Hội, Nậm Búng, Tú Lệ đến Sùng Đô, Nậm Mười... tấp nập người chặt phá, khai thác, vận chuyển, buôn bán lâm sản. Mỗi năm có hàng chục, hàng trăm m3 gỗ quý kiếm được khai thác, vận chuyển buôn bán trái phép.
Để giữ rừng, huyện Văn Chấn đã thành lập Trạm Kiểm lâm bản Dõng đóng tại xã Sơn Lương và có nhiệm vụ bảo vệ, phát triển rừng ở 9 xã và 1 thị trấn. Từ khi có trạm, lực lượng kiểm lâm ở đây có lẽ không có đêm nào được ngủ yên bởi tình trạng vận chuyển, buôn bán vẫn diễn ra liên tục. Nhưng hôm nay, tình hình ở bản Dõng đã bình yên, tình trạng khai thác lâm sản đã cơ bản được kiềm chế, rừng đang dần xanh trở lại.
Vào một ngày đầu xuân, chúng tôi về Bản Dõng, xã Sơn Lương và đi trên những khu rừng tự nhiên của xã Nậm Búng, Gia Hội, Nghĩa Sơn, Sùng Đô, Nậm Mười, Nậm Lành...vùng thượng huyện Văn Chấn. Cảm nhận đầu tiên là rừng ở đây tuy không còn nguyên vẹn như xưa nhưng đã và đang hồi sinh trở lại. Cái cảnh từng đoàn ngựa thồ và các trai làng vác búa, vác cưa băng băng lên rừng khai thác gỗ tự nhiên từ sáng sớm đến chiều tối trở về với khúc gỗ trên vai đã không còn.
Anh Vũ Đình Trường -Trạm trưởng Trạm kiểm lâm Bản Dõng cho biết: “Trạm chỉ có 11 cán bộ kiểm lâm lại có nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát lâm sản trên địa bàn, quản lý bảo vệ rừng tại gốc, tham mưu cho Chủ tịch UBND xã về công tác QLBVR, phát triển rừng, PCCCR. Không chỉ có vậy mà diện tích rừng, đất rừng quá lớn trên 14.389 ha rừng tự nhiên, 18 ngàn ha rừng khoanh nuôi tái sinh và gần 5 ngàn ha rừng trồng.
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ anh em cán bộ trong trạm đã rất nỗ lực trong công việc, phối hợp có hiệu quả với chính quyền cơ sở, tuyên truyền vận động nhân dân tham gia bảo vệ và phát triển rừng; thường xuyên tuần tra kiểm soát trên các khu rừng trọng điểm, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm Luật Bảo vệ rừng, trong việc vận chuyển buôn bán lâm sản”.
Quả thật, với lượng cán bộ còn thiếu và hạn chế về nghiệp vụ mà lại phụ trách, quản lý diện tích rừng quá rộng lớn, có trữ lượng gỗ quý hiếm lại là một “điểm nóng” là hết sức khó khăn. Bên cạnh đó, còn có ba xã vùng cao đặc biệt khó khăn là Nghĩa Sơn, Sùng Đô, Nậm Mười giao thông đi lại khó khăn, người dân nhận thức về rừng còn hạn chế, phong tục tập quán phát nương làm rẫy luôn là vấn đề nhức nhối. Song với lòng nhiệt tình, yêu nghề, yêu rừng cùng với phương châm giữ rừng tại gốc và làm chuyển một bước nhận thức của người dân về rừng, tiến tới xã hội hoá công tác bảo vệ phát triển rừng.
Ngày ngày cán bộ Trạm kiểm lâm bản Dõng đi xuống các thôn bản tuyên truyền Luật Bảo vệ rừng, vận động nhân dân cùng tham gia giữ rừng, kiểm lâm viên đi sâu, đi sát cơ sở, xây dựng phương án bảo vệ rừng cấp xã, xây dựng quy ước, hương ước bảo vệ và phát triển rừng ở cộng đồng dân cư; củng cố kiện toàn 10 ban chỉ đạo bảo vệ rừng cấp xã, thành lập 84 tổ đội xung kích bảo vệ rừng, cắm các biển báo, phòng chống cháy rừng.
Nhờ vậy, diện tích rừng ngày một phát triển xanh tươi, tình trạng chặt phá, khai thác, buôn bán, vận chuyển lâm sản ngày một được kiềm chế. Quan trọng hơn là đã tạo được một bước chuyển sâu sắc trong nhận thức của nhân dân về rừng, người dân từ chỗ chỉ biết chặt phá và lấy khai thác là chính thì nay đã biết trồng và tu bổ rừng. Nếu như những năm trước đây, mỗi năm có hàng trăm vụ vi phạm lâm luật thì trong năm 2007 chỉ xảy ra 31 vụ trong đó có 7 vụ vận chuyển, 24 vụ cất giấu, tàng trữ lâm sản trái phép. Xét về số vụ cũng như mức độ vi phạm, khối lượng lâm sản cũng giảm 40% so với những năm trước đây.
Bản Dõng hôm nay đã bình yên, lực lượng kiểm lâm, chính quyền các xã trong khu vực này đã cơ bản hạn chế được tình trạng khai thác, buôn bán lâm sản trên địa bàn. Tuy nhiên, một số nơi vẫn còn số ít người dân khai thác nhỏ lẻ; chính quyền cơ sở một số xã vẫn chưa tích cực vào cuộc cùng kiểm lâm và nhân dân trong công tác bảo vệ, phát triển rừng. Để công tác quản lý bảo vệ rừng ngày một hiệu quả hơn nữa lực lượng kiểm lâm, chính quyền xã cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tích cực tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm lâm luật và tiến tới xã hội hoá công tác bảo vệ và phát triển rừng.
Thanh Phúc
Các tin khác
Ngày 31.1, các công ty kinh doanh gas tại TP.HCM sẽ giảm giá gas bán lẻ xuống 5.000 đồng/bình (12 kg).
Ngân hàng Nhà nước vừa điều chỉnh một loạt lãi suất chủ chốt của tiền đồng gồm lãi suất cơ bản, tái cấp vốn và chiết khấu nhằm kiểm soát tiền tệ chặt chẽ hơn và kiềm chế lạm phát.
Kể từ ngày 1/2, Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất cơ bản, lãi suất tái cấp vốn, lãi suất chiết khấu sau hơn hai năm giữ ổn định (từ tháng 12-2005 đến nay). Cụ thể, lãi suất cơ bản từ 8,25% tăng lên 8,75%/năm; lãi suất tái cấp vốn từ 6,5% tăng lên 7,5%/năm; lãi suất chiết khấu từ 4,5% tăng lên 6%/năm.
YBĐT - Mặc dù gặp khó khăn về vốn và thị trường tiêu thụ, nhưng Công ty cổ phần Sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn đã có nhiều cố gắng ổn định sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho trên 300 công nhân với mức thu nhập bình quân 1,3 triệu đồng/ người/ tháng.