Minh Bảo cần phải củng cố và vực dậy lòng tin trong nhân dân
- Cập nhật: Thứ hai, 16/6/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Cuộc sống của người dân Minh Bảo, TP Yên Bái (Yên Bái) còn nghèo và khó khăn lắm, bởi người dân chủ yếu dựa vào sản xuất lâm, nông nghiệp. Nghèo nhưng cuộc sống thanh bình - đó là nhận xét của nhiều người. Những tưởng sự yên ổn, thanh bình đó được duy trì, nhưng trong thời gian gần đây Minh Bảo đã xuất hiện những dấu hiện bất ổn. Nhiều vụ việc liên quan đến cán bộ, nhất là những cán bộ đứng đầu khiến cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã bức xúc, mất lòng tin.
Các dự án phát triển kinh tế như chăn nuôi sẽ không đến được với người dân nếu cán bộ là những “mắt xích hỏng”
|
Từ dự án bò đực giống...
Minh Bảo là xã thuần nông, đời sống nhân dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp và chăn nuôi. Vì vậy, vào năm 2004 khi Nhà nước có dự án hỗ trợ bò đực giống lai Sind, nhiều hộ chăn nuôi ở Minh Bảo rất vui mừng, họ đã mơ tới những đàn bò to lớn, béo mập để tạo ra nguồn thu nhập cho mọi người. Theo dự án, Nhà nước sẽ hỗ trợ 4 con bò giống đực lai Sind, với tổng số tiền gần 30 triệu đồng gồm giống và tiền hỗ trợ thức ăn. Với mức hỗ trợ 70%, người tham gia dự án chỉ phải bỏ số tiền trên 2 triệu đồng (30%) là có một con bò giống trị giá 7 triệu đồng. Nhưng niềm vui của các hộ chăn nuôi đến nhanh bao nhiêu thì cũng nhanh chóng bị dập tắt bấy nhiêu vì số bò giống này không bao giờ đến được người dân mà đã nằm trong phần “chia nhau” của một số cán bộ xã.
Trên thực tế, số bò đực giống đã được chia cho các ông Phạm Thanh Vân (thôn Trực Bình II) nguyên Bí thư Đảng uỷ xã; bà Nguyễn Thị Chi (thôn Bảo Thịnh) - nguyên thủ quỹ của UBND xã; Phạm Duy Thanh (thôn Trực Bình I); bà Nguyễn Thị Thắm (thôn Thanh Niên). Qua tìm hiểu được biết, bà Nguyễn Thị Thắm là con ông Trưởng - Phó bí thư Đảng ủy xã, còn Phạm Duy Thanh là em cậu ông Nguyễn Hồng Quang - Bí thư Đảng ủy xã - là những người đứng tên để hợp pháp hoá.
Nhưng điều đáng buồn hơn đó là số phận của những con bò đực giống được coi là niềm hy vọng của những hộ chăn nuôi cũng không may mắn gì vì chỉ sau một thời gian ngắn, với nhiều lý do 4 con bò giống đã được bán đi hết. Và chắc chắn phần hưởng lợi thuộc về số cán bộ được tham dự vào dự án.
Năm 2006, Minh Bảo tiếp tục được Nhà nước hỗ trợ giống bò cái, nhân dân đã tự nguyện đăng ký mua để chăn nuôi, nhưng khổ nỗi lúc này ở xã không có bò đực để nhân giống. Điều này lý giải tại sao đàn gia súc ở Minh Bảo không phát triển. Khi được hỏi vì sao số bò đực giống không giao cho người dân, ông Nguyễn Hồng Quang - Bí thư Đảng ủy, một trong những người được "hưởng lợi" từ dự án chống chế: Người dân không dám nhận bò vì không chăm sóc và quản lý được!.
Những lời Bí thư Đảng uỷ xã nói đã khác xa thực tế. Chúng tôi nhận được khá nhiều đơn của nhân dân Minh Bảo phản ánh và thực tế tìm hiểu được biết, khi có dự án, để chia số bò giống được suôn sẻ, những thông tin về bò giống đã được các cán bộ xã không thông báo mà bưng bít để người dân không nắm được. Tuy nhiên, nhiều người vẫn biết, đã viết đơn xin tham gia dự án, nhưng, với dự án béo bở như vậy thì đâu đến lượt người dân!
...Đến công tác cán bộ
Những bất ổn không chỉ dừng lại ở đó mà việc mất lòng tin trong cán bộ, đảng viên và nhân dân còn trong công tác bố trí cán bộ. Cụ thể như việc đầu năm 2008, Minh Bảo tổ chức Đại hội Hội Nông dân hết nhiệm kỳ. Chủ tịch Hội Nông dân xã khóa này là anh Phạm Công Đoàn - một người chưa có bằng cấp, chưa có kinh nghiệm công tác mà chỉ là một công an viên của thôn Thanh Niên thay ông Triệu Viết Thịnh - một người có nhiều năm công tác ở thôn và có gần 10 năm ở cương vị Chủ tịch Hội Nông dân xã. Khi được hỏi về vấn đề này, Bí thư Đảng uỷ cho biết lý do: Để trẻ hoá cán bộ! Nhưng thực tế thì sao? Tìm hiểu được biết, anh Đoàn chính là anh em “cọc chèo” với ông Quang - Bí thư Đảng ủy xã. Để đưa anh em cọc chèo vào giữ chức Chủ tịch Hội Nông dân, trên danh nghĩa là cấp uỷ Đảng, ông Quang đã dùng nhiều cách để ép đại biểu theo hướng đã được vạch ra từ trước, các phiếu bầu đều đã ghi rõ ràng tên và các chức danh, nên dù muốn hay không họ cũng phải làm theo! Vì vậy, Đại hội Nông dân xã vẫn diễn ra "bình thường", anh Đoàn vẫn trúng cử, nhưng sau Đại hội, các đại biểu rất bất mãn vì cách chỉ đạo của ông Quang.
Việc đưa anh Đoàn anh em của Bí thư Đảng ủy xã thay ông Triệu Viết Thịnh - một người có nhiều năm công tác ở thôn và có gần 10 năm ở cương vị Chủ tịch Hội Nông dân xã về nghỉ sớm đã gây bất bình trong nhiều cán bộ, vì xét quá trình cống hiến và hoàn cảnh khó khăn của ông Thịnh thì đây là một việc làm "không có tình người!”. Về nghỉ sớm ông Thịnh phải tự đóng bảo hiểm hai năm nữa mới đủ điều kiện để nghỉ hưu!.
Cùng với việc đưa em rể vào làm Chủ tịch Hội Nông dân xã, ông Quang còn bố trí đưa một em cậu làm Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã, đưa con gái ruột của mình làm cán bộ điểm bưu điện văn hóa xã…
Từ những việc làm mang tính cá nhân đó nội bộ Đảng, chính quyền Minh Bảo đã nảy sinh rất nhiều mâu thuẫn, lòng tin trong nhân dân bị giảm sút! “Trên bất chính…” chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều cán bộ của Minh Bảo, trong đó có nhiều cán bộ chủ chốt đã vi phạm kỷ luật. Từ tình hình tại Đảng bộ Minh Bảo, đã đến lúc Thành phố Yên Bái cần phải xem xét nghiêm minh và có biện pháp xử lý kịp thời để yên lòng dân nơi đây, vực dậy Minh Bảo với truyền thống đẹp đẽ vốn có khi xưa!
Trần Minh
Các tin khác
YBĐT – Ngay sau cổ phần hoá, Công ty cổ phần Sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn (Yên Bái) đã nhanh chóng kiện toàn bộ máy, ổn định sản xuất và đầu tư kinh doanh có hiệu quả. 5 tháng đầu năm 2008, giá trị sản xuất công nghiệp của Công ty đạt 13,995 tỷ đồng, bằng 43,7% kế hoạch.
YBĐT - Sự biến động về giá vật liệu xây dựng thời gian qua đã nằm ngoài tầm kiểm soát của các nhà thầu và chủ đầu tư, đã dẫn đến hàng loạt công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh đang bị chậm tiến độ. Để tìm hiểu thực trạng và hướng giải quyết vấn đề này, phóng viên Báo YBĐT đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Lâm Thắng - Phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Yên Bái.
Thiếu muối đúng vào vụ muối là chuyện lạ đang diễn ra ở nước ta, một quốc gia có hơn 3.000 km bờ biển với nhiều vựa muối.
Bộ Công thương cho biết, để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu từ nay đến cuối năm 2008 và đảm bảo mục tiêu xuất khẩu 61,2 tỷ USD, bộ này đã kiến nghị tăng mức lãi suất cho vay tại Ngân hàng Phát triển nhưng không vượt quá 10%/năm (hiện Bộ Tài chính đang đề nghị điều chỉnh lên 12%).