Trạm Tấu: Xây dựng mô hình canh tác bền vững trên đất nương rẫy
- Cập nhật: Thứ ba, 22/4/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Trạm Tấu là huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái, có tổng diện tích đất tự nhiên là 74.202,2 ha trong đó đất nông nghiệp chỉ chiếm diện tích 4.821,5 ha, diện tích ruộng lúa nước chỉ có 780 ha, còn lại là đất tự nhiên và đồi rừng chiếm tới trên 90%.
Rừng trồng phát triển mạnh ở Trạm Tấu. Ảnh: Thành Trung.
|
Người Mông là dân tộc chiếm đa phần trong huyện chủ yếu sống bằng canh tác trên đất dốc, làm nương rẫy hoặc ruộng bậc thang ở nơi có nguồn nước nhưng vẫn theo phương thức quảng canh và thuần cây lương thực. Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của vùng, tuy nhiên phương thức chăn nuôi vẫn chủ yếu theo hình thức thả rông gia súc. Hiện nay Trạm Tấu vẫn còn là một trong những huyện nghèo nhất của cả nước nói chung và của tỉnh Yên Bái nói riêng.
Trong nhiều năm qua, thực hiện chính sách ưu tiên cho phát triển vùng cao, Trạm Tấu đã được quan tâm đầu tư nhiều, đặc biệt là việc ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất lúa nước. Năng suất và sản lượng lương thực ngày càng tăng đã cơ bản đáp ứng nhu cầu lương thực cho đồng bào vùng cao nói chung, đồng bào người Mông ở huyện Trạm Tấu nói riêng.
Tuy nhiên ở huyện Trạm Tấu vẫn còn khoảng 25-30% hộ thiếu ruộng lúa nước, vì vậy, việc sản xuất lúa nương vẫn còn là hình thức canh tác phổ biến ở vùng cao, nhất là ở vùng đồng bào Mông sinh sống.
Góp phần ổn định đời sống của bộ phận dân cư, phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường tự nhiên, huyện đã xây dựng dự án: “Xây dựng mô hình canh tác trên đất nương rẫy của đồng bào Mông huyện Trạm Tấu theo hướng bền vững kết hợp nông lâm nghiệp và chăn nuôi đại gia súc”.
Để triển khai có hiệu quả, Trạm Tấu tiến hành điều tra khảo sát thực trạng về tình hình kinh tế xã hội của huyện, của xã Bản Công và lựa chọn 9 hộ có đủ điều kiện về kinh tế, lao động, đất đai... để tham gia thực hiện dự án. Huyện xây dựng được 8 ha mô hình canh tác bền vững trên đất nương rẫy kết hợp chăn nuôi đại gia súc với 9 hộ gia đình tham gia.
Mô hình được xây dựng với việc bố trí trồng từ 10 - 15% diện tích rừng phòng hộ bằng cây bản địa như cây thông Mã vĩ, cây Vối thuốc, cây Tô hạp, cây Măng mủ ở trên đỉnh đồi; lúa nương bố trí từ 55 - 60% diện tích, chia ra các lô, giữa các lô bố trí băng chống xói mòn bằng các cây cỏ có giá trị dinh dưỡng cao như: cỏ Voi; cỏ Decumben, Keo dậu, diện tích cỏ được bố trí 20 - 25%; phần chân đồi trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như: Nhãn, Vải diện tích 10 - 15%.
Dự án nuôi 2 con bò đực giống Lai sind F1 và mỗi ha nuôi 5 con bò cái sinh sản theo hướng bán chăn thả, chế biến phân bón tại chỗ phục vụ cho thâm canh cây trồng.
Sau 1 năm thực hiện, 9 hộ tham gia mô hình không còn tình trạng du canh, chặt phá rừng phát nương làm rẫy, Không thả rông gia súc và có cuộc sống ổn định. Có 02 con bò đực giống để phối giống cho 35 con bò cái trong mô hình và bò cái của các hộ dân trong khu vực lân cận. Trồng được 2 ha cỏ làm thức ăn xanh cho chăn nuôi, 4,5 ha lúa nương cố định có năng suất cao hơn phương thức canh tác của địa phương, 1 ha rừng phòng hộ giữ ẩm, và 1 ha cây ăn quả theo ven đồi.
Ông Hồ Đức Hợp - Phó giám đốc Trung tâm ứng dụng tiến bộ Khoa học - Công nghệ Yên Bái cho biết: “Là đơn vị chuyển giao công nghệ, Trung tâm đã tiến hành đào tạo cán bộ kỹ thuật của cơ sở, tư vấn chuyển giao, trực tiếp tham gia chỉ đạo kỹ thuật xây dựng mô hình và theo dõi, kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện từng nội dung công việc của dự án... Công nghệ được đưa vào trong xây dựng mô hình canh tác bền vững trên đất nương rẫy kết hợp với chăn nuôi đại gia súc là sự kết hợp của hệ thống canh tác bền vững trên đất dốc theo mô hình canh tác bền vững trên đất dốc theo kiểu Nông – Lâm kết hợp và công nghệ chăn nuôi bán thâm canh, trồng cỏ thâm canh và nuôi trâu bò theo hướng bán chăn thả. Đây là công nghệ đơn giản phù hợp với trình độ và tập quán canh tác của đồng bào Mông, phát huy thế mạnh của vùng cao về đất đồi rừng và chăn nuôi đại gia súc. Mô hình đảm bảo tính bền vững, tính điển hình để là nơi tham quan học tập cho nhân dân trong 10 xã người Mông với gần 2000 hộ học tập để nhân ra diện rộng...”
Mô hình xây dựng đã xác định được tính bền vững, ổn định và nâng cao năng suất của lúa nương trong phương thức canh tác Nông - Lâm kết hợp. Việc xây dựng mô hình đã chuyển đổi cơ bản nhận thức của đồng bào Mông chuyển từ hình thức canh tác theo lối quảng canh và thả rông gia súc sang hình thức canh tác thâm canh bền vững và chăn nuôi gia súc theo hướng bán chăn thả.
Khánh Linh
Các tin khác
GDP tăng trưởng chậm lại và tỉ lệ lạm phát cao đang gây ra những lo ngại về viễn cảnh kinh tế của Việt Nam.
YBĐT - Hết quý I năm 2008, tổng thu cân đối đạt 76,2 tỷ đồng, trong đó thu quốc doanh hơn 21,5 tỷ, thu ngoài quốc doanh 24,3 tỷ, tiền giao đất 10,3 tỷ, phí trước bạ 4,5 tỷ thu khác ngân sách 3,7 tỷ đồng.
Giá vàng trong nước giảm tới 23.000 đồng/chỉ trong ngày nghỉ cuối tuần qua do giá vàng thế giới giảm mạnh. Mở cửa thị trường sáng 21/4, giá kim loại quý này đã phục hồi nhẹ nhưng sự phục hồi này được cho là chưa bền vững.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn sáng nay ký quyết định tăng thuế nhập khẩu ôtô mới nguyên chiếc dùng chở người từ 70% lên 83%. Các mức thuế này áp dụng cho các tờ khai hải quan bắt đầu từ ngày 22/4.