Yên Bái: Hầu hết các dự án thuỷ điện đều triển khai chậm

  • Cập nhật: Thứ ba, 8/7/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của mình, cùng với phát triển công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông lâm sản, phát triển thuỷ điện nhỏ cũng được tỉnh Yên Bái ưu tiên đầu tư.

Là tỉnh miền núi nhưng Yên Bái xác định chọn phát triển công nghiệp là khâu đột phá trong phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của mình, cùng với phát triển công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông lâm sản, phát triển thuỷ điện nhỏ cũng được tỉnh ưu tiên đầu tư. Từ khi có chủ trương cho đến nay, trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã có 25 dự án thuỷ điện nhỏ đang được triển khai tuy nhiên các dự án trong lĩnh vực này đều có tiến độ rất chậm.

 

Do điều kiện địa hình bị chia cắt mạnh mang tính đặc thù của khu vực miền núi Tây Bắc, Yên Bái trở thành một trong những tỉnh có tiềm năng lớn về phát triển thuỷ điện nhỏ. Qua khảo sát ở tất cả các địa phương trong tỉnh, đặc biệt là những địa phương khu vực phía Tây là Văn Chấn, Mù Cang Chải, Trạm Tấu nếu khai thác tốt, nguồn thuỷ năng của Yên Bái sẽ đem lại gần 300 MW điện phục vụ cho sự phát triển chung.

 

Tăng cường quảng bá tiềm năng, thực hiện chính sách ưu đãi đầu tư nên những năm gần đây đã có nhiều nhà đầu tư tới khảo sát và thực hiện các dự án thuỷ điện nhỏ. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 25 dự án thuỷ điện nhỏ đang được triển khai với tổng công suất gần 200 MW, trong đó có 17 dự án đã được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư, 6 dự án được UBND tỉnh thoả thuận khảo sát lập báo cáo đầu tư, 2 dự án được thoả thuận khảo sát lập báo cáo bổ sung quy hoạch và 1 dự án đã thu hồi là dự án thuỷ điện Hát Lừu do Công ty cổ phần và xây lắp công nghiệp Yên Bái làm chủ đầu tư.

 

7 dự án đang triển khai có tiến độ chậm:

1. Dự án thủy điện Bản Hát, chủ đầu tư: Tổng công ty Hòa Bình Minh.

2.Dự án thủy điện Noong Phai, chủ đầu tư: Tổng công ty Hòa Bình Minh.

3. Dự án thủy điện Đồng Ngãi, chủ đầu tư: Công ty cổ phần Đoàn Kết.

4. Dự án thủy điện Hạnh Phúc, chủ đầu tư: Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Hoàng Liên Sơn.

5. Dự án thủy điện Thác Cá, chủ đầu tư: Công ty cổ phần xây dựng công trình ngầm.

6. Dự án thủy điện Ngòi Hút II - III, chủ đầu tư: Công ty TNHH xây dựng Trường Thành.

7. Dự án thủy điện Làng Bằng, chủ đầu tư: Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Việt Hà.

Theo kết quả khảo sát tiến độ thực hiện các dự án thuỷ điện nhỏ của ngành Công Thương cho thấy hầu hết các dự án này đều có tiến độ rất chậm. Ngoài 6 dự án được UBND tỉnh thoả thuận khảo sát xây dựng và 2 dự án được cấp phép khảo sát lập báo cáo bổ sung quy hoạch, trong các dự án đang triển khai chỉ có 1 dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2008 là dự án thuỷ điện Nậm Tục do Công ty TNHH Hoà Bình làm chủ đầu tư, dự án này có công suất 12,3MW, tổng mức đầu tư 165 tỷ đồng được thực hiện trong 4 năm. Hiện nay đơn vị chủ đầu tư đang đi vào giai đoạn hoàn thiện bậc 1 nhà máy, công suất 3MW, dự kiến sẽ phát điện vào tháng 9/2008, hoàn thành toàn bộ nhà máy vào năm 2009. Có 5 dự án có tiến độ triển khai đầu tư khá, dự kiến hoàn thành vào năm 2009, 7 dự án có tiến độ triển khai chậm và 4 dự án có tiến độ triển khai quá chậm so với yêu cầu.

 

Đáng chú ý là dự án thuỷ điện Văn Chấn do Công ty cổ phần thuỷ điện Văn Chấn làm chủ đầu tư, đây là dự án có tiến độ chậm nhất trên địa bàn. Được khởi công từ tháng 5/2004 nhưng đến nay mới xây dựng được trụ sở, đường điện phục vụ thi công và đang thi công cầu qua ngòi Thia. Các hạng mục chính của dự án  như: đập đầu mối, hầm dẫn nước, nhà máy… đều chưa được xây dựng. Công tác chuẩn bị đầu tư như: thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật tổng dự toán, thoả thuận tài trợ vốn, thoả thuận mua bán điện, đấu nối điện… vấn chưa hoàn thành.

 

Đối với dự án thuỷ điện Nậm Tăng, hiện chủ đầu tư đang tiến hành làm đường phục vụ thi công, đã san tạo song mặt bằng nhà máy, đang thi công kênh dẫn dòng và đường từ bể áp lực đến đập đầu mối. Dự án thuỷ điện Nà Hẩu đã được chủ đầu tư hoàn thành công tác khảo sát và đang tiến hành lập hồ sơ thiết kế, hoàn thiện công tác chuẩn bị đầu tư.

 

Thuỷ điện Trạm Tấu do Liên doanh Tổng công ty Xây dựng Hà Nội và Công ty cổ phần đầu tư Xuất nhập khẩu Xây dựng và phát triển giáo dục Thăng Long làm chủ đầu tư. Đến nay, công tác triển khai đầu tư của liên doanh rất chậm, chưa hoàn thành việc thiết kế cơ sở, thuê đất, chưa phê duyệt được dự án đầu tư… Đơn vị không thể thực hiện đúng hạn  những cam kết với tỉnh Yên Bái.

 

Theo lãnh đạo ngành Công Thương, nguyên nhân của tình trạng này là do điều kiện hạ tầng vùng sâu vùng xa nơi có dự án hết sức khó khăn, việc phải đầu tư các công trình phụ trợ như đường giao thông, đường điện có khối lượng lớn chiếm mất nhiều thời gian, trong công tác chuẩn bị đầu tư phải thực hiện nhiều thủ tục cũng làm chậm tiến độ.

 

Mặt khác, các đơn vị chủ đầu tư chậm thoả thuận được việc tài trợ vốn của ngân hàng và các tổ chức tín dụng khác, một số dự án đã có thoả thuận nhưng do chậm tiến độ trong khi giá cả tăng cao dẫn đến suất đầu tư bị tăng mạnh trong khi tình hình tiền tệ khó khăn đã không vay được vốn bổ xung của các ngân hàng.

 

Đặc biệt, một trong những nguyên nhân chính của tình trạng chậm tiến độ trong các dự án thuỷ điện đó là năng lực thi công, về vốn tự có, về trình độ cán bộ, về kinh nghiệm đầu tư kinh doanh lĩnh vực thuỷ điện của các chủ đầu tư còn nhiều hạn chế.

 

Đầu tư thuỷ điện nhỏ là lĩnh vực kinh doanh mới đem lại lợi nhuận lớn cho các nhà đầu tư, đem lại sự tăng trưởng kinh tế cao cho địa phương, tuy nhiên đầu tư kinh doanh thuỷ điện nhỏ cũng không hề đơn giản bởi trong lĩnh vực này đòi hỏi các chủ đầu tư phải thực sự có tiềm lực kinh tế, kinh nghiệm kinh doanh. Chính vì vậy, để tiềm năng kinh tế được đánh thức. Để đồng vốn của doanh nghiệp phát huy hiệu quả cao và đặc biệt để Yên Bái hoàn thành mục tiêu trong phát triển kinh tế, đã đến lúc các ngành chức năng trong tỉnh cần rà soát, đánh giá đúng năng lực của các chủ đầu tư tham gia các dự án. Một mặt tiếp tục đôn đốc về tiến độ triển khai, tháo gỡ khó khăn cho chủ đầu tư trong thực hiện dự án, mặt khác tỉnh cũng cần chọn lựa kỹ các nhà đầu tư từ khâu thoả thuận cấp phép khảo sát xây dựng, nghiên cứu, kiên quyết thu hồi các dự án có tiến độ quá chậm so với yêu cầu. Hơn nữa, tỉnh cũng cần xem xét, làm rõ liệu trong các dự án thuỷ điện có tình trạng chủ đầu tư “nhận phần” hay không?

 

Theo thống kê, Công ty TNHH Thanh Bình, phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái hiện đang tham gia 5 dự án thuỷ điện, trong đó có 2 dự án được UBND tỉnh thoả thuận khảo sát đầu tư là thuỷ điện Thác Song (Trấn Yên), Pá Hu (Trạm Tấu), có 2 dự án thuộc diện triển khai quá chậm so với yêu cầu là thuỷ điện Nậm Tăng (Văn Chấn) công suất 4,5MW, vốn đầu tư 129 tỷ đồng được cấp phép theo Quyết định đầu tư số 103/ QĐ - UBND ngày 25/3/2005; thuỷ điện Nà Hẩu (Văn Yên) công suất 3,3MW, tổng mức đầu tư 85 tỷ đồng, được cấp phép theo Quyết định đầu tư số 109/ QĐ - UBND ngày 28/3/2006, thời gian thực hiện 2006 – 2008. Thuỷ điện Nậm Tục (Văn Chấn) sẽ hoàn thành bậc 1 và phát điện vào tháng 9/ 2008.

 

Khánh Linh.

Các tin khác
Nhân dân huyện Văn Chấn đang khẩn trương gieo cấy lúa mùa.

YBĐT - Văn Chấn là huyện có tới 90% dân số làm nông nghiệp, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền huyện Văn Chấn không ngừng đẩy mạnh các hoạt động sản xuất nông nghiệp với các mô hình thâm canh lúa cao sản, lúa chất lượng mang lại hiệu quả cao.

Khai thác quế vỏ tại một trang trại ở xã Đào Thịnh (Trấn Yên). (Ảnh: Minh Thúy)

YBĐT - Những năm gần đây, kinh tế trang trại của Trấn Yên (Yên Bái) đã hình thành và bước đầu đã có sự phát triển. Đây là loại hình sản xuất có hiệu quả, tạo thêm động lực cho nền sản xuất hàng hoá trong nông nghiệp. Huyện cũng đã tạo mọi điều kiện về giao đất, giao rừng, vốn vay, phát triển cơ sở hạ tầng, chuyển giao KHKT... cho kinh tế trang trại ra đời và phát triển.

Ngày 7.7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký QĐ 89/2008/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển ngành than VN đến năm 2015, định hướng đến 2025, với mục tiêu đạt sản lượng than sạch khoảng 48 - 50 triệu tấn vào năm 2010.

Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam vừa trình Bộ GT-VT ý tưởng xây dựng tuyến đường sắt đô thị nối thẳng từ ga Hà Nội đến các nhà ga T1, T2 của sân bay quốc tế Nội Bài để có thể đáp ứng khối lượng vận tải hàng không ở sân bay Nội Bài tăng khá nhanh (khoảng 10%/năm).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục