Yên Bái: Trồng chè giống nhập nội cho thu nhập cao

  • Cập nhật: Thứ năm, 24/7/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Trong tháng 7 này, đa số người trồng chè Yên Bái ngao ngán trước giá vật tư phân bón tăng cao, trong khi giá chè nguyên liệu lại xuống thấp. Nhưng với những hộ trồng chè bằng giống nhập nội, tuy thu nhập không bằng năm trước nhưng vẫn có cuộc sống khá bởi giá chè bán cao gấp 3 lần chè thường và rất ổn định.

Nông dân Văn Chấn thu hái chè.
Nông dân Văn Chấn thu hái chè.

Với diện tích chè gần 13 ngàn ha, song quá nửa diện tích được trồng từ những năm 60-70 của thế kỷ trước, nay đã già cỗi, năng suất giảm, chất lượng nguyên liệu thấp, từ năm 2002, tỉnh đã có chủ trương trồng mới, trồng cải tạo chè già cỗi bằng giống mới nhập nội cho năng suất, chất lượng búp cao.

Thực hiện chủ trương đó, nhân dân và các doanh nghiệp chè đã tích cực trồng mới, trồng cải tạo bằng giống chè nhập nội được trên 1.200 ha. Mặc dù trong quá trình trồng, nhân dân đã đưa một tập đoàn giống nhập nội vào trồng, chủ yếu là giống: Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên và Bát Tiên. Trong số 1.200 ha này đã có 50 ha bắt đầu cho kinh doanh, còn lại đang trong thời kỳ kiến thiết cơ bản. Tuy mới đưa vào gieo trồng, song nhiều diện tích đã cho thu hoạch và phát triển tốt, mang lại nguồn thu lớn giúp nhiều hộ dân có cuộc sống ổn định.

Gia đình chị Bùi Thị Loan, xã Sơn Thịnh (huyện Văn Chấn) là một trong những hộ như vậy. Đầu năm 2008, chị Loan và một số hộ dân trong xã cùng với Doanh nghiệp chè Thành Công ký kết hợp đồng trồng chè bằng giống nhập nội. Doanh nghiệp đầu tư phân bón, giống, kỹ thuật và bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá cao. Mặc dù có sự cam kết tốt như vậy, song không có nhiều hộ dân tham gia trồng, bởi ảnh hưởng của giống chè cũ vẫn còn, sự liên kết giữa doanh nghiệp và người làm chè còn lỏng lẻo...

Chị Bùi Thị Loan, xã Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn:

Trồng chè giống nhập nội chỉ một, hai năm sau là bắt đầu cho thu hoạch tỉa và đến năm thứ ba, thứ tư là thu hái ổn định. Từ đầu vụ chè đến giờ, gia đình bán được 30 triệu đồng. Giá chè búp nhập nội luôn có thị trường ổn định và giá cao gấp 3,5 lần so với giống chè thường.

Chắc chắn vụ chè này tôi thu không dưới 50 triệu đồng từ tiền bán chè, trừ chi phí phân bón, công chăm sóc vẫn còn lãi 30 triệu đồng. Cứ đà này sang năm năng suất sẽ cao gấp đôi so với năm nay, bởi lẽ đã hết thời kỳ kiến thiết cơ bản, chuyển sang chè kinh doanh.

Riêng gia đình chị Loan lại có một niềm tin rất lớn vào giống chè nhập nội này và coi đây là cơ hội tốt để xoá đói nghèo và vươn lên làm giầu. Với suy nghĩ đó, gia đình chị quyết tâm trồng chè cùng doanh nghiệp, bằng số vốn tự có và vay mượn bạn bè, doanh nghiệp hỗ trợ, chị mua 1,6 ha đất và trồng toàn bộ bằng các giống chè Tứ Quý, Thuý Ngọc, Kim Tuyên, Thanh Tâm (đây là giống chè ngon, phục vụ cho sản xuất chè xanh chất lượng cao). Sau ba năm trồng nay 1,6 ha chè đã bắt đầu cho thu hoạch và thật bất ngờ, các giống chè này hợp đất nên phát triển rất tốt.

Trồng chè giống nhập nội cho hiệu quả kinh tế cao hơn gấp nhiều lần so với chè giống thường, nhưng không phải hộ nông dân nào cũng làm được bởi chi phí rất cao. Để trồng được 1 ha chè giống nhập nội, đòi hỏi phải đầu tư không dưới 35 triệu đồng (không kể tiền mua đất, thuê đất). Không chỉ có vậy mà đòi hỏi người trồng chè phải tâm huyết và kiên trì mới có thể trồng được. Đã trồng chè nhập nội để bảo đảm nguyên liệu búp đáp ứng cho chế biến chè xanh chất lượng cao, đòi hỏi chè không được phun thuốc hoá học, phân bón chỉ dùng phân vô cơ.

Ông Nguyễn Thành Công - Giám đốc Công ty chè Thành Công - Văn Chấn (doanh nghiệp chuyên sản xuất chế biến chè Ô Long) cho biết: Doanh nghiệp vừa đầu tư trên 3 tỷ đồng lắp đặt một dây chuyền chế biến chè xanh, chè Ô Long chất lượng cao. Để đảm bảo nguyên liệu, sẵn sàng ký kết hợp đồng trồng chè bằng giống nhập nội với nông dân. Doanh nghiệp đầu tư giống, kỹ thuật và bao tiêu toàn bộ sản phẩm lâu dài. Tuy nhiên, tất cả các hộ ký hợp đồng với doanh nghiệp cũng phải tuân thủ quy trình trồng và phát triển chè sạch rất nghiêm ngặt; tuyệt đối không phun thuốc bảo vệ thực vật, thu hái phải đúng phẩm cấp, nói đúng hơn là doanh nghiệp chỉ thu mua chè hái đúng phẩm cấp.

Trồng chè giống nhập nội cho hiệu quả kinh tế cao đã quá rõ, không riêng gia đình chị Loan mà đã được khẳng định ở rất nhiều hộ dân ở Văn Chấn, Trấn Yên. Tuy vậy, cần phải tháo gỡ những khó khăn, tồn tại của người trồng chè như: thiếu vốn, thiếu đất, thiếu hiểu biết kỹ thuật... Ngoài ra còn có nhiều hộ dân vẫn chưa mạnh dạn trồng.

Đồng thời, để mở rộng diện tích chè giống nhập nội, nâng cao thu nhập cho nông dân, đáp ứng cho chế biến chè xanh chất lượng cao, tỉnh cần có cơ chế chính sách hỗ trợ vốn tốt nhất cho nông dân. Trong hỗ trợ vốn phải cụ thể, hộ nào đủ điều kiện, tâm huyết trồng mới đầu tư, chứ không nên đầu tư dàn trải như thời gian qua, hiệu quả thấp lại không tạo được vùng chuyên canh.

Thanh Phúc

Các tin khác

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm ximăng ở Việt Nam đến năm 2020.

CPI tạo thành xu hướng giảm sâu của hai tháng liên tiếp gần đây (tháng 5 tăng 3,91%, tháng 6 tăng 2,14%)

Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng bảy trong bối cảnh lo ngại về lạm phát đang tăng cao sau khi giá xăng dầu được điều chỉnh.

YBĐT - Số liệu thống kê của ngành công nghiệp cho thấy, nếu như năm 2005 giá trị sản xuất công nghiệp chỉ đạt 1,1 nghìn tỷ đồng, thì đến cuối năm 2007, ngành công nghiệp Yên Bái đã đạt giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên gần 1,4 nghìn tỷ đồng và qua 6 tháng đầu năm 2008 đạt 650 tỷ đồng, phấn đấu đến cuối năm 2008 đạt 1,8 nghìn tỷ đồng.

Nhân dân xã Quy Mông (Trấn Yên) chăm sóc lạc xuân. (Ảnh: Quang Tuấn)

YBĐT - Giá trị kinh tế một ha đất trồng lạc đã gấp 2 lần trồng lúa. Đây là kết quả sau khi nông dân ở các xã Minh Tiến, Quy Mông, Y Can của huyện Trấn Yên (Yên Bái) chuyển 46 ha đất ruộng cấy lúa kém hiệu quả và đất soi bãi sang trồng lạc vụ xuân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục