Đồng đất Mường Lò chiêm mùa gối vụ
- Cập nhật: Thứ tư, 4/6/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Tháng 6, trời nóng như đổ lửa, tôi về Nghĩa Lộ để hòa vào không khí tấp nập của nông dân miền Tây đang chạy đua với thời gian thu chiêm làm mùa.
Nông dân xã Nghĩa Phúc thu hoạch lúa xuân trên cánh đồng Mường Lò.
|
Chưa bao giờ làm nông nghiệp lại phải khẩn trương đến vậy - đó là cảm nhận của chúng tôi khi cùng anh Hà Đức Thuy - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Nghĩa Lộ. Anh Thuy giãi bày: "Vụ xuân 2008 này, thị xã gieo cấy 706,3 ha lúa. Tất cả các khâu chuẩn bị cho một mùa vụ đã được triển khai để vụ xuân không chỉ là một vụ lúa có năng suất khá mà còn là vụ lúa tiếp cận gần hơn với thị trường. Nhưng thời tiết đặc biệt khắc nghiệt, ngay từ đầu vụ rét đậm, rét hại kéo dài khiến 414 ha lúa (tương đương 60% diện tích) bị chết.
Trước khốn khó của người dân, được sự hỗ trợ của tỉnh, các cấp, các ngành, thị xã đã làm tất cả để giúp đỡ, để hướng dẫn bà con "cứu" vụ lúa chủ lực, bảo đảm đời sống của cả nghìn hộ nông dân như cấp thóc giống, hướng dẫn làm mạ, chỉ đạo bảo đảm 100% diện tích được gieo cấy trong khung thời vụ". 100% diện tích đã được gieo cấy, đó là điều rất đáng mừng nhưng cũng rất đáng lo vì có quá nhiều giống lúa cùng "góp mặt" trên đồng, nào là TH33, Khang Dân, Chiêm Hương... và thời gian cấy lại quá dài, hai thửa ruộng liền kề nhưng lại gieo cấy cách nhau cả tháng. Tình trạng quá nhiều trà lúa, quá nhiều giống lúa trong một vụ như vậy sẽ rất khó khăn trong khâu chăm sóc, nhất là phòng trừ sâu bệnh.
Đó còn chưa kể, nó sẽ ảnh hưởng đến tiến độ làm mùa và kế hoạch làm vụ đông 2008 - 2009. "Tập trung mọi khả năng có thể bảo đảm lúa xuân phát triển tốt, cho năng suất cao và không để ảnh hưởng đến vụ mùa", đó là quan điểm chỉ đạo của Ban thường vụ Đảng bộ thị xã Nghĩa Lộ, đã được hiện thực hóa bằng việc các cán bộ kỹ thuật trong khối nông nghiệp tăng cường đi cơ sở phối hợp với chính quyền địa phương chỉ đạo bà con áp dụng mạnh các biện pháp thâm canh và phòng trừ sâu bệnh kịp thời. Chính vì thế, khi dịch rầy nâu đang bùng phát ở nhiều địa phương trong tỉnh thì trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ mới chớm xuất hiện trên 5 ha đã được khoanh vùng dập tắt kịp thời bằng các loại thuốc Áctara, Ácmen, Bátsa nên không ảnh hưởng đến năng suất lúa. Đúng như kinh nghiệm của cha ông truyền lại: "Sau rét đậm lúa sẽ rất tốt", trên khắp cánh đồng Mường Lò lúa sinh trưởng và phát triển mạnh, đến đầu tháng 6 này hơn 300 ha của trà lúa một, vượt được rét đậm đã chín rộ, trà hai cấy lại lúa đã trỗ hết, phần lớn hạt đang vào chắc. Đây là thời điểm nông dân Mường Lò phải tích cực sản xuất nhất vì cùng một lúc bà con phải thu lúa chín, làm mạ mùa, cày bừa và bảo vệ lúa cuối vụ. Có lẽ chính vì thế mà từ mờ sáng đến tối mịt, bà con người Thái, người Mường, người Kinh luôn có mặt trên đồng ruộng.
Cán bộ kỹ thuật Phòng Kinh tế thị xã Nghĩa Lộ kiểm tra tình hình sâu bệnh trên lúa xuân ở bản Đêu 2, xã Nghĩa An.
Chúng tôi về Nghĩa An - địa phương có trình độ thâm canh và năng suất lúa vào hàng cao nhất tỉnh để chứng kiến không khí lao động sản xuất của bà con người Thái nơi đây. Anh Chu Văn Luật đang cùng người thân thu hoạch lúa trên cánh đồng bản Đêu 3, cho biết: "Nhà có 3200 m2 ruộng thì hơn 2000 m2 lúa không bị chết rét đang cho thu hoạch, cán bộ thống kê đánh giá năng suất đạt 65 tạ/ha, diện tích 800 m2 phải cấy lại thì lúa đã phơi màu vào chắc. Hôm nay gặt, ngày mai thuê máy về làm đất ngay cho kịp vụ mùa theo đúng hướng dẫn". Mồ hôi ướt đầm lưng áo và lăn dài trên khuôn mặt đỏ ửng vì nắng nhưng vợ anh Luật vẫn nở một nụ cười mãn nguyện vì lúa tốt thế này 7 khẩu trong gia đình sẽ đủ ăn. Phía bản Đêu 2 là khu ruộng trong chương trình sản xuất lúa giống. Những hàng lúa bố mẹ đứng giữa những hàng lúa lai nhìn rất lạ mắt.
Được biết, hơn 9 ha ruộng làm thóc giống ở Nghĩa An tuy năng suất không bằng lúa thường nhưng quy đổi 1 cân thóc giống lúa lai bằng 3,5 cân thóc thịt thì người làm thóc giống vẫn có thu nhập bình quân trên 12 tấn thóc/ha/vụ. Hơn thế, bà con chẳng phải đầu tư giống, vốn hay phân bón. Chúng tôi tình cờ gặp chị Lò Thị Thu ở phường Tân An khi chị đang nhổ dồn một đám lúa đỏ đuôi để dành đất làm mạ mùa. Đây là phương pháp tiết kiệm thời gian không mới vì nhiều vụ lúa bà con đã làm cách này để trồng ngô nhưng dành đất để làm mạ thì đây là lần đầu tiên. Cùng với quy định lúa chín trên 85% là gặt, gặt đến đâu làm đất ngay đến đó, phương pháp nhổ dồn lúa đã vào chắc và đỏ đuôi để làm mạ là các biện pháp để Nghĩa Lộ kịp thời làm lúa vụ mùa theo lịch gieo: mạ trà một từ ngày 1 đến 10/6, trà hai từ ngày 10 đến 25/6.
Chia tay Mường Lò lúc gần 6 giờ chiều mà mặt trời vẫn đổ lửa như muốn thách thức lòng kiên trì và sức chịu đựng của nhà nông. Những chiếc xe chất đầy thóc theo đường bê tông đi về các bản, những chiếc máy cầy lật tung từng luống đất, những đụn khói rơm lan tỏa trong gió mang theo hương lúa thơm nồng; mồ hôi ướt đầm lưng áo cỏm các cô gái Thái, mong sao mùa tới lúa sẽ tốt hơn, nhà nông đỡ vất vả hơn, chương trình sản xuất 500 ha lúa chất lượng cao đạt kết quả tốt để nông dân có thêm thu nhập.
Lê Phiên
Các tin khác
Đó là kết luận của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân về giải pháp bình ổn thị trường xi măng khu vực TPHCM.
YBĐT - Đó không chỉ còn là khẩu hiệu trong hoạt động sản xuất mà đã trở thành mục tiêu để sản phẩm của Công ty cổ phần sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn nâng cao vị thế cạnh tranh trên thương trường trong cơ chế hội nhập.
YBĐT - Xã Mông Sơn, huyện Yên Bình (Yên Bái) có những lợi thế về tiềm năng khoáng sản và lâm nghiệp trong việc thu hút sự đầu tư, hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn. Sự đóng chân của nhiều doanh nghiệp tại địa phương vốn đã là một thuận lợi trong việc giải quyết việc làm tại chỗ cho người lao động. Không những thế, phát huy những lợi thế này, Đảng ủy và chính quyền xã Mông Sơn đã chú trọng yếu tố tạo việc làm cho nhân dân trong xã trong chính sách khuyến khích, thu hút doanh nghiệp. Nhờ đó, hiện có khoảng 70% - 80% lao động của địa phương có việc làm trong các doanh nghiệp trên địa bàn.
Hãng tư vấn Mỹ A.T. Kearney vừa công bố báo cáo thường niên về chỉ số phát triển mảng kinh doanh bán lẻ (GRDI) trên toàn cầu, theo đó Việt Nam soán ngôi vị số một của Ấn Độ, trở thành điểm đến hấp dẫn nhất với các nhà đầu tư.