Đối mặt nhiều khó khăn
- Cập nhật: Thứ năm, 24/7/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - 5.000 con trâu, 1.600 con bò đã chết trong đợt rét kéo dài 42 ngày hồi đầu năm, cũng đồng nghĩa với gần từng ấy hộ ở Yên Bái không có trâu, bò cày kéo. "Con trâu là đầu cơ nghiệp", sự mất mát này thực sự là gánh nặng đối với hàng ngàn hộ nông dân nghèo và cũng chưa thể khắc phục trong một sớm một chiều…
Sau rét, anh Hà Văn Lý xã Sơn Lương phải đưa bò sang tận xã Nậm Lành tìm bãi chăn thả.
|
Thực trạng
Trong ngôi nhà sàn cũ kỹ, ông Triệu Thừa Tài- thôn Giàng Cài, xã Nậm Lành (Văn Chấn) ngậm ngùi: “Đợt rét vừa qua đã làm chết 8 con trâu mà gia đình tôi đã tích cóp cả đời mới có được, còn lại 4 con thì gầy trơ xương do thiếu thức ăn”.
Theo ông Lý Kim Kinh - Chủ tịch UBND xã Nậm Lành, xã có trên 1.000 con trâu nhưng chỉ có 3 ha cỏ voi, bãi chăn thả thiếu, thức ăn dự trữ cho mùa đông lại không có, thêm vào đó, tập quán thả rông gia súc, không làm chuồng trại của người dân là những nguyên nhân cơ bản dẫn đến trâu, bò chết rét hàng loạt trong đợt rét kéo dài vừa qua. Bên cạnh một lượng lớn trâu, bò chết rét, đợt rét cũng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng đàn gia súc. Một số gia súc nhờ chăm sóc cứu chữa qua được đợt rét thì lại phải đối mặt với vấn đề thiếu thức ăn, dịch bệnh.
Văn Chấn là huyện có số trâu, bò chết rét lớn nhất với 2.141 con. Hiện nay, tổng số đàn trâu của huyện còn 19.000 con, giảm 5,35%; bò 5.944 con, giảm 4,6%. Những tập quán lạc hậu cùng với tình trạng chất lượng đàn gia súc giảm sút đã ảnh hưởng đến sinh sản và việc khôi phục phát triển lại đàn gia súc, không riêng gì với huyện Văn Chấn. Đối với đàn bò, số lượng chết ít hơn, lại sinh sản quanh năm nên việc phục hồi lại đàn bò cũng khả dĩ hơn. Khó khăn nhất là đàn trâu - nguồn cung cấp sức kéo chính, sẽ chậm phục hồi hơn nhiều, do chỉ sinh sản trong mùa xuân và sinh sản theo bầy đàn, rất ít sinh sản nếu chăn nuôi nhỏ lẻ trong các hộ.
Tâm lý người dân
Trước những thiệt hại do đợt rét đậm, Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ cho mỗi hộ dân có trâu, bò chết rét 2 triệu đồng, cùng với sự góp sức của nhiều doanh nghiệp có lòng hảo tâm đã hỗ trợ hàng chục con trâu, bò cho các hộ nghèo, phần nào bớt đi gánh nặng cho người nông dân. Trong đợt I vừa qua, tỉnh Yên Bái đã hỗ trợ các hộ dân 1 triệu đồng/con. Hiện nay, hầu hết các địa phương đã chuyển tiền hỗ trợ đến tay người dân (duy nhất huyện Trấn Yên là đã thực hiện đủ 2 triệu; Trạm Tấu hiện vẫn còn 4 xã chưa nhận được tiền hỗ trợ, do ngân sách địa phương không cân đối được với mức 40% tự lo theo yêu cầu của tỉnh).
Với mức hỗ trợ 1 triệu đồng, nhiều người dân đã chọn giải pháp khôi phục đàn trâu bằng cách đặt mua nghé ngay từ khi đang mang thai, giá khoảng 3 triệu đồng/con, vì trâu trưởng thành phải có giá từ 8-10 triệu đồng/con, mà hiện nay không phải ai cũng muốn bán do thực tế ở vùng cao, mỗi hộ cũng chỉ có 1 đến 2 con trâu làm sức kéo. Nhiều hộ dân nhận được tiền hỗ trợ nhưng lại không có đủ tiền để tiếp tục đầu tư mua trâu mới nên hoặc là tiêu hết hoặc trả nợ cũ cho ngân hàng. |
Anh Hà Văn Lý, thôn Bản Sẻ, xã Sơn Lương, Văn Chấn cho biết: “Nhà nước hỗ trợ được 1 triệu đồng, mình đem trả ngân hàng rồi, lần trước vay mua trâu vẫn còn nợ 5 triệu. Cũng muốn vay thêm để mua trâu nhưng tính mãi rồi, nợ cũ chưa trả xong nếu vay nữa thì sau lấy đâu mà trả, vụ mùa vừa rồi mình phải thuê trâu về cày”. Có một thực tế, hiện nay ở nhiều địa phương, số trâu, bò chết rét rơi nhiều vào các hộ nghèo đã vay ngân hàng để mua. Theo khảo sát ban đầu của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Trạm Tấu, trong số 1.294 con trâu, bò chết rét của huyện thì đã có gần 500 con của các hộ vay ngân hàng. Ngay sau đợt rét, Ngân hàng Chính sách - xã hội Trạm Tấu đã có thông báo cho vay bổ sung mua trâu bò, nhưng đến nay chưa có hộ nào đăng ký.
Cần giải pháp hiệu quả
Việc hỗ trợ cho các hộ dân cần thực hiện một cách tập trung và đầy đủ, để người dân nếu muốn phục hồi đàn gia súc có thể tập trung lực đầu tư. Ông Nguyễn Thế Sự-Trưởng phòng Chăn nuôi - Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: “Hiện nay, Sở đang xây dựng một dự án hỗ trợ trâu, bò cho các hộ nghèo.
Mục tiêu đến năm 2010 sẽ hỗ trợ 4.000 con trâu, 3.000 con bò cho 7.000 hộ. Mức hỗ trợ đối với trâu: trị giá 8 triệu đồng (Nhà nước hỗ trợ 5 triệu đồng, người dân 3 triệu); bò trị giá 6 triệu (Nhà nước 4 triệu, người dân 2 triệu đồng). Nếu dự án được phê duyệt sẽ là một cơ hội lớn cho các hộ nghèo cũng như việc phục hồi và phát triển đàn gia súc. Tuy nhiên tỷ lệ giữa Nhà nước và người dân như vậy đã thực sự hợp lý? Thực tế như đã nêu, ở Trạm Tấu có đến 40% số trâu bò chết rét là của hộ nghèo vẫn đang nợ tiền ngân hàng và hầu như các hộ này không muốn vay tiếp. Vậy khi dự án triển khai với tỷ lệ này thì liệu người dân có đủ điều kiện để đón nhận? Một vấn đề nữa đặt ra khi triển khai dự án này, đó là việc lựa chọn phương pháp mua bán như thế nào để đạt hiệu quả.
Các dự án giảm nghèo trước đây đã giao cho các tổ chức đoàn thể, lãnh đạo địa phương và người dân cùng đi chọn và mua, nhưng không được bảo hành, khi trâu chết người dân không biết kêu ai. Nên chăng, việc mua trâu, bò giống cần giao cho những doanh nghiệp có đủ năng lực thực hiện và phải cam kết bảo hành trong một thời gian nhất định. Một vấn đề khác cũng rất đáng lo ngại, hàng năm người dân trong tỉnh vẫn bán khoảng 1.000 con trâu bò ra ngoài tỉnh, nếu vẫn tiếp diễn tình trạng này thì việc triển khai dự án sắp tới chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn, trong khi hầu hết các tỉnh miền núi phía Bắc cũng đang đẩy mạnh việc khôi phục đàn gia súc sau rét.
Thiết nghĩ, những giải pháp trên đây cần phải được thực hiện ngay thì đàn gia súc mới có cơ hội phát triển trở lại, tránh hao hụt tổng đàn quá lớn khi mà lại một mùa đông đã không còn xa nữa.
Anh Dũng
Các tin khác
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 75/2008/NÐ-CP về việc sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 170/2003/NÐ-CP ngày 25/12/2003 quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Giá.
Ngày 23.7 tại Hà Nội, phát biểu tại diễn đàn doanh nghiệp (DN) Việt Nam - Iran, Phó chủ tịch Phòng Thương mại công nghiệp và Mỏ Iran - ông Khamvani - nhấn mạnh các cơ quan của hai nước cần tạo điều kiện để DN hai nước hiểu rõ về chính sách cơ chế của nhau, tiến tới hợp tác làm ăn trực tiếp với nhau mà không phải thông qua một bên thứ 3 như hiện nay.
YBĐT - Với mục tiêu phủ sóng 100% trong cả nước, ngày 22/7 Viettel Mobile đã khai trương trạm phát sóng tại xã Việt Hồng (Trấn Yên), đây là trạm phát sóng thứ 74 tại Yên Bái.
YBĐT - Giống như ở nhiều xã vùng cao khác, người dân xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên (Yên Bái) luôn có nhu cầu phát triển chăn nuôi nói chung và nuôi bò nói riêng, nhằm tận dụng thế mạnh đồi rừng làm nơi chăn thả, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người lao động, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo.