Lục Yên: Thành công bước đầu của mô hình “Nhân giống lạc mới”
- Cập nhật: Thứ sáu, 4/7/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Những năm gần đây, cây lạc tại huyện Lục Yên (Yên Bái) đang được quan tâm mở rộng diện tích (lạc được trồng trên đất soi bãi, lấn hồ, đất ruộng 1 vụ lúa), bởi cây lạc góp phần nâng cao độ phì cho đất, tăng thu nhập cải thiện đời sống cho người dân.
Tổng kết mô hình “Nhân giống lạc mới” (giống lạc L14) vụ xuân 2008 thôn Làng Thọc, xã Yên Thắng (huyện Lục Yên).
|
Cây lạc còn được xem là một trong những cây trồng có giá trị kinh tế góp phần vào việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất ruộng 2 vụ lúa nhưng bấp bênh về nguồn nước ở vụ xuân.
Yên Thắng là xã nằm sát với thị trấn Yên Thế, người dân sống chủ yếu với nghề làm ruộng và buôn bán nhỏ. Vụ chiêm xuân, toàn xã có 150 ha lúa nước, trong đó có gần 15 ha tại thôn Làng Thọc và thôn Đồng Cáy đã nhiều năm nay không đủ nước để gieo cấy lúa xuân làm giảm năng suất, thậm chí mất mùa khiến người dân rất hoang mang, có hộ chuyển sang trồng khoai lang, hộ trồng đậu đỗ, hộ trồng ngô hoặc lạc địa phương. Trong các cây trồng đã được bà con lựa chọn trồng thử thì cây lạc cho thu nhập cao hơn hẳn nhưng vẫn chưa giúp bà con yên tâm thay thế cây lúa.
Vụ đông xuân 2007-2008, xã Yên Thắng được thực hiện mô hình “Nhân giống lạc mới” (thuộc chương trình khuyến nông năm 2008) với quy mô 12 ha và hỗ trợ các hộ thực hiện mô hình 60% giống lạc và 40% phân bón (lân super, đạm, kali). Từ khuyến cáo và hỗ trợ về kỹ thuật của Trạm Khuyến nông huyện, người dân nơi đây mạnh dạn đầu tư giống lạc và phân bón đủ gieo trồng hết 15 ha. Mặc dù ngay từ đầu vụ rét đậm, rét hại kéo dài gần 40 ngày, lạc tra xuống đất không đủ ẩm nên tỷ lệ mọc chỉ đạt 35-40%, song với quyết tâm cao bà con đã mua giống bổ sung tra dặm ngay hoặc trồng dặm lại bằng cây con có từ 2-3 lá thật theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật...
Vừa qua, Trạm Khuyến nông Lục Yên đã tổ chức hội nghị tổng kết mô hình “Nhân giống lạc mới”, mô hình đã đạt được mục tiêu: nhân giống lạc mới có năng suất cao, chất lượng tốt; giúp người dân làm quen, lựa chọn giống lạc cao sản, biết cách duy trì và nhân giống; mạnh dạn chuyển đổi cây trồng.
Trong buổi tổng kết mô hình, các hộ thực hiện mô hình đã cùng với cán bộ khuyến nông đánh giá hiệu quả kinh tế giữa cây lúa và cây lạc như sau: trên ruộng bấp bênh nước ở vụ xuân, nếu cấy lúa lai (giống lúa Nhị ưu 838) một sào với tổng chi phí bao gồm: giống, phân bón, công (làm đất, gieo cấy, chăm sóc, thu hoạch) là 1.140.000 đồng, cho năng suất khoảng 100 kg/sào nhân giá bán 6.500 đồng/kg cho thu 650.000 đồng/sào. Nếu trồng lạc cao sản (giống lạc L14), cũng bao gồm các khoản chi phí như lúa thì tổng chi phí một sào là 1.180.000 đồng, giá bán là 18.000 đồng/kg cho thu 1.620.000 đồng/sào. Như vậy, hiệu quả kinh tế giữa cây lúa và cây lạc trên cùng loại đất ruộng khô hạn ở vụ đông xuân thì cây lạc cho thu nhập cao hơn cây lúa khoảng 900.000 đồng/sào.
Từ kết quả trên đã giúp người dân xã Yên Thắng yên tâm trồng lạc thay thế cây lúa trên những ruộng bị khô hạn ở vụ đông xuân.
Đặng Thị Kim Liên
Các tin khác
Ngày 3/7, chủ trì cuộc họp nhằm tháo gỡ một số vướng mắc về nguồn vốn cho ngành Điện, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo: Cần sắp xếp, cơ cấu lại nguồn vốn, không để tình trạng thiếu vốn dẫn tới việc lùi, giãn tiến độ các dự án nguồn điện đang là nhu cầu hết sức cấp thiết của nền kinh tế.
Tại buổi giao ban kinh tế mới đây, các chuyên gia Bộ Công thương và Tổng công ty Thép Việt Nam tiếp tục phản ánh về tình trạng xuất khẩu phôi thép và tiếp tục đề xuất tăng thuế xuất khẩu phôi thép.
Ngày 3-7, Bộ Công thương cho biết: Bắt đầu từ tháng 7, hoạt động xuất khẩu gạo của cả nước sẽ nằm dưới sự giám sát của Tổ Công tác điều hành xuất khẩu gạo, gồm đại diện các bộ NN-PTNT, Tài chính, KH-ĐT, Công thương, Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và Hiệp hội Lương thực.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), ngày 2.7 đã phát đi thông cáo báo chí về khả năng thiếu điện nghiêm trọng trong tháng 7 do hệ thống thiếu công suất điện. Theo tính toán của EVN, dự báo phụ tải hệ thống điện tháng 7 đạt tới trên 7.152 triệu KWh.