Lúa Nghi Hương 2308 - cơ hội làm giàu cho nông dân

  • Cập nhật: Thứ sáu, 18/7/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Để sản xuất lúa theo hướng hàng hóa, đồng thời xây dựng thương hiệu gạo cho cánh đồng Mường Lò, thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) đã chỉ đạo ngành chuyên môn khảo nghiệm thành công một loại giống năng suất cao, chất lượng tốt để gieo trồng đại trà trong các vụ sau.

Được mùa. (Ảnh: Thu Trang)
Được mùa. (Ảnh: Thu Trang)

Những ngày này, gia đình ông Lò Văn Sai ở thôn Đêu 3 xã Nghĩa An (thị xã Nghĩa Lộ) vô cùng phấn khởi bởi hơn 2000m2 ruộng của gia đình cấy giống lúa Nghi Hương 2308 đã vào vụ thu hoạch, càng phấn khởi hơn vì năng suất lúa đạt cao hơn dự kiến, lại cho chất lượng gạo ngon.

Cả cánh đồng xung quanh lúa vẫn còn xanh do phải cấy lại vì rét đậm, riêng diện tích ruộng lúa nhà ông là một màu vàng tươi, từng bông lúa chín vàng cúi mình khiêm nhường mang trong mình cả trăm hạt lúa nuôi sống người nông dân. Cầm bông lúa nặng trĩu trên tay, bà Hà Thị Đôi, vợ ông Sai cho biết, lúa của gia đình gieo từ cuối tháng 12, cấy từ trước khi rét hại. Tuân thủ theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, đến nay thu hoạch mỗi bông có từ 170-200 hạt, tỷ lệ hạt chắc cao, bà nhẩm tính năng suất đạt từ 8-9 lạng/m2.

Gia đình ông Lò Văn Sai là 1 trong 43 hộ gia đình tham gia Dự án trồng khảo nghiệm lúa Nghi Hương 2308 trên diện tích 7 ha tại phường Cầu Thia và xã Nghĩa An. Đây là mô hình Dự án khoa học "Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình trồng thử nghiệm lúa năng suất, chất lượng cao Nghi Hương 2308 tại thị xã Nghĩa Lộ", đề tài do kỹ sư Nguyễn Tuyết Dung - Phó trưởng phòng Kinh tế thị xã làm chủ nhiệm. Tham gia Dự án, các hộ gia đình được hỗ trợ về giống và phân bón, được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc nên đều rất phấn khởi. Là vùng sản xuất lúa lâu đời, trình độ canh tác của nông dân cao, lại là năm thứ 2 triển khai nên quá trình triển khai Dự án khá thuận lợi.

Vụ đông xuân 2007-2008, thời tiết diễn biến thất thường, đặc biệt đợt rét đậm, rét hại kéo dài 38 ngày đã gây thiệt hại nặng cho sản xuất nông nghiệp, nhất là cây lúa nước. Tại thị xã Nghĩa Lộ đã có trên 55% diện tích lúa đông xuân phải gieo cấy lại. Nằm trong tình hình chung đó, lúa Nghi Hương 2308 cũng bị chết rét ít nhiều song đã được tỉa dặm, gieo cấy lại. Thời gian đẻ nhánh kéo dài, số dảnh hữu hiệu thấp, song nhìn chung, lúa sinh trưởng và phát triển tốt. Khả năng chống rét của mạ và lúa mới cấy tương đương với giống Nhị Ưu 838. Thời gian làm đòng, trổ bông, làm hạt, thời tiết có nhiều thuận lợi hơn vụ đông xuân 2007. Năng suất bình quân của giống Nghi Hương 2308 cao hơn năng suất bình quân của giống lúa đại trà cùng vụ từ 0,8 - 1 tạ/ha, giá bán thóc cao hơn, do đó hiệu quả kinh tế cao hơn.

Với thời tiết thất thường, giữa vụ rơi vào giai đoạn chuyển mùa của thời tiết, nắng mưa xen kẽ, độ ẩm cao, trên lúa đại trà xuất hiện một số sâu bệnh hại chính như đạo ôn khô vằn, đặc biệt là tập đoàn rầy song trên diện tích lúa Nghi Hương 2308 mức độ rất nhẹ, ruộng sạch bệnh, cây phát triển cân đối, bộ lá đòng khỏe, đẻ nhánh sớm, nhánh hữu hiệu đạt 80%, tỷ lệ hạt chắc 77%.

Theo Ban quản lý Dự án thì trong điều kiện đầu tư như nhau, sản xuất lúa Nhị Ưu 838 là giống lúa đại trà hiện nay nếu đạt năng suất như lúa Nghi Hương 2308, thì sản xuất lúa Nghi Hương 2308 vẫn có lợi về thời gian sinh trưởng do đã rút ngắn được từ 4-6 ngày, chất lượng gạo lại ngon hơn, giá thành cao hơn, từ 500đ/kg thóc trở lên.

Để sản xuất lúa theo hướng hàng hóa, đồng thời xây dựng thương hiệu gạo cho cánh đồng Mường Lò, thị xã Nghĩa Lộ đã chỉ đạo ngành chuyên môn khảo nghiệm thành công một loại giống năng suất cao, chất lượng tốt để gieo trồng đại trà trong các vụ sau. Chính vì vậy, ngoài các hộ tham gia Dự án, các hợp tác xã nông nghiệp đã hỗ trợ nông dân mua giống để cùng triển khai. Đến nay, qua theo dõi quá trình sinh trưởng và thu hoạch cho thấy, thời gian sinh trưởng của giống Nghi Hương 2308 từ 155-162 ngày, ít hơn các giống đại trà từ 4-6 ngày.

Ngoài ra, giống lúa này còn có các ưu điểm khác như số dảnh lúa hữu hiệu trên khóm đạt từ 80% trở lên, đạt từ 292-305 bông/khóm, trung bình đạt 164 hạt/bông, trong đó có 73% hạt chắc, đặc biệt giống Nghi Hương 2308 hạt lúa chắc cả ở cuống bông, khả năng kháng bệnh cao.

Qua thu hoạch, năng suất trung bình đạt 77 tạ/ha, trong đó thấp là 74 tạ/ha, cao nhất từ 85-90 tạ/ha, cao hơn giống lúa đại trà Nhị Ưu 838 từ 0,8 - 1 tạ/ha, trong khi chất lượng gạo lại ngon, được người mua ưa chuộng. Tính theo giá thị trường hiện nay với năng suất 77 tạ/ha, 6.500 đ/kg trừ các khoản chi phí mỗi ha lúa Nghi Hương 2308 đã cho thu nhập 38 triệu đồng/ha/vụ. Như vậy, việc khảo nghiệm thành công giống lúa Nghi Hương 2308 đã mở ra cơ hội mới cho người nông dân trong việc thâm canh tăng vụ và nâng cao giá trị thu nhập, nhất là trong điều kiện khan hiếm lương thực trên thế giới hiện nay.

Vụ đông xuân 2007-2008 tại thị xã Nghĩa Lộ đã cơ bản thắng lợi, thị xã đã qui hoạch vùng lúa hàng hóa 500 ha trong vụ mùa, gồm giống Nghi Hương 2308 và giống Nhị Ưu 69. Theo đó, ngoài việc nâng cao thu nhập cho nông dân, thị xã Nghĩa Lộ phấn đấu bảo đảm an ninh lương thực trong vùng, tiến tới xây dựng thương hiệu lúa gạo Mường Lò, hợp tác với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để xuất khẩu gạo.

Việc khảo nghiệm và đưa vào trồng đại trà giống lúa Nghi Hương 2308 đã khẳng định một hướng đi mới trong chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang sản xuất hàng hóa, tạo cơ hội làm giàu cho nông dân Nghĩa Lộ trên chính mảnh đất quê mình.

Thanh Bình

Các tin khác

Ngày 16.7, Tổng công ty giấy Việt Nam và Công ty cổ phần giấy Tân Mai - hai đơn vị cung ứng giấy lớn nhất thị trường, đã có buổi làm việc dưới sự chủ trì của Hiệp hội Giấy Việt Nam về việc cam kết thực hiện đồng bộ các giải pháp cung ứng đủ giấy cho thị trường trong nước từ nay tới cuối năm.

Bộ Tài chính vừa có văn bản hướng dẫn xử lý truy thu thuế xe ô tô có hồ sơ nguồn gốc giả. Hàng hóa nhập khẩu nếu xác định là hàng nhập lậu sẽ bị xử lý tịch thu sung công quỹ.

Nhiều hộ ở xã Mông Sơn (Yên Bình) đầu tư chăn nuôi bò theo phương pháp bán công nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao.
(Ảnh: Trường Phong)

YBĐT - Năm 2004, Yên Bình là huyện đầu tiên của tỉnh Yên Bái triển khai chương trình hỗ trợ chăn nuôi bò theo phương pháp bán công nghiệp. Có 14 xã thuận lợi về điều kiện tự nhiên cho phát triển chăn nuôi đại gia súc được chọn để thực hiện dự án. Đến nay sau hơn 3 năm triển khai dự án bò bán công nghiệp, huyện Yên Bình đã nhân rộng được mô hình và hiện đang đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân.

YBĐT - Từ nguồn vốn của Chương trình 135, 11 công trình xây dựng đã được thực hiện tại huyện Trạm Tấu (Yên Bái) trong 6 tháng đầu năm 2008.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục