Kinh tế trang trại ở Yên Bình còn nhiều hạn chế
- Cập nhật: Thứ ba, 29/7/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Kinh tế trang trại ở Yên Bình, tỉnh Yên Bái đã hình thành từ hàng chục năm nay. Đến nay, toàn huyện có 58 trang trại, trong đó 53 trang trại lâm nghiệp, 2 trang trại chăn nuôi và 3 trang trại nuôi trồng thuỷ sản.
Trang trại trồng quế ở huyện Yên Bình.
|
Trong tổng số 58 trang trại có 4 trang trại được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chí mới của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (một trang trại lâm nghiệp phải có diện tích từ 10 ha và có giá trị trao đổi hàng hoá đạt trên 40 triệu đồng/năm. Đối với trang trại nông nghiệp thì phải có diện tích từ 2 ha trở lên).
Bình quân mỗi trang trại sử dụng gần 20 ha đất, lớn nhất là 50 ha, nhỏ nhất trên 2 ha. Phần lớn các trang trại ở Yên Bình do nông dân tự khai hoang, trồng cây, chăn nuôi theo phương châm lấy ngắn nuôi dài, dần dần tích luỹ vốn mở rộng sản xuất và sử dụng nguồn lao động gia đình là chính. Vốn tự đầu tư ở trang trại chiếm trên 90%, chỉ có một số ít chủ trang trại được vay vốn. Thu nhập bình quân từ kinh tế trang trại đạt từ 10 đến 15 triệu đồng/ha/năm.
Một số trang trại sản xuất kinh doanh với với quy mô lớn, như hộ anh Lê Tiền Phương ở xã Thịnh Hưng với trang trại lâm nghiệp trồng keo, bạch đàn, chè, quế có giá trị 2 tỷ đồng; trang trại chăn nuôi của ông Nguyễn Tất Thắng ở thôn Thanh Bình, xã Phú Thịnh, nuôi lợn, gà thương phẩm, vịt, cá… có giá trị trên 1 tỷ đồng…
Bà Phạm Thị Lai - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Bình: Kinh tế trang trại của Yên Bình hiện nay chủ yếu là trồng rừng và sản xuất lâm nghiệp, các trang trại nông nghiệp rất ít. Việc hình thành và phát triển trang trại đã giúp cho Yên Bình từng bước phủ xanh đất trống đồi núi trọc, người dân tích cực khai hoang tận dụng mặt nước ao hồ để đầu tư sản xuất, đồng thời nhận đất khoán của Nhà nước để đầu tư phát triển trang trại.
Tuy kinh tế trang trại ở Yên Bình có bước phát triển song vẫn là cách làm tự phát, chưa có quy hoạch bài bản. Năng lực tài chính của các chủ trang trại còn yếu kém và tiếp cận các nguồn vốn vay chưa nhiều. Năng lực quản lý kinh tế, trình độ và khả năng tiếp thu khoa học kỹ thuật, thông tin về thị trường còn rất hạn chế và chưa nhạy bén. Cơ sở hạ tầng như: giao thông, điện, nước, phương tiện máy móc… ít được đầu tư. Sản xuất chưa gắn với thị trường, đầu ra sản phẩm do chủ trang trại tự lo là chính. Nhiều trang trại chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chủ yếu là đất tự khai hoang lấn chiếm. Bên cạnh đó, cũng có nhiều diện tích đất đã được cấp “sổ đỏ” để làm kinh tế trang trại, nhưng chủ hộ vẫn chưa đầu tư hoặc sử dụng sai mục đích, gây nên tình trạng chiếm dụng đất…
Phát triển kinh tế trang trại là một chủ trương đúng để thực hiện đa dạng hoá sản xuất nông nghiệp ở Yên Bình. Nhưng để kinh tế trang trại phát triển bền vững, các cấp chính quyền, các ngành chức năng huyện Yên Bình cần kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong thủ tục hành chính để những chủ trang trại có thể tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để người làm trang trại mở rộng sản xuất.
Đồng thời, cũng cần tránh tình trạng làm theo kiểu phong trào, hình thức, kém hiệu quả. Việc thành lập hợp tác xã trang trại làm cầu nối giữa các chủ trang trại với các ngành kinh tế, kỹ thuật để cung ứng giống vật tư và hỗ trợ trang trại trong khâu tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm…là điều cần tính đến để cải thiện tình hình.
Quang Thiều
Các tin khác
YBĐT - Cũng như các loại tre, vầu, nứa, hóp... cây mai đã có ở đất Lâm Thượng, huyện Lục Yên (Yên Bái) từ rất lâu đời. Trước đây, người dân trồng mai để lấy vật liệu làm nhà, còn măng mai chỉ để dùng để chế biến một số món ăn thường ngày. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, từ trồng mai lấy măng mà cây mai đã trở thành hàng hoá, đem lại thu nhập khá cho người dân nơi đây.
Từ 1.900 đ/kg muối, nay đã tăng lên 2.100 đ/kg và được xem là mức giá cao nhất từ trước đến nay. Với mức giá này, diêm dân có thể thu lãi tới 50 triệu đồng/ha.
YBĐT - Chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã giảm nhưng vẫn đạt mức tăng 1,55% so với tháng trước, cao hơn mức tăng giá tiêu dùng của cả nước (1,13%) và tăng tới 18,31% trong 7 tháng đầu năm 2008.
YBĐT - Văn Chấn (Yên Bái) là huyện có diện tích, sản lượng chè cũng như cơ sở chế biến chè lớn nhất so với các huyện thị khác trong tỉnh. Cây chè đã góp phần xoá đói, giảm nghèo trong nông nghiệp, nông thôn và trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của huyện.