Đông An chuyển mình
- Cập nhật: Thứ sáu, 20/6/2008 | 12:00:00 AM
YBĐT - Chúng tôi về xã Đông An, huyện Văn Yên (Yên Bái) vào một ngày đầu tháng 6, con đường nhựa chạy từ trung tâm huyện vào tới xã đang được hoàn tất. Trụ sở Đảng uỷ, HĐND, UBND xã mới được xây dựng khang trang bề thế trên một khu đất cao và xung quanh là màu xanh của ngô, sắn hoà lẫn với sắc vàng của những ruộng lúa sắp tới kỳ thu hoạch.
Cây cầu mới, đang được xây dựng trên tuyến đường
Qui Mông - Đông An.
|
Toàn xã có 17 thôn với 1279 hộ, 5529 khẩu, trong đó có 27% là người dân tộc Dao. Trong những năm qua, Đảng bộ và nhân dân trong xã đã từng bước nỗ lực khắc phục khó khăn, vươn lên xóa đói giảm nghèo.
Các chương trình khuyến nông, khuyến lâm được triển khai tại xã đã giúp nhân dân hiểu được cách làm ăn mới, có hiệu quả kinh tế. Do đó, ở từng gia đình, từng thôn, phong trào áp dụng các giống cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế, chuyển đổi mùa vụ, thâm canh phát triển mạnh giúp năng suất, sản lượng lương thực tăng nhanh.
Cũng từ sản xuất lúa lai với diện tích lớn, đã chuyển đổi được cơ cấu mùa vụ, tăng quỹ đất để trồng cây vụ đông. Từ nhiều năm lại đây, Đông An luôn đứng trong tốp đầu về sản xuất cây vụ đông ở Văn Yên. Bình quân mỗi năm, Đông An tổ chức trồng cây vụ đông trên đất hai lúa với diện tích từ 65- 70 ha/133ha đất canh tác, trong đó cây ngô lai chiếm 70-80%, mỗi năm thu hoạch gần 700 tấn lương thực hàng hoá.
Ngoài trồng lúa và cây vụ đông, xã Đông An còn có 1200 ha đất rừng, nhân dân tích cực khai thác lợi thế về kinh tế rừng, phát triển đồi rừng, khoanh nuôi tái sinh kết hợp với đẩy mạnh chăn nuôi nên đến nay ở Đông An có tổng đàn trâu, bò lên tới gần 1.500 con. Nhân dân phát triển chăn nuôi vừa dùng làm sức kéo, vừa chăn nuôi theo hướng kinh tế hàng hoá. Ngoài ra, nhiều gia đình còn chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm vừa tạo nguồn thu nhập, vừa giải quyết thực phẩm tại chỗ cho đời sống thường ngày. ở những diện tích đất thấp có độ dốc trung bình, các hộ nông dân đã trồng sắn cao sản để một phần cung cấp nguyên liệu cho Nhà máy sắn Văn Yên làm hàng xuất khẩu, một phần sấy khô để nội tiêu.
Đến nay toàn xã có gần 700 ha sắn, mỗi năm thu gần 15 tỷ đồng, tạo nhiều công ăn việc làm cho lao động địa phương. Gia đình anh Nguyễn Đình Duy- thôn Lâm Trường, từ kinh tế đồi rừng, trồng sắn kết hợp với trồng quế, keo mỗi năm thu nhập gần 100 triệu đồng. Ngoài ra, công tác thuỷ lợi cũng được người dân chú trọng, trước khi vào vụ mới tận dụng các nguồn nước tự chảy để phục vụ sản xuất. Với sự đầu tư của Nhà nước và đóng góp công sức của nhân dân, hiện nay xã đã xây dựng được thuỷ lợi Ngòi Dóm, kiên cố hoá 7 km kênh mương nội đồng bảo đảm cung cấp đủ nước cho 90 ha lúa nước ở 7 thôn. Vì vậy, năng suất các loại cây trồng từng bước được nâng lên, đời sống của người dân được cải thiện đáng kể.
Anh Đỗ Chinh Đông- Bí thư Đảng uỷ xã phấn khởi cho biết: “Toàn xã có khoảng 500 hộ có mức sống tương đối khá, 60 hộ nghèo, số còn lại có mức sống trung bình, không còn hộ đói. Tổng thu nhập bình quân đầu người đạt 6,2 triệu đồng/người/năm, lương thực đầu người đạt 360kg/người/năm, tình trạng đói quanh năm hoặc đói giáp hạt cơ bản đã chấm dứt”. Đúng như tâm sự của Bí thư Đảng ủy xã, hôm nay đến với Đông An, điều cảm nhận được trước tiên là cơ sở hạ tầng đã được đầu tư đáng kể, trong đó nổi bật là các tuyến giao thông liên thôn, liên xã. Các thôn đều có đường xe cơ giới đi lại thuận tiện, ngoài ra trên địa bàn xã còn có các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ chạy qua như đường Quy Mông- Đông An, đường Đông An- Phong Dụ tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân trong vận chuyển hàng hoá.
Để tiếp tục phát triển bền vững và giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, xã Đông An đã đề ra phương hướng phát triển kinh tế, xã hội và các giải pháp cụ thể như: tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu mùa vụ, áp dụng các tiến bộ khoa học- kỹ thuật vào sản xuất phù hợp với điều kiện của địa phương, đối với cây sắn, xã nhanh chóng thâm canh một cách bền vững để bảo tồn đất lâu dài cho những năm tới và thế hệ sau; đầu tư phân bón hợp lý, trồng keo trên đỉnh đồi, trồng cây cốt khí theo băng chống xói mòn, rửa trôi, giữ độ phì cho đất. Đồng thời, tiếp tục khai thác thế mạnh về kinh tế rừng; tổ chức chăn nuôi gia súc, gia cầm, phát triển kinh tế trang trại, tạo việc làm tăng thu nhập cho người lao động.
Quang Thiều
Các tin khác
Để hạn chế xuất khẩu phôi thép, Bộ Công thương dự kiến trình Chính phủ nâng thuế suất xuất khẩu phôi thép tối đa và có thể áp dụng mức 10% (hiện nay thuế suất là 2%). Tuy nhiên, tại thời điểm hiện nay, Bộ Công thương cho rằng chưa cần thiết áp dụng và cần phải theo dõi tiếp.
Ngày 19-6, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu đẩy mạnh xuất khẩu gạo để tiêu thụ hết lúa hàng hóa của nông dân và góp phần cung cấp lương thực cho thị trường thế giới.
Chính phủ Việt Nam xác định nhiệm vụ trọng tâm trong tình hình hiện nay là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tạo nền tảng cho tăng trưởng bền vững, trong đó kiềm chế lạm phát là mục tiêu ưu tiên hàng đầu với tám nhóm giải pháp đồng bộ.