Quản lý giá bằng biện pháp “mềm”
- Cập nhật: Thứ hai, 21/7/2008 | 12:00:00 AM
14 mặt hàng thuộc diện Nhà nước bình ổn giá và 18 nhóm tài sản, hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá. Mức xử phạt hành chính trong lĩnh vực giá có thể sẽ lên tới 50 triệu đồng và chú trọng đến biện pháp chế tài thu hồi giấy phép kinh doanh
Thép xây dựng là một trong số các mặt hàng Nhà nước bình ổn giá.
|
Trước tình hình giá thế giới và trong nước vẫn còn nhiều bất ổn, thị trường trong nước cũng gia tăng những diễn biến khó lường, Chính phủ đã ban hành Nghị định 75/2008/CP nhằm điều chỉnh danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước bình ổn giá (thay thế Nghị định 170/2004/CP). Để thực hiện chính sách quản lý giá mới theo Nghị định 75, thông tư hướng dẫn đang được Bộ Tài chính gấp rút soạn thảo và sẽ ban hành trong tuần tới.
Đăng ký, khai báo giá
Trao đổi với phóng viên báo chí, Cục trưởng Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính, ông Nguyễn Tiến Thỏa, cho biết điểm mới của Nghị định 75 là bổ sung các giải pháp bình ổn giá đối với một số hàng hóa, dịch vụ. Cụ thể là bổ sung hình thức đăng ký giá, khai báo giá và công khai thông tin về giá. Theo đó, đối với những hàng hóa dịch vụ thuộc danh mục bình ổn giá; hàng hóa, dịch vụ quan trọng thiết yếu, các doanh nghiệp (DN), cá nhân sản xuất kinh doanh phải đăng ký giá với cơ quan quản lý (danh mục này sẽ được Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành liên quan ban hành). Trên cơ sở giá đăng ký, nếu cơ quan quản lý phát hiện trên thị trường DN bán giá cao hơn sẽ bị “thổi còi”. Trong trường hợp giá tăng nhưng không kịp đăng ký lại, DN sẽ không bị coi là vi phạm quy chế giá nếu có giải trình hợp lý về các chi phí làm đội giá thành. Trong trường hợp cần thiết, cơ quan quản lý có thể áp dụng các biện pháp hành chính khẩn cấp để ổn định thị trường. Thời gian áp dụng các biện pháp này là giá cả có biến động trong 30 ngày... “Biện pháp kiểm soát giá lần này được coi là biện pháp quản lý “mềm” chứ không phải Nhà nước đứng ra quyết định giá” - ông Thỏa khẳng định.
Ông Thỏa cũng cho biết nghị định mới không tăng thêm về số lượng mặt hàng thuộc danh mục thực hiện bình ổn giá (vẫn gồm 14 mặt hàng, dịch vụ) nhưng có sửa đổi bằng cách bãi bỏ một số mặt hàng, nhưng đồng thời cũng bổ sung vào danh mục sữa, thuốc bảo vệ thực vật và thuốc thú y. Đối với danh mục tài sản, hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá được mở rộng thành 18 nhóm.
Để chủ trương này được thực hiện tốt, Chính phủ cũng đã giao Bộ Công Thương chủ trì sửa đổi Nghị định 169/2004 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giá. Thay vì mức phạt cao nhất 30 triệu đồng như hiện hành, quy định mới có thể sẽ nâng mức phạt tiền lên 50 triệu đồng và nhấn mạnh biện pháp chế tài thu hồi giấy phép kinh doanh đối với các trường hợp vi phạm.
Tăng cường kiểm toán giá
Theo các chuyên gia, việc quy định 14 mặt hàng Nhà nước bình ổn và 18 danh mục tài sản, hàng hóa dịch vụ do Nhà nước định giá đồng nghĩa với việc tăng cường kiểm soát thị trường. Bộ Công Thương cho rằng việc làm này là cần thiết để bảo đảm cuộc sống người dân, đặc biệt là người nghèo trong điều kiện thị trường có nhiều diễn biến bất thường.
PGS-TS Ngô Trí Long, Viện Nghiên cứu giá cả thị trường - Bộ Tài chính, cho rằng để bình ổn giá, hiệu quả nhất là biện pháp kinh tế, còn biện pháp hành chính, tổ chức nếu kéo dài sẽ gây những tác hại nghiêm trọng. Nếu dùng biện pháp kinh tế, phải có tiềm lực kinh tế mạnh, nghĩa là ngân sách phải có thặng dư. Nếu kéo dài biện pháp hành chính, lợi ích của người sản xuất, phân phối không được bảo đảm, họ sẽ ngừng hoạt động làm giảm nguồn cung ứng hàng hóa dịch vụ trên thị trường, tạo ra sự mất cân đối cung cầu càng làm giá cả mất ổn định... Với quy định 18 danh mục tài sản, hàng hóa dịch vụ do Nhà nước định giá, cần được luận giải một cách khoa học. Một yếu tố cần chú ý là ngân sách hỗ trợ đối với 14 mặt hàng bình ổn giá cần thực hiện bình đẳng cho tất cả DN thuộc mọi thành phần kinh tế thay vì chỉ chú trọng khu vực kinh tế Nhà nước như đã từng xảy ra. Bên cạnh đó, cần tổ chức sắp xếp lại hệ thống phân phối lưu thông có hiệu quả.
Theo TS Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu kinh tế xã hội Hà Nội, muốn bình ổn giá cả cần tăng cường công tác kiểm toán giá và các chi phí kinh doanh của các DN độc quyền để giảm thiểu các chi phí không hợp lý. Từ đó giảm giá thành đầu vào của các sản phẩm, góp phần hạ mức giá chung và ngăn chặn hiện tượng trục lợi cá nhân, biến độc quyền Nhà nước thành độc quyền DN.
(Theo NLĐ)
Các tin khác
Theo tin từ Tổng Công ty đường sắt Việt Nam, hành khách mua vé trước 60 ngày sẽ được giảm 25% đối với vé khứ hồi và 20% cho vé một chiều.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa có ý kiến chỉ đạo về việc bố trí vốn thực hiện các dự án giao thông tránh ngập thủy điện Sơn La và Dự án Đầu tư xây dựng Nhà ga hành khách T2 - Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam vừa thông báo tăng 4,2% giá sàn xuất khẩu trong tuần này đối với loại gạo 5% tấm lên 750 USD/tấn, từ mức 720 USD/tấn hồi tuần trước.