Trạm Tấu: Hiệu quả của dự án giảm nghèo
- Cập nhật: Thứ ba, 15/7/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Từ năm 2003 đến nay, Dự án Giảm nghèo huyện Trạm Tấu (Yên Bái) đã tổ chức thực hiện các mô hình hợp phần ứng dụng nông nghiệp tại xã; xây dựng các mô hình thâm canh lúa lai hai vụ; mô hình đậu tương xuân và đậu tương hè thu; mô hình thâm canh ngô lai vụ xuân; mô hình chăn nuôi bò cái sinh sản; mô hình nuôi dê và mô hình xay xát gạo với tổng số vốn là trên 337 triệu đồng, trong đó nhân dân đóng góp gần 74 triệu đồng.
Cánh đồng lúa bản Lừu 2, xã Hát Lừu được mùa nhờ vào sự thành công của Dự án.
|
Nhằm giúp các hộ nghèo nắm bắt được khoa học kỹ thuật, hiểu được ý nghĩa thiết thực trong đầu tư thâm canh, từng bước chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nâng cao hệ số sử dụng và hiệu quả kinh tế trên 1 đơn vị diện tích, góp phần ổn định kinh tế xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, từ năm 2003 đến nay, Dự án Giảm nghèo huyện Trạm Tấu (Yên Bái) đã tổ chức thực hiện các mô hình hợp phần ứng dụng nông nghiệp tại xã; xây dựng các mô hình thâm canh lúa lai hai vụ; mô hình đậu tương xuân và đậu tương hè thu; mô hình thâm canh ngô lai vụ xuân; mô hình chăn nuôi bò cái sinh sản; mô hình nuôi dê và mô hình xay xát gạo với tổng số vốn là trên 337 triệu đồng, trong đó nhân dân đóng góp gần 74 triệu đồng.
Ông Giàng A Hành - Chủ tịch UBND xã Trạm Tấu cho biết: "Trên thực tế, các mô hình nông nghiệp thuộc Dự án Giảm nghèo đều mang lại hiệu quả cao như mô hình thâm canh lúa lai hai vụ đều đạt từ 57 đến 60 tạ/ha, tăng hơn so năng suất bình quân của toàn huyện hơn 10 tạ/ha. Đối với cây ngô cũng cho năng suất trung bình cao hơn năng suất toàn huyện từ 15 đến 16 tạ/ha; mô hình đậu tương năng suất cũng cao hơn năng suất trung bình toàn huyện gần 5 tạ/ha".
Thông qua việc tham gia mô hình được tập huấn kỹ thuật và tiếp cận với khoa học kỹ thuật, nhiều hộ dân trước đây chỉ làm một vụ lúa/năm nay từ chính thành công của mô hình đã làm thay đổi nếp nghĩ trong họ. Anh Mùa A Cớ ở xã Trạm Tấu là người trực tiếp tham gia mô hình cho biết: "Trước đây gia đình mình chưa bao giờ làm hai vụ lúa/năm, còn các loại cây hoa màu khác cũng chỉ trồng để mà trồng, chứ không chú ý đến năng suất, sản lượng. Nay thấy các mô hình có áp dụng khoa học kỹ thuật thì năng suất và hiệu quả cao hơn. Do đó, mình đã vận động gia đình và người dân địa phương tham gia thực hiện mô hình, tích lũy kinh nghiệm để tự áp dụng vào sản xuất, mong muốn nhanh chóng thoát được đói nghèo và làm giàu".
Cũng trong thời gian thực hiện Dự án Giảm nghèo, xã Hát Lừu đã được Ban quản lý Dự án Giảm nghèo huyện đầu tư trên 9 tỷ 546 triệu đồng để xây dựng các công trình đường giao thông, mương thủy lợi, đập tràn và xây dựng các công trình trường học. Các công trình được hoàn thành và đưa vào sử dụng đã và đang được phát huy hiệu quả cao. Hệ thống giao thông được nâng cấp, mở rộng, giúp nhân dân đi lại, trao đổi hàng hóa được thuận lợi, góp phần phát triển kinh tế xã hội tại địa phương. Thông qua các lớp tập huấn của Ban quản lý Dự án Giảm nghèo, các đồng chí lãnh đạo xã đã hiểu biết thêm về kỹ năng, giám sát, phương pháp lựa chọn tiểu dự án, công tác quản lý bảo dưỡng các công trình xây dựng trên địa bàn. UBND xã đã triển khai đồng loạt đến nhân dân, từ đó đã nâng cao ý thức cho nhân dân trong việc bảo vệ các công trình xây dựng do nhà nước đầu tư. Người dân tự giác đóng góp ngày công lao động san tạo mặt bằng và đề xuất các tiểu dự án mang lại hiệu quả lâu dài.
Bên cạnh đó, xã đã thực hiện được 123 tiểu dự án với tổng số vốn trên 100 triệu đồng như: dự án mua máy tuốt lúa đạp chân cho các hộ nghèo; dự án cung cấp tấm lợp Prôximăng để làm chuồng gia súc; dự án xây dựng bể nước cộng đồng, xây dựng các công trình vệ sinh công cộng...
Ông Lò Văn Khẹn - Chủ tịch UBND xã cho biết: "Qua 4 chu kỳ thực hiện ngân sách phát triển xã đã nâng cao năng lực quản lý điều hành của cán bộ xã, trưởng thôn bản. Đồng thời, cải thiện được điều kiện sản xuất, cơ sở vật chất công cộng, đáp ứng nhu cầu cấp thiết của nhân dân do các tiểu dự án đều được thực hiện từ kết quả bình xét của nhân dân. Mọi hoạt động đều được công khai minh bạch, góp phần thực hiện quy chế dân chủ tại cơ sở.
Trạm Tấu và Hát Lừu chỉ là 2 trong số 12 xã thị trấn của huyện Trạm Tấu được triển khai Dự án Giảm nghèo.
Trong 6 năm qua, tổng nguồn vốn dự án đầu tư trên địa bàn huyện là 54 tỷ 605,54 triệu đồng (kể cả vốn do nhân dân đóng góp bằng ngày công lao động) trong đó, Ban quản lý Dự án Giảm nghèo tỉnh làm chủ đầu tư 15 công trình với tổng số vốn là 22 tỷ 203,66 triệu đồng. Ban quản lý Dự án Giảm nghèo huyện làm chủ đầu tư 64 công trình và 8 loại mô hình ứng dụng nông nghiệp với số vốn đầu tư 24 tỷ 696,83 triệu đồng. UBND các xã làm chủ đầu tư 448 tiểu dự án với số vốn đầu tư 7 tỷ 705 triệu đồng.
Dự án Giảm nghèo tại huyện Trạm Tấu bao gồm 6 hợp phần, trong đó, hợp phần 1 gồm đường giao thông và chợ; hợp phần 2 gồm nông nghiệp, thủy lợi và cấp nước sinh hoạt; hợp phần 3 gồm y tế + giáo dục; hợp phần 4 là ngân sách phát triển xã; hợp phần 5 là tăng cường năng lực thể chế và hợp phần 6 là quản lý dự án. Có thể nói, các hợp phần được đầu tư đã đóng góp một phần tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội huyện Trạm Tấu. Đặc biệt là tham gia phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn, xóa đói giảm nghèo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ huyện và xã một cách toàn diện trong quản lý kinh tế xã hội, tạo tiền đề cho nhân dân phát triển sản xuất xóa đói, giảm nghèo.
Dự án Giảm nghèo tại huyện Trạm Tấu ngừng hoạt động từ ngày 1/7/2008. Thành công của Dự án đã đem đến một luồng gió mới thúc đẩy kinh tế huyện vùng cao Trạm Tấu phát triển. Tuy nhiên, công cuộc xóa đói giảm nghèo của huyện vẫn còn được tiếp tục, thậm chí cần phải làm nhanh hơn đầu tư lớn hơn để từng bước đưa huyện vùng cao này thoát khỏi khó khăn.
Mạnh Cường
Các tin khác
Ngày 14-7, ông Lê Quang Thung, Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cho biết, đầu tháng 8-2008, tập đoàn sẽ sang Nigeria để khảo sát trồng cao su và cây lương thực tại nước này. Nếu chuyến khảo sát thành công, tập đoàn sẽ lập dự án trình Chính phủ và các bộ ngành liên quan để đứng ra làm đầu mối phát triển cây cao su, cây lương thực tại đây.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa có ý kiến chỉ đạo về giải pháp chống buôn lậu thuốc lá, sản xuất kinh doanh sản phẩm thuốc lá giả.
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch phát triển Hành lang kinh tế Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh đến năm 2020 trên quan điểm hợp tác phát triển "Hai hành lang, một vành đai kinh tế" Việt Nam - Trung Quốc và tính tới phát triển toàn tuyến đi châu Âu và các nước ASEAN.
Theo Quy chế đại lý đổi ngoại tệ, không giới hạn đối tượng được ủy nhiệm làm đại lý đổi ngoại tệ, cho phép các tổ chức kinh tế thuộc mọi thành phần có đủ điều kiện theo quy định đều có thể làm đại lý đổi ngoại tệ cho các tổ chức tín dụng.