Công ty Cấp nước Yên Bái: Vì sao chưa cổ phần hóa?

  • Cập nhật: Thứ tư, 30/7/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Ngày 12.4.2007, UBND tỉnh Yên Bái ra Quyết định số 472/QĐ-UBND tiến hành cổ phần hóa Công ty cấp nước Yên Bái. Việc cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước này sẽ diễn ra đúng thời gian mà Ban chỉ đạo đổi mới và sắp xếp doanh nghiệp tỉnh dự kiến nếu như doanh nghiệp không cõng trên lưng khoản nợ khổng lồ, không có khả năng trả nợ và ngay cả ngân sách tỉnh cũng không thể có nguồn để cấp bù lỗ...

Người Mông xã Nậm Có (Mù Cang Chải) nhận téc đựng nước sạch từ Chương trình 134 của Chính phủ.
Người Mông xã Nậm Có (Mù Cang Chải) nhận téc đựng nước sạch từ Chương trình 134 của Chính phủ.

Dự án hệ thống cấp nước Yên Bình - Yên Bái được UBND tỉnh Yên Bái phê duyệt tại Quyết định số 375/QĐ-UBND ngày 13.10.1997 với tổng vốn đầu tư 67.150 triệu đồng. Trong đó, nguồn vốn ODA sử dụng khoản vay ngân khố Cộng hoà Pháp theo Nghị định thư Pháp - Việt năm 1996 là 25 triệu FRF, tương đương 50 tỷ VND; nguồn vốn đối ứng ngân sách hàng năm là 17.150 triệu VND.

Từ năm 1997 đến hết năm 2001, Ban quản lý dự án (BQLDA) tiếp nhận vốn, vật tư thiết bị để thi công. Năm 2002 đến nay, Công ty Cấp nước Yên Bái tiếp nhận, quản lý và vận hành Dự án. Theo Hợp đồng tín dụng, khế ước nhận nợ vay đã ký và lịch trả nợ của Cộng hoà Pháp, từ năm 1999 đến hết ngày 30.6.2007, số nợ phải trả của Dự án là 1.738.254 EUR, tương đương 37,623 tỷ VND. Trong đó, nợ gốc trên 20,8 tỷ VND, nợ lãi trên 15,500 tỷ VND và phí là trên 1,244 tỷ VND.

Đây là dự án sử dụng vốn ODA dưới hình thức vay lại Bộ Tài chính, trả nợ từng lần. Nhưng BQLDA, sau này là Công ty Cấp nước Yên Bái không thể trả ứng nợ như cam kết. Tới ngày 31.12.2007, dư nợ vay đã lên tới gần 108 tỷ VND. Trong đó, nợ gốc 88,2 tỷ, nợ lãi 18,2 tỷ, nợ phí gần 1,5 tỷ.  Định giá tài sản doanh nghiệp, số nợ này cao gấp hàng chục lần số vốn doanh nghiệp sở hữu. Thời điểm này, dư nợ vay, nợ lãi và phí đã tăng rất cao và không ai có thể biết số chính xác sẽ là bao nhiêu...

BQLDA và sau này là Công ty Cấp nước Yên Bái không trả được nợ theo cam kết, vì sao? BQLDA là tổ chức sự nghiệp kinh tế, ngoài nguồn kinh phí ngân sách cấp cho hoạt động không có nguồn thu nào khác, vì thế không thể trả được nợ. Về phía Công ty Cấp nước, sau khi tiếp nhận và vận hành Dự án, nhà máy nước công suất 11.500 m3/ngày đêm đã khai thác trên 40% công suất thiết kế; sản lượng nước tiêu thụ từ 700.000 m3 năm 2002 đã tăng lên 1,4 triệu m3 năm 2007; năm nay, dự kiến gần 1,5 triệu m3.

Tuy nhiên, giá trị tài sản phải khấu hao cao dẫn đến phát sinh lỗ lớn khiến Công ty không có khả năng thu hồi vốn để trả nợ vốn vay. Liên tục từ 4 năm qua, doanh nghiệp kinh doanh lỗ, trong đó lỗ luỹ kế năm sau cao hơn năm trước: năm 2004 lỗ 2.694 triệu đồng; năm 2005 lỗ 6.122 triệu; năm 2006 lỗ 9.294 triệu; năm 2007 lỗ 12.930 triệu. Tính đến 31.12.2007, Công ty đã có số lỗ lũy kế gần 13 tỷ đồng; nếu tính đủ khấu hao theo chế độ, phí và lãi của phần vốn vay ODA thì số lỗ luỹ kế là 32.687 triệu đồng...

Tỉnh sẽ đứng ra bù lỗ số nợ này? Câu trả lời là không thể vì ngân sách địa phương cực kỳ khó khăn. Ngày 22.1.2008, UBND tỉnh Yên Bái đã có Công văn số 92/UBND - CN gửi Bộ Tài chính đề nghị được chuyển toàn bộ nguồn vốn này từ chế độ cho vay lại sang chế độ cấp phát từ ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, cơ chế này, theo Thông tư số 40/2005/TT-BTC của Bộ Tài chính thì chỉ dành cho các dự án cấp nước sạch các cụm dân cư nông thôn và miền núi; thành phố Yên Bái là đô thị loại 3, không thể chuyển từ chế độ cho vay lại sang cấp phát từ ngân sách Nhà nước.

Sau nhiều cố gắng của tỉnh, căn cứ vào thực tế của Dự án, trong Văn bản số 2367/BTC-TCĐN về việc điều chỉnh cơ chế tài chính Dự án gửi UBND tỉnh Yên Bái và Ngân hàng Phát triển Việt Nam, vừa qua Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà đề xuất phương hướng xử lý: đối với nợ quá hạn, đồng ý cho khoanh lại không tính lãi và được trả dần trong một số năm kể từ năm 2008; dư nợ vốn ODA của Dự án chuyển đổi đồng tiền vay lại từ EUR sang VND theo tỷ giá hạch toán do Bộ Tài chính quy định hàng tháng vào thời điểm chuyển đổi, có thể được trả theo phương pháp luỹ tiến căn cứ khả năng trả nợ thực tế của Dự án.

Phương hướng xử lý trên có thể coi là một lời giải tích cực cho số nợ khổng lồ của Công ty Cấp nước Yên Bái. Việc cổ phần hoá doanh nghiệp này hoàn toàn phụ thuộc vào việc giải quyết số dư nợ ODA, có thể là 3 năm, 5 năm hay dài hơn chăng?

Tuấn Anh

Các tin khác

Thực hiện Nghị quyết của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, tăng trưởng bền vững và chỉ đạo của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PV) về thực hiện bán đạm Phú Mỹ theo một giá thống nhất, kể từ ngày 1-8, Tổng công ty cổ phần Phân bón và Hóa chất dầu khí (DPM) sẽ bán đạm Phú Mỹ thống nhất một giá trong toàn bộ hệ thống các cửa hàng đại lý treo biển hiệu DPM trong phạm vi cả nước, theo giá niêm yết.

Mặt hàng thép vừa qua đã phải chịu những cơn sốt giá

Theo đánh giá của Tổ điều hành thị trường trong nước: Đang xuất hiện xu thế lạc quan quá mức trước thành tích kiềm chế tốc độ tăng giá và rất dễ gây tâm lý chủ quan của cả các nhà quản lý cũng như xã hội. Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú, đây là điều cần phải cảnh báo, và không được buông lỏng dù chỉ là một chút.

Lệ phí trước bạ đối với ôtô con nguyên chiếc được nâng lên tối đa 15% thay cho mức 5% cũ, đồng thời bỏ giới hạn mức khống chế tối đa số tiền lệ phí trước bạ là 500 triệu đồng cho mỗi xe theo quy định hiện hành.

Trang trại trồng quế ở huyện Yên Bình.

YBĐT - Kinh tế trang trại ở Yên Bình, tỉnh Yên Bái đã hình thành từ hàng chục năm nay. Đến nay, toàn huyện có 58 trang trại, trong đó 53 trang trại lâm nghiệp, 2 trang trại chăn nuôi và 3 trang trại nuôi trồng thuỷ sản.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục