Tân Thịnh xây dựng nông thôn mới
- Cập nhật: Thứ sáu, 4/4/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Là xã vùng ngoài của huyện Văn Chấn (Yên Bái), lại có quốc lộ 37 và tỉnh lộ Hợp Minh - Mỵ chạy qua nên Tân Thịnh có nhiều điều kiện giao lưu trao đổi hàng hoá với khách hàng trong và ngoài tỉnh. Lợi thế đó đã được địa phương tận dụng để thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, xây dựng quê hương giàu đẹp.
Mặc dù là xã thuần nông nhưng cơ cấu kinh tế đã ngày càng có sự thay đổi. Nghị quyết kỳ họp lần thứ 9 - HĐND xã khoá XV xác định: nông -lâm nghiệp 22,577 tỷ đồng, công nghiệp xây dựng 16,2 tỷ đồng, thương mại - dịch vụ 6,223 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người trong năm 2008 là 7,5 triệu đồng và lương thực 290kg. Với mục tiêu đó, việc trồng cây gì, nuôi con gì để nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích đất canh tác luôn luôn là vấn đề trăn trở của lãnh đạo xã.
Ông Hà Văn Ngọc, Phó bí thư Đảng uỷ - Chủ tịch HĐND xã cho rằng: “Trước đây, nông dân trong xã do thiếu vốn sản xuất và độc canh cây lúa, lại không biết áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất nên năng suất và chất lượng sản phẩm làm ra chưa cao. Từ khi đưa các cây, con giống mới vào sản xuất, đầu tư thâm canh tăng vụ thì giá trị kinh tế tăng lên rõ rệt”. Năm 2007, tổng diện tích cấy lúa là 136,8ha, cơ cấu giống lúa lai chiếm 70% và năng suất đạt 9,85tấn/ha. Còn cây màu trồng được 78,9ha nhưng chưa hoàn thành kế hoạch đề ra, nhất là cây ngô đông trên đất 2 vụ lúa chưa thực hiện được. Rõ ràng còn có sự chuyển đổi chậm trong nhận thức của người dân về an ninh lương thực và sản xuất hàng hoá.
Riêng đối với cây chè vốn là ưu thế của Tân Thịnh thì phát triển khá tốt. Hiện nay, toàn xã có 360ha, trong đó 350ha đang cho thu hoạch. Thuận lợi căn bản của địa phương là có Nhà máy chè Phú Tân đóng trên địa bàn và hợp tác xã dịch vụ giúp tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Do chè búp tươi bán được giá và có sự đầu tư nên năng suất năm 2007 đạt 9,7tấn/ha, tổng sản lượng chè búp tươi là 3400 tấn; năm 2008 phấn đấu đạt 3.500 tấn. Địa phương cũng đang tích cực trồng mới và cải tạo vùng chè bằng giống mới năng suất, chất lượng cao như Phúc Vân Tiên, mỗi năm hàng chục ha.
Đã từng đến với Tân Thịnh lúc mùa quả, dọc con đường vào các thôn 11, 12, 14... là vườn cam quýt trĩu quả xen bên những đồi chè xanh. Năm qua cam quýt được mùa nên 62,9ha đã cho thu hoạch ngót 200 tấn quả. Kế hoạch của năm mới xã sẽ vận động nhân dân chăm sóc tốt diện tích hiện có và trồng mới, cải tạo 5 ha để đạt sản lượng 250 tấn.
Cũng trong năm 2007, xã đã tiếp nhận bàn giao của Lâm trường Ngòi Lao 1.014 ha đất rừng và đất trồng rừng. Như vậy tổng diện tích rừng bây giờ là 1.615ha, trong đó có tới 1.110,5ha rừng trồng. Uỷ ban nhân dân xã đã thành lập Ban quản lý bảo vệ rừng để chỉ đạo phòng cháy, chữa cháy và chặt phá rừng, giao cho cán bộ phụ trách thôn quản lý nên các diện tích rừng đều được bảo vệ tốt. Hiện đang chỉ đạo trồng mới 20ha, trong đó có 10ha rừng kinh tế.
Trong tương lai, kinh tế rừng phải trở thành một nghề quan trọng góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Cùng với cây trồng, Đảng bộ và chính quyền xã cũng chỉ đạo các thôn bản vận động nhân dân đẩy mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng bán công nghiệp. Tổng đàn trâu bò hiện có trên 500 con, đàn lợn ngót 5.000 con và trên 50.000 gia cầm.
Công tác phòng chống dịch và chống rét cho gia súc, gia cầm luôn được địa phương chú ý nên thời gian qua tổng đàn tương đối ổn định. Tân Thịnh bây giờ đã có nhiều hộ sản xuất theo mô hình VAC, VACR đạt hiệu quả cao. Khắc phục tình trạng thiếu vốn sản xuất, địa phương tạo điều kiện để nhân dân được vay của Ngân hàng Nông nghiệp và Ngân hàng Chính sách Xã hội, dư nợ tính đến hết năm 2007 gần 12 tỷ đồng. Sản xuất phát triển, việc chuyển đổi ngành nghề, tạo việc làm cũng gia tăng và hộ nghèo giảm chỉ còn 67 hộ, bằng 4,2%.
Song song với tăng trưởng kinh tế, vấn đề ổn định xã hội để tạo sự phát triển bền vững luôn được Đảng bộ, chính quyền xã quan tâm. Một số chỉ tiêu địa phương đặt ra cao hơn hẳn các năm trước và vượt nhiều nơi trong huyện cũng như trong tỉnh. Địa phương miền núi, nhiều dân tộc song Tân Thịnh phấn đấu duy trì chuẩn quốc gia về y tế, tỷ lệ giảm sinh dưới 1% và trẻ em suy dinh dưỡng còn 24%. Đối với giáo dục, duy trì 100% trẻ em trong độ tuổi 6-14 đến lớp cùng 60% trở lên học phổ thông trung học.
Phấn đấu xây dựng 2 làng văn hoá cấp huyện, giải quyết việc làm 100 - 200 lao động.. Khó khăn còn nhiều: vài thôn chưa xây được nhà văn hoá, đường giao thông liên thôn bản chậm được nâng cấp, phòng học tạm vẫn còn, nhất là chuyển đổi trong nhận thức của nhân dân về trồng cây mầu vụ ba… Nhưng để nghị quyết của Đảng bộ, HĐND đi vào cuộc sống thì xã sẽ tập trung chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể vận động nhân dân, các thành phần kinh tế phát huy khả năng, trí tuệ thúc đẩy kinh tế tăng trưởng nhanh, hiệu quả; huy động tối đa và sử dụng các nguồn lực nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng đưa Tân Thịnh tiến nhanh trên con đường công nghiệp hoá nông nghiệp, nông thôn.
Thế Quynh
Các tin khác
Ngày 2/4, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu gạo chưa ký hợp đồng mới cho đến tháng 6/2008 nhằm bảo đảm an ninh lương thực cũng như ổn định giá cả các mặt hàng này trong nước theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Văn phòng Chính phủ vừa có Văn bản số 2043/VPCP-KTTH truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về việc xử lý 7.000 tấn thép phế liệu nhập khẩu vi phạm Luật Bảo vệ môi trường.
YBĐT - Huyện Trạm Tấu (Yên Bái) vừa tổ chức diễn tập phòng cháy chữa cháy rừng – bảo vệ rừng (PCCCR – BVR) có một phần thực binh tại xã Xà Hồ. Cuộc diễn tập được chia làm 2 giai đoạn gồm: diễn tập cơ chế, tổ chức chuẩn bị PCCCR – BVR và thực hành chữa cháy rừng có một phần thực binh.
YBĐT - Trong 3 tháng đầu năm 2008, toàn tỉnh Yên Bái đã cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mới cho 44 doanh nghiệp, cấp bổ sung đăng ký kinh doanh cho 40 doanh nghiệp. Như vậy toàn tỉnh hiện nay có 615 doanh nghiệp, trong đó có 179 doanh nghiệp tư nhân, 271 công ty trách nhiệm hữu hạn và 141 công ty cổ phần.