Bản lĩnh đối phó với chiêu bài lợi dụng văn học nghệ thuật của các thế lực thù địch

  • Cập nhật: Thứ ba, 26/11/2024 | 7:55:01 AM

YênBái - Trong bối cảnh hiện nay, bên cạnh những giá trị tích cực của văn học nghệ thuật (VHNT), chúng ta cũng phải đối mặt với nguy cơ từ các thế lực thù địch, phản động khi chúng tìm cách lợi dụng VHNT để chống phá cách mạng. Mục tiêu của chúng là làm suy yếu sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đưa VHNT ra ngoài chính trị và phục vụ cho chiến lược “diễn biến hòa bình”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Thị Hiền Hạnh và Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hồ Sỹ Minh - Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam trao Giải B cho các tác giả, nhóm tác giả tại Giải thưởng Văn học nghệ thuật tỉnh Yên Bái lần thứ 2.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Thị Hiền Hạnh và Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hồ Sỹ Minh - Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam trao Giải B cho các tác giả, nhóm tác giả tại Giải thưởng Văn học nghệ thuật tỉnh Yên Bái lần thứ 2.

Các thế lực thù địch đã sử dụng truyền thông, sử dụng không gian mạng để cổ súy các tác giả nói ngược, nói khác, nói sai sự thật nhằm bóp méo, bôi đen hình ảnh "Bộ đội Cụ Hồ” và cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân ta. Chúng sử dụng những phương pháp so sánh mập mờ như so sánh thành phố Hồ Chí Minh với các thành phố lớn đã và đang xảy ra xung đột vũ trang trên thế giới, để xuyên tạc lịch sử, văn hóa và các cuộc đấu tranh của đồng bào nam bộ để góp phần to lớn vào công cuộc giải phóng dân tộc thống nhất đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng. 

Đây là những cách thức cực kỳ nguy hiểm, kích động hận thù dân tộc, chia rẽ dân tộc. Lợi dụng một số văn nghệ sĩ suy thoái về tư tưởng chính trị, rời bỏ quê hương ra nước ngoài sinh sống, sử dụng chính ngòi bút vốn sống, cảm xúc nội tại để nói ngược, viết ngược. Thậm chí một số nghệ sĩ đã sử dụng tài khoản mạng xã hội như: zalo, facebook để bình luận các vấn đề của đất nước bằng ngôn ngữ văn chương dưới góc nhìn một chiều, phiến diện, cực đoan. 

Trên trang facebook, một số văn nghệ sĩ, tri thức đã đăng tải những trạng thái, những bài thơ, đoạn trích văn xuôi để bày tỏ cảm xúc quan điểm cá nhân trước vài vụ việc trong nước theo chiều hướng lệch lạc. Những bài thơ, đoạn văn được viết bằng những ngôn từ hoa mỹ, nhưng lại được cài cắm móc nối những quan điểm đi ngược lại số đông, phiến diện và thiếu kiểm chứng… nhằm gieo rắc sự nghi ngờ đối với người đọc. 

Sự lợi dụng văn học nghệ thuật để "bẻ lái” tư duy không phải là điều mới mẻ. Trong lịch sử, nhiều quốc gia đã chứng kiến những tác phẩm nghệ thuật bị biến tướng để phục vụ cho những mục đích chính trị xấu. Hệ lụy là rất nghiêm trọng. Đầu tiên, nó tạo ra sự mất lòng tin trong xã hội. Khi những thông điệp sai lệch được truyền tải một cách mạnh mẽ, người dân dễ bị hoang mang, thất vọng về thực tại. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý cá nhân mà còn gây ra những xung đột trong cộng đồng. 

Thứ hai, việc này làm giảm giá trị của văn học nghệ thuật chân chính. Tác phẩm có giá trị, phản ánh đúng bản chất đời sống và con người sẽ bị lãng quên, trong khi những tác phẩm mang tính tuyên truyền, chính trị hóa lại được tôn vinh. Điều này dẫn đến sự suy giảm chất lượng của nền VHNT và khiến cho xã hội ngày càng xa rời những giá trị đích thực. Hơn nữa, sự phân cực trong tư duy có thể dẫn đến những hành động cực đoan, làm tổn hại đến sự đoàn kết trong xã hội. Khi một bộ phận người dân tiếp nhận những thông điệp sai lệch và cực đoan, họ có thể trở thành những người ủng hộ cho những tư tưởng phản động, gây ra những xung đột không cần thiết.

Nhiều nhà văn đã trải qua chiến tranh cảm thấy lo ngại của sự xuất hiện thái độ ám chỉ, bóng gió trong sáng tác VHNT; lợi dụng câu chuyện tự do trong môi trường sáng tác, quảng bá các tác phẩm VHNT để bày tỏ khuynh hướng kích động đi ngược lại với quan điểm, đường lối của Đảng. Tự do sáng tác đối với văn nghệ sĩ là điều vô cùng cần thiết. Nhưng phải hiểu rằng, sự tự do ở đây là sự tự do về mặt tư duy, suy nghĩ, tự do sáng tạo, tự do quảng bá dưới tinh thần thượng tôn pháp luật, bị chi phối và định hướng bởi đạo đức xã hội. 

Sự tự do trong sáng tạo nghệ thuật không phải là sự tùy hứng, tùy tiện mà là sự tự do trong khuôn khổ. Tự do để thực hiện mục tiêu tốt đẹp đúng đắn đã định trước, hướng con người tới những giá trị chân, thiện, mỹ. Bên cạnh đó, trong sáng tạo các tác phẩm VHNT người nghệ sĩ có quyền sáng tạo, có quyền hư cấu nhưng sự hư cấu đó không phải xuất phát từ sự viển vông, ngẫu nhiên mà sức sáng tạo ấy phải được bắt nguồn từ cội nguồn dân tộc và dựa trên sự thật lịch sử. 

Trong một bình luận, PGS.Tiến sĩ Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng lý luận, phê bình VHNT Trung ương đã khẳng định: Đối với tác phẩm về lịch sử thì người viết phải tuân thủ nguyên tắc không được bôi nhọ lịch sử, không được làm cho các danh nhân văn hóa, nhân vật lịch sử bị méo mó. Những hư cấu trong tác phẩm VHNT về lịch sử phải dựa trên logic của cuộc sống, dựa trên sự thật lịch sử. Văn nghệ sĩ thời nào cũng vậy, tự do sáng tác, quảng bá dựa trên tinh thần thượng tôn pháp luật, dựa trên bản sắc văn hóa dân tộc. 

Để đối phó với vấn đề lợi dụng VHNT của các thế lực thù địch, cần có những giải pháp toàn diện và đồng bộ. Trước hết, giáo dục văn hóa và nghệ thuật là rất quan trọng, giúp người dân, đặc biệt là giới trẻ, nhận thức rõ về vai trò và sức mạnh của VHNT. Phải xây dựng một môi trường văn hoá, thị hiếu thẩm mĩ và đặc biệt là bản lĩnh thẩm mĩ (giá trị thẩm mĩ phải xây dựng trên nền tảng của bản lĩnh chính trị, lợi ích quốc gia đặt lên trên hết và hàng đầu). 

Đặc biệt, trong giai đoạn bùng nổ thông tin hiện nay, không gian mạng quảng bá tác phẩm văn hoá nghệ thuật mở mỗi người cần tôi rèn bản lĩnh thẩm mĩ. 

Thứ hai, cần quan tâm, đầu tư đúng mức đến VHNT để công chúng có thêm những kênh thông tin mới, tránh xa bẫy thông tin của các thế lực thù địch. 


Triển lãm ảnh "Đất và người Văn Yên” tại Lễ hội đền Đông Cuông. 

Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm tới lĩnh vực VHNT. Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị "Về tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới” đã chỉ rõ: VHNT là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người… Tài năng VHNT là vốn quý của dân tộc. 

Chăm lo phát hiện, bồi dưỡng, quý trọng và phát huy các tài năng VHNT là trách nhiệm của toàn xã hội, trước hết là của Đảng, Nhà nước và của cả các tổ chức trong hệ thống chính trị các cấp… Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Tỉnh Yên Bái cũng đã có nhiều hoạt động nhằm động viên các văn nghệ sĩ sáng tác quảng bá các tác phẩm VHNT phục vụ hướng con người đến các giá trị chân, thiện, mĩ. Phải kể đến như các cuộc thi, các cuộc vận động sáng tác… đặc biệt là những tôn vinh các tác giả, tác phẩm đã có những cống hiến cho đời sống VHNT của địa phương, của đất nước như Giải thưởng VHNT tỉnh Yên Bái. 

Bám sát thực tiễn cuộc sống, đội ngũ văn nghệ sĩ của tỉnh đã không ngừng lớn mạnh, khẳng định được tài năng và bản lĩnh trong sáng tạo VHNT. Bên cạnh những tên tuổi các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ, nhiếp ảnh gạo cội như: Ngọc Bái, Hoàng Thế Sinh, Nguyễn Thế Quynh, Hà Ngọc Anh, Nguyễn Đình Thi… đã xuất hiện những tên tuổi các văn nghệ sĩ trẻ tuổi để lại nhiều ấn tượng sâu sắc có rất nhiều các tác phẩm văn học, âm nhạc, điện ảnh - truyền hình và hàng ngàn bức tranh, bức ảnh có giá trị nghệ thuật, phản ánh sâu sắc, toàn diện vẻ đẹp của đất và người Yên Bái trong công cuộc xây dựng và phát triển các lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Đồng thời thể hiện năng lực, vốn sống, đạo đức cách mạng, bản lĩnh, sự trải nghiệm sâu sắc của người nghệ sĩ, tạo được sức hấp dẫn, lan tỏa những cái đẹp…, đẩy lùi tiêu cực, cái xấu, định hướng xã hội hướng tới chân, thiện, mỹ và nhân văn; đóng góp quan trọng trong việc nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân trong tỉnh và quảng bá hình ảnh đất và người Yên Bái đến bạn bè trong nước và quốc tế. Kết quả đó khẳng định, các văn nghệ sĩ Yên Bái trước khi là một nghệ sĩ luôn phải là công dân tốt, vững tâm bảo vệ bản sắc dân tộc, lịch sử dân tộc. 

Trong một không gian mở, trước hết, những người làm công tác nghệ thuật phải tỉnh táo, nêu cao tinh thần trách nhiệm của mình đối với đất nước, dân tộc và các thế hệ tương lai của đất nước. Mỗi cá nhân công chúng phải phân biệt được rõ trắng đen, giữ cho mình được bản lĩnh thẩm mĩ và tỉnh táo trước sự lung lạc của ngôn từ. Sự cảnh giác và chủ động trong việc bảo vệ nền VHNT sẽ đưa đất nước vượt qua những thách thức, giữ vững đường lối và bản sắc dân tộc trong thời đại toàn cầu hóa.

Thanh Ba

Tags Yên Bái văn học nghệ thuật thế lực thù địch

Các tin khác
Phối cảnh dự kiến sân khấu chính của Festival Hoa Đà Lạt năm nay cách điệu từ hoa dã quỳ.

Festival Hoa Đà Lạt lần thứ X năm 2024 kéo dài gần 1 tháng với nhiều chương trình đặc sắc, hấp dẫn mà du khách không nên bỏ lỡ.

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đón nhận Bằng công nhận Di sản Tư liệu khu vực châu Á-Thái Bình Dương của UNESCO cho

Nhân Ngày Di sản Văn hoá Việt Nam, chiều tối 23/11, tại Đại Nội Huế; UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Lễ đón Bằng công nhận di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO cho “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế”; công bố hoàn thành Dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích Điện Thái Hòa…

Dụng cụ quay tơ được trưng bày tại Vạn Phúc trong Tuần Văn hoá du lịch thương mại 2023.

Tuần Văn hoá du lịch thương mại làng nghề Vạn Phúc năm 2024 có chủ đề "Quê lụa Hà Đông - Tinh hoa hội tụ" sẽ tôn vinh di sản lụa nghìn năm.

Lễ hội PuTaLeng đánh dấu một lễ hội đặc trưng tại Lai Châu

Trong khuôn khổ Chương trình khai mạc Lễ hội PuTaLeng huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu lần thứ I, năm 2024, Trung ương Hội Kỷ lục Gia Việt Nam, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (Vietkings) đã công bố quyết định công nhận rừng đỗ quyên cổ thụ tập trung trên núi PuTaLeng ở độ cao 2.619m có diện tích lớn nhất Việt Nam.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục