Yên Bái: Kinh tế trang trại - xu thế tất yếu của sản xuất nông nghiệp hàng hóa

  • Cập nhật: Thứ hai, 28/7/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Năm 1993, tỉnh Yên Bái đã ra Nghị quyết số 03 “Về tiếp tục đổi mới và phát triển nông lâm nghiệp, xây dựng nông thôn mới” trong đó, đề cập tới việc phát triển mạnh kinh tế trang trại. Với chủ trương trên, kinh tế trang trại gia đình tỉnh Yên Bái hình thành và phát triển mạnh...

Đồi quế xen chè 6,5 tuổi trong trang trại của gia đình anh Nguyễn Văn Thép thôn Yên Định, xã Hưng Thịnh, Trấn Yên.
Đồi quế xen chè 6,5 tuổi trong trang trại của gia đình anh Nguyễn Văn Thép thôn Yên Định, xã Hưng Thịnh, Trấn Yên.

Đối với nước ta, kinh tế trang trại được thừa nhận và có điều kiện phát triển từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị, Nghị quyết T.Ư6 (khóa VI), Luật Đất đai, khi hộ nông dân được công nhận là một đơn vị kinh tế tự chủ, được giao quyền sử dụng ổn định, lâu dài. Hiện nay cả nước có 11 vạn trang trại theo tiêu chí của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn.

Nhận thức đúng đắn tầm quan trọng và xu thế tất yếu của kinh tế trang trại trong nông nghiệp, năm 1993, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ra Nghị quyết số 03 “Về tiếp tục đổi mới và phát triển nông lâm nghiệp, xây dựng nông thôn mới” trong đó, đề cập tới việc phát triển mạnh kinh tế trang trại. Với chủ trương trên, kinh tế trang trại gia đình tỉnh Yên Bái hình thành và phát triển mạnh, dựa trên nền tảng kinh tế hộ, sản phẩm sản xuất ra để tiêu dùng, phần còn thừa đưa ra thị trường tiêu thụ nên tỷ trọng hàng hóa thấp.

Điều tra năm 1998, toàn tỉnh có 7.252 trang trại, trong đó 99% là trang trại gia đình, 80% đất trang trại là đất lâm nghiệp, 89% chủ trang trại là nông dân. Bình quân diện tích một trang trại có 3,1 ha và 2,8 lao động. Như vậy, phát triển trang trại gia đình ở Yên Bái là đúng hướng, tập trung vào khai thác đất lâm nghiệp, quy mô phù hợp với khả năng quản lý và nguồn vốn có thể huy động được.

Theo tiêu chí trang trại của Bộ Nông nghiệp & PTNT, trang trại lâm nghiệp phải có quy mô 10 ha, doanh thu mỗi năm đạt 40 triệu đồng. Đất lâm nghiệp của tỉnh chiếm 70% diện tích tự nhiên, nhưng hầu hết ở vùng III, nhiều diện tích xa khu dân cư, khó quản lý và tổ chức sản xuất; tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 40 - 50%; vốn và những ràng buộc về cho vay vốn đang là những khó khăn trong phát triển kinh tế trang trại.

Việc tổ chức thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy về quy hoạch, điều chỉnh đất đai ở vùng cao còn nhiều nan giải; ở vùng thấp đất đai đã có chủ và quỹ đất dự trữ không có, trong khi đó lại chưa hoàn chỉnh cơ chế, chính sách về tích tụ đất đai, nên việc xây dựng các trang trại đạt tiêu chí của Bộ Nông nghiệp &PTNT là rất khó khăn.

Yên Bái thuộc diện tỉnh nghèo, mục tiêu xóa đói, giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ, đòi hỏi phải có sự nỗ lực rất cao của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc mới đạt được. Việc phát triển kinh tế trang trại gia đình là một hướng đi và giải pháp quan trọng để thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc và vùng khó khăn.

Phát triển kinh tế trang trại gia đình sẽ tạo điều kiện cho các hộ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, chuyển dần sang sản xuất hàng hóa, góp phần hình thành và mở rộng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, với khối lượng và chất lượng sản phẩm cao (chè, gỗ rừng trồng, cây ăn quả, dược liệu, chăn nuôi đại gia súc...) phục vụ công nghiệp chế biến. Từ đó có điều kiện xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao trình độ dân trí, thực hiện xã hội hóa các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục và là tiền đề, điều kiện để thực hiện CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn.

Thực tiễn thế giới cho thấy, các nước rất quan tâm phát triển trang trại gia đình với quy mô thích hợp, chú trọng hiệu quả kinh tế. Hiện nay ở Mỹ kinh tế trang trại gia đình chiếm 65% diện tích đất, 70% giá trị nông sản sản xuất mỗi năm; quy mô trang trại của Thái Lan là 4,5 ha, Ấn Độ 2 ha, Đài Loan 1,2ha…nhưng hiệu quả kinh tế rất cao. Năm 2008, Chính phủ cho phép Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam giành khoảng 4000 tỷ đồng để Hiệp hội Doanh nghiệp và Trang trại Việt Nam tín chấp cho các hộ vùng II, III vay với lãi suất ưu đãi phát triển kinh tế theo hướng trang trại (mỗi hộ không quá 100 triệu đồng), nguồn vốn này mỗi năm sẽ được tăng lên. Đây là cơ hội thuận lợi để các địa phương trong tỉnh phối hợp với Hiệp hội giúp các hộ vùng khó khăn xây dựng dự án phát triển kinh tế trang trại.

Trong những năm tới, một mặt tạo điều kiện để các trang trại đang cận với tiêu chí của Bộ Nông nghiệp & PTNT đạt được tiêu chí; mặt khác tiếp tục xác định trang trại gia đình vẫn là hình thức phù hợp và cần được tiếp tục khuyến khích phát triển. Khi công nghiệp và dịch vụ phát triển sẽ hút một lực lượng lớn lao động nông nghiệp sang, các chủ trang trại nhỏ sẽ hướng vào lao động công nghiệp và dịch vụ, việc chuyển nhượng trang trại mà thực chất là chuyển nhượng đất đai sẽ được thực hiện và ra đời các trang trại quy mô lớn, có tỷ suất hàng hoá cao.

Từ đó, các chủ trang trại tập trung được vốn,  kỹ thuật, gắn sản xuất với chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm, khắc phục được tình trạng bán sản phẩm thô, hiệu quả kinh tế thấp như hiện nay.

Kinh tế trang trại có lịch sử phát triển lâu đời, các chuyên gia về sử học và kinh tế học thế giới đã chứng minh từ thời đế quốc La Mã, các trang trại đã hình thành, trong đó, lực lượng sản xuất chủ yếu là các nô lệ. Ở Trung Quốc trang trại có từ đời nhà Đường. Với nước ta, trang trại hình thành và phát triển dưới thời nhà Trần, với tên gọi chung là các “thái ấp”. Trang trại trên thế giới bắt đầu phát triển mạnh khi chế độ tư bản chủ nghĩa ra đời. Năm 1802 ở Pháp có 5.672.000 trang trại, năm 1882 ở Tây Đức có 5.276.000, năm 1990 ở Mỹ có 5.737.000, Thái Lan năm 1963 có 3.214.000, Ấn Độ có hơn 44 triệu trang trại...

Quá trình phát triển công nghiệp, số lượng các trang trại giảm, nhưng quy mô về diện tích và quy mô về doanh thu tăng lên. Hiện nay ở Mỹ có 2,2 triệu trang trại, sản xuất mỗi năm 50% sản lượng đậu tương và ngô trên thế giới; ở Pháp có 0,98 triệu trang trại sản xuất một lượng nông sản gấp 2,2 lần nhu cầu trong nước; 1500 trang trại của Hà Lan mỗi năm sản xuất 7 tỷ bông hoa, 600 triệu chậu hoa; 4 triệu lao động trong các trang trại của Nhật Bản (chiếm 3,7% dân số cả nước) nhưng bảo đảm lương thực, thực phẩm cho hơn 100 triệu người. Như vậy, trang trại là một mô hình tổ chức sản xuất phổ biến trong nông nghiệp, xu thế tất yếu của sản xuất nông nghiệp hàng hóa.

   Trần Thi

Các tin khác
Hỗ trợ chính sách thuế tại bộ phận giao dịch “một cửa” của Chi cục Thuế Văn Chấn.

YBĐT - Vừa qua, Ban chỉ đạo đề án “Tuyên truyền chính sách thuế trong hệ thống trường học trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2008 - 2010” đã tổ chức hội nghị triển khai thực hiện.

YBĐT - Là huyện vùng cao đặc biệt khó khăn của tỉnh Yên Bái, trong hai năm 2007 và 2008 huyện Trạm Tấu đã được Nhà nước đầu tư 3 công trình bằng vốn của trái phiếu Chính phủ với tổng kinh phí trên 34 tỷ đồng, bao gồm: tuyến đường Tà Xi Láng dài 18,5km, tuyến đường Phình Hồ – Làng Nhì dài 18km.

Vẫn phải tiếp tục kìm giá điện, dù như thế sẽ không khuyến khích các chủ đầu tư rót vốn vào lĩnh vực này.

Nhiều mặt hàng sẽ phải đăng ký giá với cơ quan quản lý.

Ngoài 14 mặt hàng thuộc diện bình ổn giá, một loạt danh mục hàng hóa khác sẽ phải đăng ký giá hoặc kê khai giá thành. Đây là nội dung chính trong thông tư mới về giá do Bộ Tài chính soạn thảo và dự kiến ban hành trong tháng tới.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục