Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 19-6, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh đã chủ trì Diễn đàn truyền hình trực tuyến với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế tại các đầu cầu truyền hình là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hồng Công và Singapore.
Lãnh đạo các bộ: Kế hoạch và Ðầu tư, Công thương, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam; đại diện các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế, Ngân hàng Phát triển châu Á, Ngân hàng Credit Suisse,... cùng đông đảo các nhà đầu tư đã tham dự diễn đàn. Diễn đàn được tổ chức thể hiện tính chủ động của Chính phủ Việt Nam trong quá trình đối thoại, giúp các nhà đầu tư có được thông tin chân thực, chính xác, đầy đủ về tình hình Việt Nam.
Trong bài phát biểu khai mạc diễn đàn, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh giới thiệu khái quát với các nhà đầu tư tình hình phát triển kinh tế Việt Nam thời gian qua. Bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế Việt Nam nổi lên hai vấn đề là giá tiêu dùng tăng cao và nhập siêu vẫn còn lớn. Chính phủ Việt Nam xác định nhiệm vụ trọng tâm trong tình hình hiện nay là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tạo nền tảng cho tăng trưởng bền vững, trong đó kiềm chế lạm phát là mục tiêu ưu tiên hàng đầu với tám nhóm giải pháp đồng bộ.
Tại diễn đàn, các nhà đầu tư nước ngoài đã đặt gần 20 câu hỏi trực tuyến cho đại diện các cơ quan Chính phủ Việt Nam, chủ yếu liên quan tới các vấn đề về chính sách tiền tệ, tài chính, chứng khoán, đầu tư,... Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh, Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Văn Giàu và Thứ trưởng Công thương Nguyễn Thành Biên đã tham gia trả lời cũng như giải đáp thắc mắc của các nhà đầu tư.
Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết, sau những biến động kinh tế năm 2007 cũng như sáu tháng đầu năm 2008, Chính phủ Việt Nam đã rút ra một số bài học kinh nghiệm trong quản lý, điều hành kinh tế. Thí dụ như năm 2007, phát hiện vấn đề còn chậm, áp dụng các biện pháp kiềm chế lạm phát chưa đồng bộ.
Tuy nhiên đến nay, tình hình đã được cải thiện. Công tác dự báo còn nhiều khiếm khuyết. Chính phủ Việt Nam xác định, cần nâng cao chất lượng hiệu quả nền kinh tế bằng các giải pháp như đẩy nhanh cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, cơ cấu lại nền kinh tế (đầu tư xây dựng các nhà máy sản xuất nguyên nhiên liệu nhằm tránh sự phụ thuộc vào nguồn nguyên, nhiên liệu thế giới...).
Bộ trưởng Vũ Văn Ninh khẳng định, với việc thực hiện tích cực tám nhóm giải pháp đồng bộ, tình hình lạm phát và kinh tế vĩ mô vẫn trong tầm kiểm soát của Chính phủ Việt Nam. Tháng 6 này tình hình đã có những dấu hiệu chuyển biến tốt hơn, lạm phát và nhập siêu có xu hướng giảm. Bên cạnh chính sách thắt chặt tiền tệ, Chính phủ Việt Nam chủ trương cắt giảm chi tiêu công bằng việc giảm 25% (tương đương hơn 10 nghìn tỷ đồng) vốn đầu tư trái phiếu Chính phủ, tiết kiệm 20% chi tiêu công...
Trả lời một số câu hỏi của nhà đầu tư, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho rằng, trong điều kiện thuận lợi sẽ tiếp tục phát hành trái phiếu quốc tế; xem xét tăng lãi suất trái phiếu Chính phủ, nới rộng tỷ lệ nắm giữ cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài trong các công ty Việt Nam...
Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Văn Giàu đã trả lời một số câu hỏi liên quan tới thị trường ngoại hối, tỷ giá, lãi suất... Thống đốc khẳng định, Việt Nam không phá giá đồng Việt Nam. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, thì NHNN chưa thể công bố số liệu về dự trữ ngoại tệ nhưng lượng dự trữ ngoại tệ đủ để bảo đảm can thiệp thị trường khi cần thiết. Hiện nay thị trường ngoại hối đã ổn định.
Liên quan vấn đề lãi suất cho vay của ngân hàng, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu thừa nhận lãi suất cao là có thật, do tác động của những giải pháp kiềm chế lạm phát. Mức lãi suất cao sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp. Ðiều này buộc doanh nghiệp phải cắt giảm các dự án đầu tư không hiệu quả, giảm các chi phí sản xuất nhưng vẫn bảo đảm mức giá thành hợp lý. Các giải pháp mà NHNN thực hiện vừa qua đã góp phần kiểm soát được tín dụng. Tốc độ tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng giảm từ 6,28% tháng 1-2008 xuống còn 1,22%.
Kết thúc diễn đàn, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh, những khó khăn đối với nền kinh tế Việt Nam hiện nay chỉ là ngắn hạn. Chính phủ cũng như các nhà đầu tư quốc tế tin tưởng vào tiềm năng phát triển trung và dài hạn của Việt Nam. Bộ trưởng Vũ Văn Ninh kêu gọi các nhà đầu tư hãy nghiên cứu, xem xét, đánh giá tình hình kinh tế Việt Nam một cách cẩn trọng, có những nhận định khách quan, chính xác để đưa ra những quyết định đầu tư đúng đắn trong dài hạn. Chính phủ Việt Nam cam kết xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng, bình đẳng và công khai, minh bạch, bảo đảm đầy đủ quyền lợi nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam và cam kết quốc tế.
(Theo NDĐT)