Yên Bái: Chè vào vụ mới
- Cập nhật: Thứ sáu, 11/4/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Đợt rét đậm, rét hại đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến sinh trưởng, phát triển của cây chè. Song, với sự chủ động, nỗ lực, đầu tư thâm canh của nông dân, diện tích chè lại xanh tươi, nẩy búp non tơ. Trong những ngày đầu tháng tư này, nhà nông Yên Bái cùng các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chè lại hối hả bước vào niên vụ sản xuất mới.
Bà con nông dân xã Thịnh Hưng (Yên Bình) thu hái chè.
|
Năm 2008 được dự báo là rất khó khăn với các doanh nghiệp bởi ảnh hưởng của "bão giá", nhưng theo nhận định của các nhà chuyên môn thì sản xuất, tiêu thụ chè vẫn đầy lạc quan.
Nông dân tự tin...
Đến vùng chè nguyên liệu của huyện Văn Chấn, từ các thị trấn nông trường Liên Sơn, Nghĩa Lộ đến Trần Phú và cả xã vùng cao Suối Giàng, Nậm Búng... đâu đâu cũng thấy những đồi chè xanh ngát, tua tủa búp non. Hàng ngàn nông dân đang cần mẫn làm cỏ, bón phân, thu hái chè, cười nói rôm rả như báo hiệu một mùa chè bội thu đã về. Anh Quý ở thị trấn Nông trường Trần Phú đang cùng vợ thu hái chè, vui vẻ nói: " Đợt rét vừa qua thật khủng khiếp! Nhiều diện tích chè tưởng như không sống được, nhưng ơn trời sau rét thời tiết lại nắng ấm trở lại, xuất hiện nhiều cơn mưa và mấy ngày gần đây lại có lượng mưa khá lớn, cây chè sinh trưởng tốt trở lại. Từ đầu vụ chè đến giờ gia đình mới thu hái hai đợt, năng suất chưa cao nhưng cũng được hơn tạ chè búp, bán với giá 3.300 đồng/kg.
Cũng vào thời điểm này năm trước, đến hết tháng tư chè vẫn chưa thu được cân búp nào. Giá chè năm nay tuy có cao hơn năm trước, nhưng giá cả vật tư, phân bón cũng như chi phí nhân công cũng cao hơn năm trước nên cũng chẳng lờ lãi là mấy. Mong muốn lớn nhất của chúng tôi là được doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chè trên địa bàn ký hợp đồng thu mua nguyên liệu ổn định theo Quyết định 80/CP của Chính Phủ. Từ đó, gia đình yên tâm đầu tư phân bón, thâm canh chè tạo năng suất, chất lượng búp cao đáp ứng cho chế biến, nâng cao cuộc sống ".
Đó cũng là điều mong muốn chung của người làm chè Yên Bái. Tuy nhiên, những băn khoăn trên, không có ảnh hưởng gì lớn đến tiến độ sản xuất kinh doanh chè. Anh Nguyễn Hợp Đoàn - Phó chủ tịch UBND huyện Văn Chấn nói với chúng tôi: Huyện có 31 xã thì 26 xã sản xuất chè với trên 4 ngàn ha, trên 21 vạn dân sống nhờ cây chè. Từ những yếu tố đó, huyện luôn xác định chè là một loại cây mũi nhọn trong phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo. Trong nhiều năm qua, huyện đã phát động nhiều cuộc thi đua, giao chỉ tiêu cho các xã trồng mới, trồng cải tạo, đầu tư thâm canh tăng năng suất, sản lượng chè.
Đồng thời, cùng các doanh nghiệp đóng trên địa bàn ký kết hợp đồng, thu mua hết chè nguyên liệu cho dân với giá cả ổn định. Do đó, đã tạo niềm tin cho người làm chè, bà con phấn khởi sản xuất, cùng với khí hậu thời tiết thuận lợi sản lượng chè toàn huyện năm nay sẽ đạt không dưới 35 ngàn tấn.
Doanh nghiệp lạc quan nhưng vẫn lo thiếu nguyên liệu
Để chuẩn bị cho sản xuất, chế biến chè năm 2008 đi vào hoạt động ổn định, ngay từ đầu vụ các doanh nghiệp đã không ngừng đầu tư thay thế, bảo dưỡng thiết bị máy móc, tìm kiếm thị trường, xúc tiến thương mại. Toàn tỉnh phấn đấu sản xuất thu mua trên 74 ngàn tấn chè nguyên liệu, chế biến đạt 15 ngàn tấn chè thành phẩm trong niên vụ 2008. Để tìm hiểu rõ hơn công tác thu mua, chúng tôi đến Công ty cổ phần chè Phú Tân, anh Nguyễn Văn Thuỷ - Giám đốc công ty cho biết: Năm 2008, Công ty phấn đấu sản xuất 2 nghìn tấn chè thành phẩm, doanh thu đạt trên 20 tỷ đồng.
Để thực hiên mục tiêu đó, ngay từ đầu năm đã tổ chức tu sửa dây chuyền máy móc, củng cố kiện toàn mạng lưới thu mua nguyên liệu thuận lợi với nhân dân. Bên cạnh đó, Công ty tiến hành xúc tiến thương mại tìm kiếm thị trường tiêu thụ; tiếp tục cải tiến hệ thống sản xuất, đa dạng hoá sản phẩm xây dựng thương hiệu chè Phú Tân đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Trước đây, vấn đề khó khăn nhất của doanh nghiệp là tiêu thụ sản phẩm, nhưng hiện nay lo nhất là làm sao thu mua đủ nguyên liệu sản xuất.
Công ty cổ phần Chè Liên Sơn, Công ty cổ phần Chè Văn Hưng, Công ty Chè Ích Thành...cũng đã bắt tay vào hoạt động. Nhìn chung, các doanh nghiệp đều đã tìm kiếm được thị trường tiêu thụ ổn định, song vấn đề lo lắng nhất hiện nay vẫn là khâu nguyên liệu từ số lượng đến chất lượng. Đây đều là các doanh nghiệp sản xuất chè lâu năm trên địa bàn, có mạng lưới thu mua rộng, thuận lợi, giá cả đều mua theo giá thị trường, cùng với doanh nghiệp có vùng nguyên liệu ổn định, nhưng do trên địa bàn có quá nhiều cơ sở sản xuất chế biến dẫn đến tình trạng tranh mua tranh bán quyết liệt mà vẫn thiếu nguyên liệu. Nếu như trước đây, doanh nghiệp chỉ lo làm sao mua đủ nguyên liệu đáp ứng cho sản xuất thì nay lại phải lo làm sao giữ được vùng nguyên liệu của mình.
Hiện nay các doanh nghiệp đang tổ chức thu mua với giá từ 3000-3500 đồng/kg búp tươi. Toàn tỉnh có 67 cơ sở, doanh nghiệp, HTX tham gia sản xuất kinh doanh chè trong đó có 88 nhà máy, xưởng chế biến với công suất 680 tấn búp tươi/ngày, tương đương 130 ngàn tấn/năm, trong khi đó sản lượng búp chỉ đạt 70 ngàn tấn. Trong số 88 nhà máy, xưởng chế biến thì chỉ có 9 đơn vị có cơ sở tham gia sản xuất nguyên liệu, còn lại chỉ làm công tác thu mua chế biến thuần túy. Để có nguyên liệu cho sản xuất các doanh nghiệp đua nhau vươn “chiếc vòi bạch tuộc” để bằng mọi cách thu mua được từng cân nguyên liệu.
Một mùa chè mới lại đến, vấn đề đầu ra nguyên liệu của dân tạm coi là ổn, nhưng “điệp khúc” tranh giành nguyên liệu giữa các nhà máy, doanh nghiệp lại bắt đầu và có phần quyết liệt hơn.
Thanh Phúc
Các tin khác
Lãi suất cho vay của nhiều ngân hàng thương mại đã chính thức cắt giảm, tạo những giá trị mới trên thị trường.
YBĐT - 3 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Yên Bái đạt 3 triệu 421 ngàn USD, so với kế hoạch mới đạt 20,1% kế hoạch năm nhưng tăng 35,8% so với cùng kỳ năm 2007.
Ngày 10-4, Ngân hàng Chính sách xã hội đã tiếp nhận 1.000 tỷ đồng bổ sung vốn điều lệ năm 2008. Số tiền này sẽ giúp cho nhiều hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác ở những vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có thêm nguồn vốn để phát triển sản xuất, chăn nuôi, xóa đói, giảm nghèo...