Yên Bái: Làm gì để cân đối được lương thực trên địa bàn?

  • Cập nhật: Thứ tư, 6/8/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Bằng nhiều nỗ lực, đến nay Yên Bái đã cơ bản bảo đảm được an ninh lương thực. Nhưng để cân đối và tự túc lương thực trên địa bàn cần có nhiều giải pháp mạnh và hướng đi phù hợp!

Nông dân Văn Chấn thu hoạch lúa.
Nông dân Văn Chấn thu hoạch lúa.

Là tỉnh miền núi, diện tích trồng cấy lương thực có trên 57 ngàn ha, trong đó diện tích cấy lúa nước chưa đầy 20 ngàn ha. Trong những năm qua Yên Bái luôn chú trọng đẩy mạnh sản xuất lương thực, đa dạng hoá sản xuất nông nghiệp và ngành nghề nông thôn để bảo đảm nguồn lương thực.Từ một tỉnh hàng năm thiếu hàng chục ngàn tấn lương thực, tình trạng đói giáp hạt diễn ra phổ biến thì nay Yên Bái đã cơ bản bảo đảm an ninh lương thực, cuộc sống người dân đã được cải thiện. Không chỉ có vậy mà phương thức tiếp cận thị trường lương thực, thực phẩm cũng ngày càng đa dạng hơn.

Với quan điểm phấn đấu tăng trưởng kinh tế - xã hội đi đôi với việc xoá đói giảm nghèo, giải quyết việc làm bền vững, tỉnh đã huy động nhiều nguồn lực thực hiện đồng bộ các chính sách, các dự án hỗ trợ trực tiếp người nghèo, người lao động chưa có việc làm. Cơ sở hạ tầng nông thôn không ngừng được củng cố, các công trình phụ trợ cho sản xuất, đường, điện, hệ thống thủy lợi được xây dựng kiên cố.

Trong sản xuất luôn chú trọng đầu tư thâm canh, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, do vậy năng suất lúa được nâng lên rõ rệt. Nhiều vùng không chỉ sản xuất lương thực đơn thuần, mà đã và đang hình thành mô hình sản xuất theo hướng hàng hoá, thị trường gắn với chế biến, mang lại thu nhập và đó cũng là cách tiếp cận bảo đảm ổn định nguồn lương thực.

Theo báo cáo của Ngành nông nghiệp, hết năm 2007 tổng sản lượng lương thực đạt 218 ngàn tấn, bình quân lương thực đạt 300 kg/người/năm. Với số lương thực đó thì Yên Bái được đánh giá là đã cơ bản bảo đảm an ninh lương thực. Nhưng xét về lượng lúa, gạo ăn thì Yên Bái vẫn chưa thể cân đối được lương thực trên địa bàn. Hiện mỗi năm nhân dân trong tỉnh phải mua lương thực từ các tỉnh ngoài trên 20 ngàn tấn lúa, gạo.

Bên cạnh đó vấn đề tự túc lương thực, thực phẩm chưa đồng đều giữa các địa phương, đặc biệt là ở các xã, huyện vùng cao. Tình trạng thiếu lương thực vào những ngày giáp hạt vẫn xảy ra thường xuyên, nhất là ở huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải và một số xã của huyện Văn Chấn, Trấn Yên, Lục Yên, Văn Yên.

Làm gì để bảo đảm an ninh lương thực vững chắc và làm gì để tự cân đối được lương thực trên địa bàn? Để trả lời được câu hỏi đó, trước hết chúng ta phải có đánh giá nhìn nhận thấu đáo trong sản xuất nông nghiệp tỉnh ta thời gian qua.

Có một điều dễ nhận thấy, là sản xuất lương thực liên tục giành được thắng lợi trên cả ba phương diện: diện tích, năng suất, sản lượng. Song có một thực tế là phát triển chưa đồng đều giữa các vùng, năng suất lúa bình quân toàn tỉnh vẫn thấp.

Các vùng được coi là trọng điểm lúa như cánh đồng Mường Lò (Văn Chấn), Đại-Phú-An (Văn Yên), Bắc Trấn Yên, Mường Lai, Minh Xuân (Lục Yên), đây cũng là các vùng được nhà nước đầu tư nhiều nhất từ điện, đường, hệ thống thủy lợi khá hoàn chỉnh nhưng năng suất cũng chỉ đạt 50 tạ/ha. Cá biệt mới có những thửa ruộng đạt năng suất 65-70 tấn/ha. Đấy là những vùng thâm canh tập trung, còn những cánh đồng, thửa ruộng khác năng suất chỉ đạt 40-45 tạ/ha, các xã vùng cao, vùng sâu, nhất là huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải chỉ đạt 35 tạ/ha.

Ngành nông nghiệp, các huyện thị hàng năm đều nói và phát động phong trào đầu tư thâm canh, sản xuất lúa hàng hoá nhưng cuối cùng vẫn chưa có phong trào thật sự hiệu quả mà vẫn chỉ nằm trên mô hình. Do tiểu vùng khí hậu và tập quán canh tác, hàng năm bà con nông dân chỉ gieo cấy hai vụ chính trong năm mà thôi, như vậy mỗi ha cũng chỉ cho 9-10 tấn lúa. Sản lượng đó là quá thấp so với xu thế phát triển nông nghiệp hiện nay, các tỉnh đồng bằng sông Hồng, hay Nam bộ đã đạt năng suất 14-15 tấn/ha.

Muốn cân đối được lương thực trên địa bàn khi diện tích ruộng khai hoang không được nhiều chỉ còn cách đẩy năng suất lúa lên. Muốn làm được điều đó, trước mắt cần có chiến lược xây dựng, quy hoạch và ổn định vùng đất trồng lương thực nhất là ở vùng cao; đưa các giống mới có năng suất, chất lượng cao thích hợp với từng vùng vào gieo trồng, tạo khối lượng hàng hoá lớn; không ngừng chuyển giao những tiến bộ kỹ thuật, những điển hình làm ăn tiên tiến cho bà con học tập.

Bên cạnh đó, cần đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt vùng cao nhằm thúc đẩy giao lưu điều hoà lương thực giữa các vùng, các địa phương trong tỉnh. Đặc biệt, cần thực hiện tốt mạng lưới lưu thông lương thực, đa dạng hoá hình thức, thành phần cung ứng, tháo gỡ những ràng buộc thị trường để dễ dàng trong việc phân phối lương thực, từ vùng thừa lương thực đến vùng thiếu lương thực.

Các địa phương cần phát huy tiềm năng về đất đai, tiền vốn, con người, đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế nông thôn đa dạng; có nhiều chính sách để mọi thành phần kinh tế bỏ vốn đầu tư phát triển sản xuất thu hút nhân lực; đẩy nhanh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển trồng rừng, trồng cây ăn quả, vùng cây công nghiệp ngắn ngày… để người dân tăng thu nhập, tiếp cận với lương thực. Có làm được như vậy, chúng ta mới bảo đảm được nguồn lương thực trên địa bàn.

Thanh Phúc

Các tin khác
Đồng bào Mông thu hoạch ngô.

YBĐT - Huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) phấn đấu đến 2010 có tổng sản lượng lương thực trên địa bàn đạt 18.900 tấn. Đây là mục tiêu quan trọng nhằm bảo đảm an ninh lương thực một cách bền vững, từng bước nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc trong huyện.

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho các nhà thầu xây dựng do biến động giá nguyên vật liệu, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Cao Lại Quang vừa ký công văn 1551/BXD-KTXD hướng dẫn thêm một số nội dung của Thông tư 09.

Dầu thô liên tục trượt giá đã khiến thêm hơn 20 USD/oz “bốc hơi” khỏi giá vàng thế giới. Giá vàng trong nước sáng 6/8 đồng loạt tụt về sát ngưỡng 1,8 triệu đồng/chỉ.

Chị Đinh Thị Hà, thôn Xuân Hưng, xã Xuân Ái (Văn Yên) đang chăm sóc đàn lợn chuẩn bị xuất chuồng.

YBĐT - Gần 1 tháng trở lại đây, giá lợn hơi ở Yên Bái từ 32.000 đồng/kg giảm xuống 28.000 đồng/kg. Giá giảm mạnh khiến nhiều hộ chăn nuôi lo lắng và có nguy cơ thua lỗ nặng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục