Mông Sơn với nỗ lực giải quyết việc làm
- Cập nhật: Thứ ba, 3/6/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Xã Mông Sơn, huyện Yên Bình (Yên Bái) có những lợi thế về tiềm năng khoáng sản và lâm nghiệp trong việc thu hút sự đầu tư, hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn. Sự đóng chân của nhiều doanh nghiệp tại địa phương vốn đã là một thuận lợi trong việc giải quyết việc làm tại chỗ cho người lao động. Không những thế, phát huy những lợi thế này, Đảng ủy và chính quyền xã Mông Sơn đã chú trọng yếu tố tạo việc làm cho nhân dân trong xã trong chính sách khuyến khích, thu hút doanh nghiệp. Nhờ đó, hiện có khoảng 70% - 80% lao động của địa phương có việc làm trong các doanh nghiệp trên địa bàn.
Cơ sở chế biến gỗ rừng trồng của ông Đỗ Xuân Thịnh, xã Mông Sơn (huyện Yên Bình) tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.
|
Phó bí thư thường trực Đảng ủy xã Mông Sơn (Yên Bình) Lương Xuân Hạnh khẳng định: "Hiện nay về cơ bản Mông Sơn không còn tình trạng lao động thất nghiệp”.
Cùng với các doanh nghiệp, các hợp tác xã cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết việc làm. Mông Sơn hiện có 5 hợp tác xã chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực khai thác khoáng sản và lâm sản. Trung bình mỗi hợp tác xã tạo việc làm cho khoảng 30 - 40 lao động với thu nhập khoảng trên dưới 1,5 triệu đồng/tháng, trong đó Hợp tác xã Khai thác vận chuyển đá Giang Sơn thôn Làng Mới là nơi tạo việc làm cho nhiều lao động nhất với khoảng hơn trăm lao động.
Bên cạnh đó, khai thác những lợi thế trong chăn nuôi đại gia súc, Mông Sơn cũng đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động thông qua triển khai thực hiện các dự án chăn nuôi, nhất là chăn nuôi bò. Trong đó, phải kể đến dự án chăn nuôi bò bán công nghiệp của Hội Cựu chiến binh. Được triển khai từ năm 2006, đến nay tổng số vốn đầu tư của dự án này là hơn 150 triệu đồng, đầu tư trực tiếp vật nuôi cho 25 hộ gia đình. Ngoài ra, Hội Phụ nữ xã còn đảm nhiệm dự án hỗ trợ 10 con bò cho 10 hộ nghèo theo hình thức vay bò trả bò. Những dự án này đã tạo việc làm cho nhiều nhân lực của những hộ được đầu tư, hỗ trợ.
Để tạo cơ hội việc làm và tìm kiếm việc làm cho người lao động, thời gian qua, chính quyền xã còn phối hợp với nhiều đơn vị, cơ sở tổ chức dạy nghề cho nhiều lao động, nhất là thanh niên như mở lớp may công nghiệp cho 25 người, lớp sửa chữa máy cho hơn chục học viên, lớp mây tre đan cho khoảng 30 lao động…Với những kiến thức được trang bị, người lao động có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm trong các đơn vị sản xuất kinh doanh hoặc có thể tự hành nghề như mở hiệu may, sửa chữa đồ điện tử, xe máy...
Hiện nay, vấn đề đặt ra đối với người lao động là phải nâng cao tay nghề. Theo ông Lương Xuân Hạnh: “Mông Sơn sẽ tiếp tục chuyển đổi sử dụng đất nông nghiệp, vì vậy, lao động nông nghiệp sẽ giảm cùng với việc người lao động phải tìm kiếm việc làm mới. Cùng đó, phần lớn lao động địa phương trong các doanh nghiệp hiện là lao động phổ thông. Khi xu hướng tất yếu trong các đơn vị sản xuất kinh doanh là áp dụng ngày càng nhiều tiến bộ khoa học vào sản xuất thì buộc người lao động phải có tay nghề đáp ứng trình độ sản xuất. Vì vậy, trong giải quyết việc làm cho người lao động, Mông Sơn tiếp tục chú trọng đến khâu đào tạo nghề".
Về lâu dài, Mông Sơn xác định phải tăng cường đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục cho các trường học trên địa bàn nhằm trang bị tốt kiến thức văn hoá cho con em làm nền tảng cho việc đào tạo nghề. Đồng thời, phát huy sự phối hợp của các đoàn thể và sự liên kết với các đơn vị sản xuất kinh doanh cũng như các cơ sở dạy nghề, các trường nghề để đào tạo nghề cho lao động địa phương.
Thu Hạnh
Các tin khác
Hãng tư vấn Mỹ A.T. Kearney vừa công bố báo cáo thường niên về chỉ số phát triển mảng kinh doanh bán lẻ (GRDI) trên toàn cầu, theo đó Việt Nam soán ngôi vị số một của Ấn Độ, trở thành điểm đến hấp dẫn nhất với các nhà đầu tư.
NN&PTNT vừa có kiến nghị phải giữ được ít nhất 3,9 triệu ha đất trồng lúa trong bối cảnh tốc độ lấy đất nông nghiệp làm đất đô thị, khu công nghiệp tại nhiều tỉnh trọng điểm về trồng lúa đang diễn ra mạnh mẽ.
Ngày 31/5, Cục thuế Yên Bái đã tổ chức đánh giá kết quả ứng dụng chương trình quản lý thuế nhà đất. Dự hội nghị có lãnh đạo Tổng cục thuế, Cục thuế các tỉnh bạn thuộc khu vực phía Bắc.
YBĐT - Vụ xuân năm 2008, nông dân xã Minh Tiến, huyện Lục Yên (Yên Bái) đã chuyển phần lớn diện tích đất lấn hồ Thác Bà dưới cốt 58 sang trồng lạc. Việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng này đã cho hiệu quả kinh tế cao, thu nhập từ trồng lạc hiện cao gấp từ 2 đến 2,5 lần trồng lúa hồ.