Đưa nông - lâm nghiệp thành ngành sản xuất hàng hóa vào năm 2010
- Cập nhật: Thứ ba, 10/6/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Mặc dù là miền núi, song Yên Bái luôn được đánh giá là tỉnh có nhiều tiềm năng thế mạnh trong phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp. Nổi bật là cánh đồng Mường Lò rộng lớn ở Văn Chấn - Nghĩa Lộ; một vùng đất Đại-Phú-An bằng phẳng ở Văn Yên; những cánh đồng phía Bắc huyện Trấn Yên, Mường Lai, Minh Xuân (Lục Yên) rất tươi tốt...
Bên cạnh đó, Yên Bái còn có gần 13 ngàn ha chè, hàng trăm ngàn ha rừng tự nhiên, rừng trồng kinh tế đầy tiềm năng, nhiều đồng cỏ tự nhiên thuận lợi cho phát triển chăn nuôi... Tiềm năng là vậy, song điều dễ nhận thấy là tốc độ tăng trưởng toàn ngành nông nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng về đất đai, lao động và đầu tư; chuyển dịch cơ cấu giống và mùa vụ còn chậm; chưa tạo thành hàng hóa ở vùng thâm canh; tình trạng thiếu lương thực và đói giáp hạt ở vùng cao vẫn còn nhiều; sản xuất vụ đông chưa mở rộng diện tích, chất lượng thấp, chưa xác lập được thời vụ; chăn nuôi, thủy sản chưa khai thác hết tiềm năng và thế mạnh; chăn nuôi đại gia súc và trồng rừng kinh tế còn nhiều hạn chế; sản xuất chè chưa thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn trước cơ chế thị trường.
Để sản xuất nông - lâm nghiệp phát triển theo hướng bảo đảm an ninh lương thực ở vùng cao, vùng thấp sản xuất trở thành hàng hóa lớn đáp ứng thị trường, ngành nông nghiệp và các huyện, thị, bà con các dân tộc trong tỉnh đang được chỉ đạo tích cực chuyển dịch mạnh cơ cấu cây trồng vật nuôi, tăng tỷ trọng trong sản xuất lâm nghiệp và chăn nuôi; từng bước tiến hành công tác quy hoạch, phân vùng hợp lý. Một trong những mục tiêu được đưa ra là đối với các huyện, xã vùng sâu, vùng xa phát triển cây ngô, lúa, trồng rừng kinh tế, rừng phòng hộ và phát triển chè Shan, bảo đảm bằng được an ninh lương thực.
Ở vùng thấp, vùng thâm canh hình thành, xây dựng và phát triển sản xuất hàng hóa. Những hướng đi ấy không phải là mới, mà đã từ nhiều năm nay được ngành nông nghiệp và các huyện thị đề ra, trong đó nhiều nơi đã xây dựng cả nghị quyết chuyên đề. Đảng bộ, chính quyền, nhân dân rất đồng tình, song việc thực hiện và phát triển vẫn còn rất chậm, vùng lúa hàng hóa không nhiều, chăn nuôi trâu bò, lợn gà... vẫn phổ biến hình thức tự cung, tự cấp là chính; chưa hình thành rõ nét vùng sản xuất hàng hóa với quy mô lớn mà vẫn nhỏ lẻ, manh mún. Những thiếu sót đó, một phần thuộc về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quy hoạch phát triển; một số nơi làm tốt thì thiếu vốn, kiến thức và cơ chế...
Nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp, chăn nuôi thủy sản, từng bước hình thành nền sản xuất hàng hóa tiên tiến, chất lượng hiệu quả, đa dạng, bền vững, cần triển khai theo hướng chuyển dịch mạnh cơ cấu nội ngành, trong đó, tập trung tăng tỷ trọng chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp và kinh tế đồi rừng; hình thành rõ nét cơ cấu sản xuất theo vùng, tạo khối lượng hàng hóa đủ sức cạnh tranh trên thị trường.
Để tạo thêm sức mạnh, niềm tin vào chủ trương phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp, ngày 20/5/2008, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 09/2008/QĐ/UBND về một số chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp, thủy sản giai đoạn 2008-2010; tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ giá giống cây trồng, vật nuôi, vật tư nông nghiệp cho các hộ nghèo, xây dựng và bổ sung chính sách hỗ trợ cho các dự án phát triển sản xuất hàng hóa trong vùng quy hoạch... Mục tiêu là xây dựng vùng sản xuất hàng hóa, trong đó diện tích lúa với 4.000 ha, sản lượng đạt 40 ngàn tấn/năm; ngô 10 ngàn ha, sản lượng 50 ngàn tấn/năm; hình thành 1.000 cơ sở chăn nuôi lợn, gia cầm...
Mức hỗ trợ, đầu tư cũng rất cao như đối với vùng đặc biệt khó khăn: hỗ trợ 100% giá giống lúa lai; vác xin tiêm phòng cho gia súc; giá thuốc bảo vệ thực vật... Đối với vùng sản xuất hàng hóa, tỉnh sẽ hỗ trợ 50% giá giống lúa, ngô; 20-25% giá trị thiết bị chế biến; chăn nuôi hỗ trợ một lần để xây chuồng trại, mua con giống, vắc xin, xây hầm biogas... và nhiều chính sách hỗ trợ, đầu tư khác.
Qua đó, cho thấy quyết tâm của tỉnh nhằm đưa sản xuất nông - lâm nghiệp lên một bước phát triển mới. Ngoài những cơ chế, chính sách đã ban hành và đang thực hiện, nay lại có Quyết định số 09/2008/QĐ-UBND sẽ như một làn gió mát và là động lực thúc đẩy cho sản xuất phát triển. Điều quan trọng lúc này là mỗi cấp, ngành và người dân phải làm thế nào để thực hiện và cụ thể hóa thành công chủ trương trên, để đưa nông - lâm nghiệp trở thành ngành sản xuất hàng hóa vào năm 2010.
Thanh Phúc
Các tin khác
Ngày 9.6, một báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá: triển vọng của nền kinh tế Việt Nam chắc chắn không thuận lợi bằng một năm trước đây; Chính phủ quyết tâm chống lạm phát và gói chính sách bình ổn sẽ dẫn đến tỷ lệ tăng trưởng thấp hơn so với dự báo đưa ra hồi đầu năm.
YBĐT - Với gần 4.000 ha ruộng nước, Văn Chấn (Yên Bái) được coi là vựa lúa của Yên Bái. Nhưng trong những năm qua, sản xuất nông nghiệp ở Văn Chấn vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng vốn có. Đặc biệt, trong vụ đông xuân 2007-2008, cũng như nhiều địa phương khác, Văn Chấn bị thiệt hại khá nặng nề do rét đậm, rét hại; hàng ngàn ha lúa, ngô và trên 2.000 con trâu, bò bị chết.
YBĐT- HTX 6.12 Đào Thịnh, huyện Trấn Yên (Yên Bái) có 12 xã viên, ngành nghề sản xuất, kinh doanh chính là trồng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông lâm nghiệp; chăn nuôi gia súc, gia cầm; dịch vụ vận tải. Để phát triển sản xuất, kinh doanh, cùng đẩy mạnh các giải pháp nắm bắt thị trường, xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh sát với thực tế, mạnh dạn đổi mới...