Sản xuất nông nghiệp ở Quy Mông:

Chú trọng đưa giống cây mới vào gieo trồng

  • Cập nhật: Thứ ba, 29/4/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Chiếm 86% tỷ trọng cơ cấu kinh tế, nên những năm qua, trong sản xuất nông nghiệp, xã Quy Mông - xã nằm trong diện đặc biệt khó khăn của huyện Trấn Yên đã coi trọng việc đưa những giống cây mới, đem lại giá trị kinh tế cao vào gieo trồng.

Người dân xã Quy Mông vận chuyển gấc giống về trồng.
Người dân xã Quy Mông vận chuyển gấc giống về trồng.

Quy Mông có địa bàn rộng, trong đó hơn 60% diện tích là đất lâm nghiệp, đất nông nghiệp thì không tập trung với diện tích gần 450 ha. Trong số này chỉ có 164 ha cấy lúa, còn lại là đất soi bãi và đất vườn hộ gia đình. Cùng với ưu thế phát triển kinh tế rừng, Đảng bộ và chính quyền xã Quy Mông thường xuyên lãnh đạo, vận động nhân dân thực hiện các biện pháp thâm canh, tạo hiệu quả trên diện tích đất trồng.

Một địa phương có tới 33,7% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, nhưng việc tiếp thu các kiến thức khoa học kỹ thuật và cuộc cách mạng chuyển dịch cơ cấu cây trồng lại được người dân sớm hưởng ứng. Đó là kết quả của sự quyết tâm, sự gương mẫu đi đầu của cán bộ đảng viên, các mô hình rồi cầm tay chỉ việc của lực lượng khuyến nông, đồng đất ở đây không chỉ có ngô trên chân ruộng 2 lúa, mà đỗ tương, lạc và các loại rau màu khác, rồi đến trồng dâu nuôi tằm… đã giúp người dân phát huy hiệu quả cây trồng.

Việc triển khai dự án trồng dâu nuôi tằm có thể coi là một thành công trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Quy Mông. Từ việc chỉ có 1, 2 hộ trồng thử, năm 2003 mục tiêu trồng dâu được đưa vào nghị quyết của Đảng bộ và HĐND. Một ban chỉ đạo về cây dâu tằm được thành lập, cán bộ được cử xuống từng thôn, vận động từng nhà. Bắt đầu từ các thôn 3, 4, 5, sau lan rộng, đến năm 2007 có 62 hộ trồng dâu trên diện tích 16,2 ha. Sản lượng kén bà con bán được 7.850 kg. Năm 2008, đã có 120 hộ trồng dâu với diện tích lên tới 20 ha.

Hay như trên diện tích trồng lúa, từ lâu đã được bà con gieo cấy chủ yếu bằng giống lúa lai nên năng suất bình quân luôn đạt mức 47 tạ/ha. Gần đây, trong mỗi vụ cấy của năm, xã thường dành 50 - 60 ha để trồng lúa chất lượng cao, bán được giá mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Hầu hết diện tích 2 vụ lúa, bà con đã tranh thủ đất trồng ngô, góp phần nâng tổng sản lượng lương thực hàng năm đạt gần 1.800 tấn. Diện tích ngô trên đất bãi dần dần thu hẹp nhường đất cho các loại cây rau màu khác.

Cây đỗ tương, cây lạc cũng chỉ mất một hai vụ thí điểm, thấy hiệu quả, người dân dành đất trồng. Cây lạc giống mới tiếp tục được thử nghiệm, còn cây đỗ tương dùng giống DT 84 cho thu hoạch tới 70kg/sào. Tăng vòng quay của đất, bà con tranh thủ trồng đỗ tương xen canh giữa hai vụ cây màu hoặc xen canh với đất trồng dâu tằm. Diện tích đỗ, lạc nhờ đó thường xuyên duy trì ở mức 30 - 40 ha.

Bên cạnh đó, cây sắn đã mang lại nguồn thu đáng kể cho bà con xã Quy Mông. Cây sắn cao sản được thay thế giống sắn địa phương cho tỷ lệ tinh bột cao nên năm qua 60 ha sắn được thu mua hết. Năm 2008, xã chỉ đạo nhân dân tận dụng đất đai và trồng được 80 ha. Kết quả từ việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng trong sản xuất nông nghiệp đã mang lại lợi ích kinh tế rõ rệt, góp phần giảm số hộ nghèo của xã xuống còn  29%, số hộ có mức sống trung bình khá trở lên đạt khoảng 40%.

Những ngày này, trên 230 hộ dân ở cả 12 thôn đã nhận cây giống và đang được tập huấn kỹ thuật trồng cây gấc lai - một loại cây quen thuộc với bà con sẽ được trồng theo phương pháp mới trên đất vườn hộ gia đình. Dự án trồng gấc này do Công ty Thương mại Hoa Kỳ (Hà Nội) đầu tư với diện tích khoảng 9 ha và cam kết sẽ bao tiêu sản phẩm. Lại thêm một cây trồng mới bổ sung vào đồng đất Quy Mông. Và sẽ có những hiệu quả kinh tế nhờ coi trọng chuyển dịch cơ cấu cây trồng ở một địa phương thuần nông này trong nay mai.

Quang Tuấn

Các tin khác

YBĐT - Thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) có trên 480 cơ sở sản xuất các ngành nghề, trong đó có trên 470 cơ sở kinh tế hộ, 2 hợp tác xã, 9 doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn và trên 1.000 lao động.

Ngày 29/4, trần lãi suất thỏa thuận huy động VND giữa các ngân hàng được nâng lên 12% thay cho mức 11% trước đó.

Công nhân Nhà máy Cacbonat Canxi Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái đóng gói sản phẩm.

YBĐT - Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái, tiền thân là Xí nghiệp Xi măng Phú Thịnh được thành lập năm 1980 với quy mô sản xuất nhỏ bé. Đến nay, Công ty đã trở thành một đơn vị sản xuất xi măng và chế biến khoáng sản mạnh trên địa bàn tỉnh và cả khu vực Tây Bắc.

(Ảnh: Khánh Linh)

YBĐT - Trong 50 năm qua, Sở Xây dựng Yên Bái đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì, 4 đơn vị và cá nhân được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, 1 đơn vị được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì và nhiều lần được Bộ Xây dựng, UBND tỉnh tặng bằng khen, cờ thi đua xuất sắc...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục