Hãy trả lại tên cho chè Suối Giàng!

  • Cập nhật: Thứ tư, 16/7/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Yên Bái tuy không phải là địa phương có diện tích chè lớn nhất cả nước, nhưng với gần 13 ngàn ha trong đó có trên 3 vạn gốc chè Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng hàng trăm năm tuổi, nơi đây cũng xứng đáng được mệnh danh là “thủ phủ” của chè. Không chỉ diện tích lớn, sản lượng nhiều, Yên Bái cũng có số lượng cơ sở, doanh nghiệp chế biến nằm trong hàng “top ten”.

Người dân Suối giàng thu hoạch chè Shan tuyết niên vụ 2008.
(Ảnh: Lê Bác Đạt)
Người dân Suối giàng thu hoạch chè Shan tuyết niên vụ 2008. (Ảnh: Lê Bác Đạt)

Tuy nhiên, sản phẩm, thương hiệu chè Yên Bái lại rất ít nếu như không muốn nói là không có, ngoại trừ sản phẩm chè Shan tuyết Suối Giàng. Sản phẩm chè Suối Giàng đã một thời là niềm kiêu hãnh của Yên Bái và là thức uống không thể thiếu với dân nghiền chè. Tuy nhiên trong một hai năm trở lại đây, chè Suối Giàng đang dần đánh mất thương hiệu, chất lượng vốn có của nó.

Chè Shan tuyết hiện có ở rất nhiều địa phương vùng Tây Bắc từ huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang. Người ta nhớ đến chè Shan tuyết Suối Giàng, huyện Văn Chấn bởi vị ngon đặc biệt không lẫn vào đâu được. Với cách chế  biến thủ công, chén chè vàng sánh, vị chát bùi, uống vào vị ngọt, đậm còn đọng mãi trong cổ, chè Shan tuyết Suối Giàng đã từng một thời làm ngất ngây dân nghiền chè trong và ngoài nước. Giống chè Shan tuyết Suối Giàng quả là độc nhất vô nhị, những cây chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi, gốc to cả người ôm, khi thu hái đồng bào Mông phải bắc thang trèo lên cây mà hái.

Không chỉ sở hữu giống chè ngon, chè cổ thụ mọc ở độ cao trên 1.300m so với mực nước biển, Suối Giàng còn có một khí hậu rất trong lành, bốn mùa mây phủ. Những cây chè được mọc tự nhiên, người dân không hề chăm bón hay phun bất cứ một loại thuốc hoá học nào mà vẫn cứ xanh tốt. Mỗi năm người dân địa phương chỉ thu hái 6-7 lần, búp chè xanh, non tơ, trên đầu búp có tuyết trắng phủ quang. Ngày trước khi thu hái, bà con người bản địa chế biến chè theo cách thủ công, khi hái về cho chè vào chảo gang sao trên bếp củi. Khi búp chè héo bỏ vào cái nong, vò lại bằng tay cho đến khi búp săn lại và lại cho vào chảo sao cho đến khi chè khô. Nhiều người cầu kỳ còn thực hiện công đoạn đánh mốc, tạo độ thơm và làm bóng, mượt cọng chè. Rồi đến thời kỳ công nghiệp hoá, người ta đầu tư xây dựng ngay tại trung tâm xã Suối Giàng một xưởng chế biến chè, mỗi năm cho ra lò 40-50 tấn chè thành phẩm.

Dù sản xuất theo dây chuyền công nghệ hiện đại nhưng cũng không làm mất đi chất lượng vốn có của nó, người nghiền chè vẫn khoái uống, bởi nước vàng như mật ong rừng, hương thơm ngào ngạt, uống vào vị đượm lại chan chát, man mát nơi đầu lưỡi, ngòn ngọt trong cổ. Chả thế mà bất cứ người dân Yên Bái nào khi về quê hay ra thủ đô, vào phương Nam, đi thăm bạn bè đều cố “săn” bằng được mấy lạng để làm quà. Khách đến Yên Bái cũng cố nhờ bạn bè, chiến hữu kiếm bằng được cân chè Suối Giàng về vừa uống vừa làm quà biếu. Cái tiếng thơm chè Suối Giàng đã bay khắp cả nước, đi tầu biển, đi máy bay ra cả nước ngoài. Giá một kg chè Suối Giàng không rẻ chút nào, cao gấp cả chục lần chè thường vậy mà vẫn không có mà bán.

Nổi tiếng một thời là vậy, nhưng hôm nay chè Suối Giàng đã tự đánh mất mình. Dân sành chè trong và ngoài nước đang dần quay lưng lại với chè Suối Giàng, thương hiệu chè Suối Giàng đang có nguy cơ mất đi nếu chúng ta không chấn chỉnh lại việc sản xuất, chế biến. Chè Suối Giàng hôm nay vẫn mang tên của nó, vẫn được đóng trong bao bì mẫu mã đẹp, nhưng chất lượng thì khó mà chấp nhận được. Nhân có mấy anh bạn ở Hà Nội lên chơi, tôi liền bảo bà xã đi mua hộp chè Suối Giàng về pha mời bạn. Bóc hộp chè ra, tôi không tin vào mắt mình nữa, búp chè dài loằng ngoằng nhét mãi mới vào được ấm, khi rót nước ra chén, nước đỏ quạch, uống vào chẳng thấy hương và cũng không thấy vị, thậm chí còn ngai ngái như chè hàng chợ.

Trong chuyến công tác vào huyện Văn Chấn, tôi may mắn được ngồi tiếp chuyện Phó chủ tịch UBND huyện phụ trách khối nông-lâm nghiệp Nguyễn Hợp Đoàn. Khi nói đến chất lượng sản phẩm chè Suối Giàng, ông cũng thẳng thắn thừa nhận chất lượng chè Suối Giàng đã giảm đi rất nhiều. Ông Đoàn phân tích, hiện nay cả xã Suối Giàng có chưa đầy 300 ha chè Shan tuyết, trong đó chỉ có trên 2 vạn gốc chè cổ thụ sản lượng búp thu hái hàng năm chỉ đạt 300 tấn. Với sản lượng đó dù có chế biến tốt thì chỉ được trên dưới 55 tấn chè thành phẩm. ấy thế mà đi đến đâu cũng thấy đại lý bán chè Suối Giàng từ Yên Bái đến Lào Cai, Phú Thọ, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh… Bạn cần chè Suối Giàng ư? Bao nhiêu cũng có! Thậm chí có những doanh nghiệp còn mạnh dạn thông báo hàng năm xuất khẩu trực tiếp, xuất ủy thác trên 40 tấn. Một chị bán đại lý chè Suối Giàng nhiều năm nay trên địa bàn thành phố Yên Bái đã hùng hồn khẳng định, mỗi năm đại lý tiêu thụ không dưới 10 tấn chè Suối Giàng. Vậy còn hàng trăm đại lý khác nữa và còn xuất khẩu sản lượng lên cả vài trăm tấn thì chè Suối Giàng ở đâu mà nhiều thế? Bán nội tiêu, bán xuất khẩu nhiều như vậy rõ ràng là đang có sự gian dối trong sản xuất, chế biến, ăn cắp thương hiệu để lừa người tiêu dùng. Có một điều lạ là tình trạng trên đã diễn ra nhiều năm nay nhưng chẳng thấy ngành nào vào cuộc!

Đã đến lúc chúng ta phải có trách nhiệm trả lại tên cho chè Suối Giàng, không thể để các doanh nghiệp, cá nhân sản xuất kinh doanh chè làm ăn gian dối lừa người tiêu dùng mãi như vậy. Quan trọng hơn là nó làm mất đi thương hiệu chè Suối Giàng, một đặc sản mà tạo hoá đã ban tặng cho mảnh đất quanh năm mây phủ này. Theo thông tin chúng tôi được biết, hiện nay có một số doanh nghiệp đã và đang tiến hành lập đề án xây dựng, sản xuất chế biến chè Suối Giàng để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Có thể nói, các doanh nghiệp này đều tâm huyết với chè Suối Giàng, tuy nhiên, chúng ta chỉ phê duyệt và cho phép những doanh nghiệp đủ độ tin cậy để đưa Đề án này khả thi như có tên tuổi, đủ tiềm lực tài chính, dây chuyền công nghệ hiện đại và có cam kết sản xuất bảo đảm chất lượng, đặc biệt phải nghiêm cấm việc đấu trộn, ăn cắp thương hiệu đánh lừa người tiêu dùng như thời gian vừa qua.

Hiền Lương

Các tin khác

Ngày 15.7, Cty thép Pomina và Vina Kyoei tiếp tục tăng giá thép thêm 980.000 đồng/tấn, nâng giá xuất xưởng tại nhà máy lên hơn 19 triệu đồng/tấn.

Ảnh minh họa.

YBĐT - Vụ lúa xuân vừa qua, nông dân Văn Chấn (Yên Bái) được mùa lớn, năng suất đạt 5,3 tấn/ha, tăng 1,2 tạ/ha so với vụ xuân năm trước. Diện tích gieo cấy tăng 43 ha, trong đó có trên 2.000 ha được áp dụng gieo cấy bằng các biện pháp tiên tiến như: gieo xạ, mạ khay… góp phần đưa tổng sản lượng lương thực cây có hạt đạt trên 27 ngàn tấn, tăng so với năm 2007 là 1.142 tấn.

YBĐT - Những năm qua, Hội Nông dân xã Hoàng Thắng, huyện Văn Yên (Yên Bái) luôn đẩy mạnh thực hiện 6 mục tiêu của Hội Nông dân Việt Nam phát động như: "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp đỡ nhau xoá đói giảm nghèo”; “Xây dựng gia đình, thôn văn hoá”; “Thực hiện chương trình dân số- KHHGĐ”; “Tham gia giữ gìn ANTT”… đã tạo ra khí thế thi đua sôi nổi khắp 10 thôn, bản.

YBĐT - Mặc dù diễn biến lãi suất trên thị trường tiền tệ 6 tháng đầu năm 2008 luôn biến động phức tạp, hệ thống các ngân hàng thương mại nói chung và Ngân hàng Đầu tư – Phát triển (BIDV) nói riêng phải đối mặt với nguy cơ sụt giảm nguồn vốn huy động, nhưng tổng nguồn vốn huy động của BIDV Chi nhánh Yên Bái (BIDV Yên Bái) đến 30/6/2008 vẫn giữ được mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt là công tác huy động vốn từ dân cư tăng 19%.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục