Yên Bái: Sản xuất vụ đông xuân vượt lên cả thiên tai
- Cập nhật: Thứ hai, 21/7/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Bằng sự chỉ đạo quyết liệt từ tỉnh đến cơ sở và sự hỗ trợ về vật chất lẫn tinh thần, cùng với nỗ lực của bà con nông dân đã đưa vào gieo cấy được trên 16.651 ha lúa đông xuân. Khí hậu thời thiết cũng dường như thấu hiểu lòng người, cái rét cắt da cắt thịt dần qua đi, toàn bộ diện tích lúa đã bén rễ hồi xanh...
Nông dân xã Đồng Khê (Văn Chấn) cấy lúa mùa 2008. (Ảnh: Anh Dũng)
|
Như chúng ta đã biết, bước vào sản xuất vụ lúa đông xuân 2007-2008 nhà nông Yên Bái phải hứng chịu nhiều tổn thất do đợt rét đậm, rét hại kéo dài kỷ lục gần 40 ngày làm cho trên 7 ngàn con trâu, bò và trên 4.700 ha lúa và hàng trăm tấn giống lúa mạ bị chết, trên 10 ngàn ha lúa phải cấy lại. Không chỉ thiệt hại về kinh tế hàng chục tỷ đồng, đời sống nhà nông gặp khó khăn mà còn ảnh hưởng lớn đến sức kéo, mùa vụ và tâm lý lo sợ trong sản xuất. Bên cạnh đó thì giá vật tư phân bón tăng cao, nhiều loại phân tăng gấp đôi, gấp ba so cùng kỳ. Mặc dù gặp khó khăn, mất mát quá lớn song ngành nông nghiệp, các huyện thị, bà con nông dân đã biết khắc phục khó khăn vẫn làm nên một vụ lúa đông xuân thành công ngoài mong đợi.
Thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài liên tục trong 38 ngày đã lập nên một kỷ lục trong vòng 60 năm trở lại đây từ cường độ đến thời gian. Hàng trăm ha lúa, hoa màu của bà con nông dân dày công gieo cấy, chăm sóc đã chết hết. Lúa mạ ngoài ruộng chết đã đành nhưng trâu bò ở trong nhà cũng lần lượt ra đi, cuộc sống của nhà nông gặp nhiều khó khăn và đảo lộn.
Khắc phục khó khăn, với quyết tâm gieo cấy hết hết diện tích lúa đảm bảo bằng được an ninh lương thực, tỉnh đã thành lập nhiều đoàn công tác đi về vùng nông thôn kiểm tra, hướng dẫn kỹ thuật và cùng chống rét với bà con nông dân. Bí thư Tỉnh uỷ Hoàng Xuân Lộc, Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Thương Lượng và hàng chục đoàn công tác của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các ngành đều đổ về các vùng quê động viên bà con nông dân và bàn cách khắc phục hậu quả, hướng dẫn kỹ thuật gieo cấy lại diện tích trong điều kiện thời tiết vẫn còn rét. Tỉnh chỉ đạo ngành nông nghiệp, các huyện thị chuẩn bị đủ lượng giống và phân bón hỗ trợ giúp nhân dân khôi phục sản xuất sau rét.
Bằng sự chỉ đạo quyết liệt từ tỉnh đến cơ sở và sự hỗ trợ về vật chất lẫn tinh thần, cùng với nỗ lực của bà con nông dân đã đưa vào gieo cấy được trên 16.651 ha lúa đông xuân. Khí hậu thời tiết cũng dường như thấu hiểu lòng người, cái rét cắt da cắt thịt dần qua đi, toàn bộ diện tích lúa đã bén rễ hồi xanh. Tưởng mọi thứ khó khăn đã qua đi, nhưng một lần nữa nhà nông lại phải đối mặt với giá vật tư phân bón tăng cao, nhiều loại phân có giá tăng gấp đôi.
Nếu như cuối năm 2007, giá 1kg đạm chưa đầy 4.500 đồng thì đầu vụ lúa xuân 2008 đã tăng lên 7 ngàn đồng rồi đến 9 ngàn đồng. Không chỉ có giá đạm tăng cao mà cả giá phân NPK, Kali, thuốc bảo vệ thực vật cũng tăng chóng mặt. Hết rét, phân bón tăng cao đến giữa vụ sâu bệnh lại hoành hành, trên 3 ngàn ha lúa bị rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu cuốn lá.. phá hoại. Mất mát, khó khăn, vất vả là vậy song với sự chỉ đạo sát sao của các cấp uỷ Đảng, sự chủ động, nỗ lực, khắc phục khó khăn của bà con nông dân tích cực đầu tư chăm sóc toàn bộ diện tích, lúa sinh trưởng và phá triển khá tốt.
Đến nay toàn bộ diện tích đã cơ bản thu hoạch song năng suất đạt 50 tạ/ha, năng suất cao nhất từ trước tới nay, sản lượng thóc đạt trên 81.600 tấn. Một số huyện, thị đạt năng suất là thị xã Nghĩa Lộ đạt 60 tạ/ha, Văn Chấn 52 tạ/ha, hai huyện vùng cao Trạm Tấu, Mù Cang Chải khó khăn là vậy mà cũng đạt năng suất từ 38- 40 tạ/ha. Những ngày trung tuần tháng 6 cho đến đầu tháng 7 này nhà nông từ vùng thấp đến vùng cao hối hả thu hoạch lúa xuân, làm đất gieo cấy mùa sớm.
Trên cánh đồng Mường Lò huyện Văn Chấn, thị xã Nghĩa Lộ ngày này đã thu hoạch song diện tích và bà con đang khẩn trương làm đất, gieo mạ cấy lúa mùa sớm. Ông Nguyễn Hợp Đoàn-Phó chủ tịch UBND huyện cho biết: “ Vụ lúa đông xuân 2007-2008, Văn Chấn cũng chịu ảnh hưởng lớn của rét làm trên 1.000 ha lúa và hàng chục tấn lúa mạ bị chết. Trước tình hình đó thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh, huyện cũng đã huy động mọi nguồn lực, tìm nguồn giống, hỗ trợ hướng dẫn kỹ thuật cho bà con nông dân đưa vào gieo cấy 3.863 ha. Vừa tiến hành gieo cấy hết diện tích huyện vận động nhân dân chăm sóc tốt diện tích lúa, tích cực thăm đồng và chủ động phòng trừ sâu bệnh, nhất là rầy nâu, rầy lưng trắng.
Từ cuối tháng 4 đến lúc lúa bắt đầu vào chắc đã có 1.800 ha lúa bị rầy phá hại, song do làm tốt công tác dự tính, dự báo nên dịch bệnh đã được khống chế, không gây ảnh hưởng đến năng suất lúa. Đến nay trên cánh đồng Mường Lò bà con đã thu hoạch xong cho năng suất khá cao bình quân 50 tạ/ha”. Trời nắng như đổ lửa chúng tôi đi xuống cánh đồng xã Phù Nham, một xã có trình độ thâm canh lúa tốt và luôn đạt năng suất cao nhất nhì huyện, bà con đã thu hoạch song toàn bộ diện tích.
Chị Hà Thị Huân đang gieo mạ cấy lúa mùa sớm thấy chúng tôi, phấn khởi nói: “May quá mấy anh ạ, vụ lúa xuân vừa rồi tưởng mất ăn vì rét, sâu bệnh, nhưng nhờ trời lúa vẫn tốt bời bời, nhà tôi cấy 6 sào bằng giống lúa lai Nhị ưu 838 và giống lúa thuần đạt năng suất 250 kg/sào đấy, cao hơn vụ xuân trước gần 20 kg/sào”. Vâng, không riêng gì nhà chị Huân mà có lẽ cả xã Phù Nham và các xã khác trong cánh đồng Mường Lò này đều được mùa lúa. Rời vùng trọng điểm lúa Mường Lò chúng tôi đến huyện Văn Yên, nắng vàng trải dài trên các cánh đồng, bà con nông dân vùng lúa Đại-Phú-An đang khẩn trương thu hoạch diện tích lúa.
Vụ xuân này, toàn huyện đưa vào gieo cấy trên 2.680 ha lúa, diện tích phải gieo cấy lại do rét, huyện đã đưa giống lúa lai, lúa thuần chất lượng cao, thời gian sinh trưởng ngắn vào gieo cấy. Bên cạnh đó, huyện mở 81 lớp tập huấn kỹ thuật cho trên 1.000 hộ dân, cung ứng trên 150 tấn phân bón và hàng tỷ đồng thuốc bảo vệ thực vật. Nhờ chủ động khắc phục khó khăn, đầu tư chăm sóc đến nay, toàn huyện cũng đã cơ bản thu hoạch hết diện tích năng suất đạt 50,7 tạ/ha, sản lượng thóc đạt 13.578 tấn, tăng 25% so với cùng kỳ.
Rõ ràng vụ lúa xuân năm nay tuy gặp khó khăn do rét, giá vật tư phân bón tăng cao, sâu bệnh phá hoại song các cấp chính quyền, bà con nông dân đã khắc phục khó khăn vẫn làm nên một vụ lúa đạt năng suất cao. Qua đó cho thấy sự chỉ đạo tốt, biết vươn lên chúng ta sẽ vượt qua tất cả, dẫu cho thiên tai, thời tiết có khắc nghiệt đến đâu.
Thanh Phúc
Các tin khác
YBĐT - Các hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh Yên Bái đang giữ vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế tập thể. Hiện nay các HTX làm ăn hiệu quả đang giải quyết việc làm thường xuyên cho hàng ngàn lao động, và có những đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách của tỉnh. Nhưng con số chỉ có 48% số HTX làm ăn khá giỏi, còn lại là yếu kém đang đặt ra câu hỏi thách thức, làm gì và làm thế nào để Yên Bái có nhiều HTX làm ăn hiệu quả?
Sáng 21/7, giá xăng dầu đều đã tăng lên mức kỷ lục. Do tính chất quan trọng của quyết định này trong bối cảnh hiện nay, cuộc họp báo tăng giá xăng dầu lần đầu tiên có sự tham gia của lãnh đạo Chính phủ - Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải- cùng đầy đủ lãnh đạo các bộ: Tài chính, Công Thương, Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo trung ương.
9h sáng ngày 21/7, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 57/2008/QĐ - BTC về việc điều chỉnh giá bán xăng và các loại dầu. Theo đó, cho phép các DN nhập khẩu và kinh doanh xăng dầu được phép điều chỉnh giá bán lẻ theo giá thị trường trong hệ thống phân phối của mình.
YBĐT - 6 tháng đầu năm 2008, ngành thuế Văn Yên (Yên Bái) đã thu vào ngân sách Nhà nước 8 tỷ 191,4 triệu đồng, đạt 51,5% so với dự toàn tỉnh giao, đạt 48,6% so với mục tiêu phấn đấu của huyện và tăng 14% so với cùng kỳ năm trước.