5 tháng cuối năm: Cảnh giác "cao độ" việc tăng giá
- Cập nhật: Thứ tư, 30/7/2008 | 12:00:00 AM
Theo đánh giá của Tổ điều hành thị trường trong nước: Đang xuất hiện xu thế lạc quan quá mức trước thành tích kiềm chế tốc độ tăng giá và rất dễ gây tâm lý chủ quan của cả các nhà quản lý cũng như xã hội. Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú, đây là điều cần phải cảnh báo, và không được buông lỏng dù chỉ là một chút.
Mặt hàng thép vừa qua đã phải chịu những cơn sốt giá "bất bình thường".
|
Tiềm ẩn nguy cơ tăng giá
Theo phân tích của Tổ điều hành thị trường trong nước, CPI tháng 7.2008 tuy có giảm (chỉ tăng ở mức 1,13%, đạt được yêu cầu của Chính phủ đề ra: CPI tháng sau thấp hơn tháng trước), nhưng vẫn cao hơn rất nhiều so với cùng kỳ. Tháng 7.2007 CPI chỉ tăng 0,94% và cả 7 tháng của năm ngoái CPI chỉ tăng có 6,2%. Trong khi CPI từ đầu năm 2008 đến nay đã tăng tới 19,78%. Như vậy, tốc độ tăng CPI của năm nay tăng gấp 3 lần năm trước.
Việc tăng giá xăng dầu mới diễn ra tuy chưa tác động ngay vào mặt bằng giá cả tháng 7, nhưng từ tháng 8 sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tình hình giá cả và sẽ kéo dài trong nhiều tháng tiếp, theo đó, việc tăng giá xăng dầu sẽ tác động trực tiếp đến những mặt hàng sử dụng xăng dầu làm nguyên liệu đầu vào như vận tải hàng hoá, đánh bắt xa bờ, khai thác than, sản xuất điện, sản xuất ximăng... Đồng thời, sẽ có những mặt hàng giai đoạn trước đây Nhà nước còn đang kiềm chế giá, nay không có sự tác động của Nhà nước sẽ có khả năng tăng giá là điều có thể xảy ra.
Bên cạnh đó, các yếu tố tác động đến mặt bằng giá đang có chiều hướng phát triển mạnh hơn các tháng trước: Dịch bệnh gia súc gia cầm lan rộng, sâu bệnh phá hoại mùa màng đang hoành hành ở một số địa phương... sẽ tác động vào vấn đề giá cả thị trường mà chúng ta không thể coi thường được.
Thời điểm hiện nay, vấn đề cung cầu trên thị trường vẫn đang trong tầm kiểm soát, tuy nhiên theo đề xuất của Tổ công tác thị trường trong nước thì đây là vấn đề không được phép "buông lỏng" bởi giá cả nguyên nhiên vật liệu tăng cao, do giá bán trong nước thấp nên dễ xảy ra tình huống các DN sản xuất không tìm kiếm được nguồn nguyên liệu, có nguyên liệu thì không sản xuất ra vì bán lỗ vốn... nếu không kiểm soát chặt chẽ và theo dõi quyết liệt thì nguồn cung sẽ giảm, dẫn đến chênh lệch cung cầu, tác động tới giá cả thị trường...
Từ phía cầu cũng có những vấn đề không thể được xem nhẹ, việc tăng giá sẽ dẫn tới giảm tiêu dùng, điều này sẽ dễ dẫn tới việc giảm sản xuất và là nguy cơ dẫn đến mất cân đối nguồn cung. Mặt khác, do tình hình tăng giá sẽ rất dễ gây ra nhu cầu giả tạo tăng đột ngột, như đã xảy ra với mặt hàng gạo, ximăng... và nếu để xảy ra tình trạng người dân mua hàng tích trữ một cách ồ ạt sẽ dễ xảy ra những diễn biến khó lường.
Sẽ có công cụ quản lý giá
Theo Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú: "Cái mà các cơ quan chức năng phải điều hành bằng được đó là chỉ cho phép tăng giá theo mức hợp lý. Việc tăng giá hợp lý được căn cứ vào nguồn nguyên liệu đầu vào và chi phí sản xuất chứ không phải tăng giá tuỳ thích. Thậm chí có những DN phải chấp nhận lỗ để chia sẻ khó khăn với Chính phủ và toàn xã hội".
Vấn đề này sẽ được Tổ điều hành thị trường trong nước đề xuất với Thủ tướng Chính phủ thực hiện một cách cương quyết, xử lý rất nghiêm những trường hợp tăng giá bất hợp lý. Trong đó, đề nghị Bộ Tài chính ban hành thông tư hướng dẫn Nghị định 75 về quản lý giá để quản lý thị trường. Bộ Công Thương cũng đang khẩn trương soạn thảo nghị định về chống đầu cơ, chống "găm" hàng, chống tăng giá bất hợp lý để có công cụ xử phạt những trường hợp vi phạm và sẽ xử phạt rất nặng những trường hợp vi phạm về quản lý giá cả hàng hoá.
Tổ điều hành thị trường trong nước cũng yêu cầu các bộ, ngành phải chỉ đạo chặt chẽ vấn đề nắm bắt kịp thời tình hình thông tin thị trường giá cả để có sự ứng phó thích hợp, chỉ đạo các DN tăng cường sản xuất, không để xảy ra thiếu hụt nguồn cung bất cứ mặt hàng nào để tạo "cớ" cho những đợt sốt giá hàng hoá dây chuyền.
Đồng thời giao trách nhiệm các DN phải chịu trách nhiệm với giá cả hàng hoá trên hệ thống đại lý cho đến tận tay người tiêu dùng, chấm dứt tình trạng "mua đứt, bán đoạn" như trước đây để cho hệ thống phân phối "lũng đoạn" thị trường như đã từng xảy ra như với mặt hàng thép, gây ra những cơn sốt giá thép "bất bình thường". Trong đó, sẽ áp dụng biện pháp các DN phải đăng ký giá bán để các cơ quan quản lý và người tiêu dùng giám sát.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú, đây là thời điểm cần phải có sự quản lý "cứng rắn" để bình ổn thị trường và chống tăng giá.
(Theo Lao Động)
Các tin khác
Lệ phí trước bạ đối với ôtô con nguyên chiếc được nâng lên tối đa 15% thay cho mức 5% cũ, đồng thời bỏ giới hạn mức khống chế tối đa số tiền lệ phí trước bạ là 500 triệu đồng cho mỗi xe theo quy định hiện hành.
YBĐT - Kinh tế trang trại ở Yên Bình, tỉnh Yên Bái đã hình thành từ hàng chục năm nay. Đến nay, toàn huyện có 58 trang trại, trong đó 53 trang trại lâm nghiệp, 2 trang trại chăn nuôi và 3 trang trại nuôi trồng thuỷ sản.
YBĐT - Cũng như các loại tre, vầu, nứa, hóp... cây mai đã có ở đất Lâm Thượng, huyện Lục Yên (Yên Bái) từ rất lâu đời. Trước đây, người dân trồng mai để lấy vật liệu làm nhà, còn măng mai chỉ để dùng để chế biến một số món ăn thường ngày. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, từ trồng mai lấy măng mà cây mai đã trở thành hàng hoá, đem lại thu nhập khá cho người dân nơi đây.
Từ 1.900 đ/kg muối, nay đã tăng lên 2.100 đ/kg và được xem là mức giá cao nhất từ trước đến nay. Với mức giá này, diêm dân có thể thu lãi tới 50 triệu đồng/ha.