Chủ tịch Hiệp hội lượng thực Việt Nam Trương Thanh Phong: Giá gạo xuất khẩu giảm mạnh là không hợp lý
- Cập nhật: Thứ hai, 4/8/2008 | 12:00:00 AM
Giá gạo thế giới giảm khoảng 400-500 USD/tấn. Giá lúa trong nước từ giữa tháng 7 đến nay giảm mạnh, còn hơn 4.000 đồng/kg, thậm chí có nơi chỉ còn 3.600 đồng/kg (vụ đông-xuân có lúc 5.500 đồng/kg). Vì sao giá lúa gạo trong nước và thế giới lại có sự thay đổi khá lớn như vậy trong thời gian ngắn. Ông Trương Thanh Phong - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (HHLTVN) đã trao đổi xung quanh vấn đề này.
Nông dân kiểm tra chất lượng cây lúa.
|
- Thưa ông, giá gạo trên thị trường thế giới giảm là điều mà Hiệp hội đã dự báo, nhưng giảm mạnh như hiện nay có điều gì bất thường?
- Cuối tháng 4-2008, HHLTVN đã dự báo giá gạo trên thế giới 6 tháng cuối năm sẽ giảm sau khi tăng mạnh và đạt đỉnh 1.200 USD/tấn (loại 5% tấm), thấp nhất cũng là 850 USD/tấn, do một số nước mở rộng diện tích trồng lúa và đến lúc thu hoạch, giảm phần nào áp lực cung cầu lúa gạo trên thế giới. Hiện nay giá gạo 5% tấm của Thái Lan còn 750-780 USD/tấn, nhưng giá gạo VN lại giảm quá nhiều so với dự báo, còn 620-630 USD/tấn. Mức chênh lệch 120-130 USD/tấn giữa gạo của Việt Nam so với Thái Lan là không hợp lý, chưa thể hiện đúng tình hình hiện nay trên thế giới. Mức chênh lệch lẽ ra chỉ nên là 30-40 USD/tấn.
- Theo ông, vì sao giá gạo Việt Nam lại giảm mạnh trên thị trường thế giới?
- Đây là do trong nước chúng ta bị nhiều sức ép. Thứ nhất do đang thu hoạch hơn 2/3 diện tích lúa hè thu (trên 1 triệu ha so với 1,5 triệu ha), sản lượng đạt khá lớn (khoảng 4 triệu tấn lúa -NV), nhưng mưa nhiều nên khó xử lý độ ẩm, trong lúc thương nhân không thể mua lúa với số lượng lớn vì về sấy cũng không kịp, làm tiến độ bị chậm.
Thứ hai là tình hình tài chính tiền tệ khó khăn, lãi suất ngân hàng tăng cao, DN không dám mua lúa hàng hóa trong dân dự trữ như những vụ trước mà chỉ mua và chế biến đến đâu xuất khẩu đến đó. Với lãi suất cao hiện nay, nếu mua lúa trữ vào kho mỗi tháng tăng phải chi thêm 12-15USD/tấn. Hơn nữa, DN hiện không được vay ngoại tệ mua lúa mà phải vay tiền đồng.
Thứ ba, rơi vào thời điểm VN áp dụng chính sách đánh thuế xuất khẩu gạo. Những yếu tố đó tạo áp lực nặng nề dẫn đến tốc độ giảm giá lúa gạo và tiến độ mua càng mạnh hơn. Vì thế, nhiều DN muốn bán nhanh lượng gạo đã mua dự trữ trước đó, khách hàng nước ngoài nắm được tình hình này nên ép giá. DN trong tình cảnh không xuất bán gạo trong kho phải chịu thêm lãi suất cao vừa không thể mua thêm lúa trong dân.
- Trước tình hình này, Hiệp hội có kiến nghị hay giải pháp nào tháo gỡ?
- Nếu vụ này mua lúa nông dân dưới 5.000 đồng/kg sẽ không đảm bảo lợi nhuận 30%-40% như yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Giá hiện nay như báo chí nêu (4.200-4.3000 đồng/ kg) sẽ không có lợi cho bà con nông dân. Thật ra đó là giá lúa tươi ngoài ruộng, về xử lý lại đã là 4.600 đồng/kg-4.7000 đồng/kg.
Thứ hai này (4-8), HHLTVN sẽ họp HĐQT đưa ra phương án để khuyến cáo DN tiếp tục mua lúa trong dân và chỉ bán gạo ra từ từ, không nên quá lo lắng, vì từ tháng 9 trở đi, nhu cầu gạo trên thế giới sẽ tăng trở lại. Cần nhớ rằng, lượng gạo cung cấp thế giới vẫn chưa đủ, giá không thể giảm mạnh nên đừng vội vã bán ra. Hiện nay một số khách hàng thấy tình hình trong nước như vậy đã làm áp lực với chúng ta chứ không phải giá gạo thế giới sẽ giảm nữa.
- Thưa ông, trong bối cảnh hiện nay, liệu khuyến cáo DN đẩy nhanh tốc độ mua lúa đang thu hoạch trong dân có khả thi?
- Chúng tôi động viên DN làm ăn hiệu quả từ đầu năm nên chia sẻ với bà con trồng lúa trong tình hình này. Ngoài ra, Hiệp hội kiến nghị Chính phủ bỏ thu thuế xuất khẩu gạo. Thế giới chưa nước nào áp dụng thuế này. Thực tế thuế này đánh thẳng vào bà con nông dân và lại thu trong bối cảnh giá gạo thế giới có khuynh hướng giảm là không có lợi. Hơn nữa, mức thuế đánh lũy tiến XK quá cao càng làm DN e ngại không mạnh tay mua lúa vào. HHLTVN đã chính thức có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ liên quan nên bỏ hoặc nâng mức sàn lên 800-900 USD/tấn.
- Giá gạo thế giới còn giảm nữa không và để giải quyết vấn đề này, vai trò của Nhà nước như thế nào?
- Giá thành gạo của Thái Lan hiện nay đã là 700 USD/tấn, trong khi chỉ còn VN và Thái Lan xuất khẩu gạo, nếu giảm cũng chỉ thấp hơn vài chục USD/tấn chứ không phải hơn 100 USD/tấn. Mức 600-800USD/tấn gạo là hợp lý (tùy theo chất lượng và loại gạo). Hiện giá gạo Thái Lan có nhích lên, nhưng cũng khó có khả năng tái diễn giá gạo cao như thời điểm tháng 3-4-5 vừa qua.
Vấn đề chính hiện nay là chúng ta cần xử lý tốt tình hình trong nước về thuế xuất khẩu và việc cho vay ngoại tệ mua lúa cho dân. Bên cạnh đó, phải giải quyết tốt vụ lúa hàng hoá hè thu. Nếu không có giải pháp hợp lý bà con nông dân sẽ cực kỳ khó khăn, vì giá thành đã là 3.5000 đồng/kg, nơi chuyển đổi cây trồng khác sang lúa lên đến khoảng 4.000 đồng/kg. Vì vậy, đề nghị Nhà nước sớm cho DN vay ngoại tệ, sau đó xuất khẩu sẽ trả lại bằng ngoại tệ.
- Xin cảm ơn ông!
(Theo SGGP)
Các tin khác
Tại Quyết định số 107/2008/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ rau, quả, chè an toàn đến năm 2015.
Doanh nghiệp sẽ chỉ mất 7 ngày cho việc đăng ký kinh doanh, thuế và con dấu, theo quy định mới liên quan đến thủ tục hành chính.
YBĐT - Cách trung tâm huyện Trấn Yên (Yên Bái) hơn ba chục cây số, xã Văn Lãng có hơn 500 hộ dân, 2.160 nhân khẩu tập trung ở 6 thôn, cuộc sống thuần nông, điều kiện tự nhiên lại không ưu đãi nhiều cho Văn Lãng. Toàn xã có 85 ha lúa gieo cấy 2 vụ trong năm; có 20 ha đất trồng màu, hơn 600 ha đất lâm nghiệp và trên 5 ha mặt nước ao, đầm để phát triển nghề nuôi cá.