Giá lợn hơi giảm mạnh, nhiều hộ chăn nuôi khốn đốn
- Cập nhật: Thứ tư, 6/8/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Gần 1 tháng trở lại đây, giá lợn hơi ở Yên Bái từ 32.000 đồng/kg giảm xuống 28.000 đồng/kg. Giá giảm mạnh khiến nhiều hộ chăn nuôi lo lắng và có nguy cơ thua lỗ nặng.
Chị Đinh Thị Hà, thôn Xuân Hưng, xã Xuân Ái (Văn Yên) đang chăm sóc đàn lợn chuẩn bị xuất chuồng.
|
Nguyên nhân của đợt giảm giá này được nhiều chủ hộ chăn nuôi cho rằng, do thời tiết nắng nóng, lượng thịt tiêu thụ giảm. Nhưng cũng có hộ cho rằng, các tư thương mượn cớ đang có dịch lợn tai xanh bùng phát mạnh ở một số tỉnh bạn mà ép gia.
Ông Hán Đình Đông - Chủ tịch UBND xã Cường Thịnh, huyệnu Trấn Yên (Yên Bái): Toàn xã có 518 hộ dân thì 100% số hộ chăn nuôi lợn, trong đó trên 50 hộ dân chăn nuôi có quy mô từ 30-200 con. Số lợn chăn nuôi trong xã thường dao động từ 2.400-2700 con. Bình quân, mỗi năm Cường Thịnh xuất bán ra thị trường gần 100 tấn lợn hơi. Nhờ phát triển chăn nuôi lợn mà đã có nhiều hộ thoát được nghèo nay vươn lên giầu có. Nhiều hộ mua được xe máy, xây được nhà cũng bằng tiền nuôi lợn.
Tuy nhiên, gần một tháng trở lại đây, nhiều hộ chăn nuôi lợn lo lắng đứng ngồi không yên. Ông Lương Văn Đông, ở thôn Đồng Lâm, là hộ nuôi lợn với quy mô khá lớn, trong chuồng lúc nào cũng có 40- 50 con, ngao ngán nói: “Nuôi lợn năm nay gặp nhiều khó khăn quá các anh ạ. Giá thức ăn lên cao, công chăm sóc vất vả nhưng giá bán lợn hơi lại hạ xuống còn chưa đầy 28.000 đồng/kg. Với giá bán thế này người chăn nuôi lợn như chúng tôi chỉ có lỗ nặng chứ lấy đâu ra lãi! Thời gian vừa qua, cứ nuôi một con lợn từ nhỏ đến khi xuất chuồng khoảng 1 tạ cũng mất khoảng trên 3 triệu đồng. Nếu bán theo giá hiện nay thì chỉ được 2,8 triệu đồng/tạ, như vậy đã lỗ ít nhất 200.000đồng/con, càng nuôi nhiều càng lỗ nặng”.
Gia đình chị Cao Thị Hoa ở thôn Đồng Chuối là hộ chăn nuôi lợn có quy mô lớn nhất xã Cường Thịnh. Trong chuồng nhà chị thường xuyên có trên 100 đầu lợn và có thời điểm nuôi gần 200 con. Nhìn chuồng lợn nhà chị khá quy mô, chẳng kém bất cứ một trại chăn nuôi nào, ô chuồng nào cũng thấy hàng chục con lợn và con to cũng tới trên 1 tạ. Chị nói: “Toàn bộ số lợn này đều xuất chuồng được rồi, nhưng giá lợn hơi dạo này xuống thấp quá, từ 32.000 đồng xuống còn 28.000đồng/kg. Thú thật với anh, gia đình cũng muốn bán lắm rồi, toàn bộ số lợn này đã đến tuổi xuất chuồng mà không bán có nuôi tiếp cũng không lớn hơn được là bao. Đã vậy, mỗi ngày cũng ngốn cả triệu bạc tiền cám, may mà gia đình còn chút vốn từ bán lứa lợn trước, chứ không thì cũng khó khăn lắm.
Giá lợn thì xuống thấp, trong khi đó giá thức ăn từ đầu năm đến nay tăng cao quá mức: 1 bao cám viên cho lợn loại 25 kg từ 285.000 đồng đến nay đã lên trên 330.000đồng. Trong chăn nuôi thì thức ăn luôn chiếm đến 70% giá thành, một con lợn nuôi từ khi nhỏ đến lúc bán trừ mọi chi phí mà giá bán cao thì cũng chỉ lãi khoảng 200.000đồng/con. Giờ đây, giá thức ăn tăng cao, giá bán lợn hơi thì cứ tụt mạnh, người chăn nuôi chúng tôi lao đao khốn khó! Giá mà tỉnh có cơ chế hỗ trợ người chăn nuôi, có nhà máy chế biến thu mua ổn định như các tỉnh dưới xuôi thì tốt biết mấy”.
Ước muốn của chị Hoa cũng là ước muốn của hàng ngàn hộ chăn nuôi, bởi lẽ các hộ chăn nuôi giờ đây không còn chăn nuôi nhỏ lẻ như trước đây nữa, mà đã có nhiều hộ chăn nuôi với quy mô trang trại lớn, hàng hoá nhiều. Trong khi khâu tiêu thụ lại phụ thuộc hoàn toàn vào các bác “ba toa”, họ mua với giá cao, giá thấp là do họ, giá lợn hơi mua thấp nhưng giá thịt bán ngoài chợ chẳng “dễ chịu” chút nào, người tiêu dùng vẫn phải chấp nhận.
Từ câu chuyện giá lợn hơi giảm mới thấy nông dân mình thua thiệt nhiều quá! Người nông dân vẫn phải chịu cảnh giá cả lên xuống thất thường, chăn nuôi vẫn tự phát, các kênh thông tin thị trường hầu như chưa được tiếp cận. Việc tiêm phòng chống dịch bệnh có nơi vẫn chưa được triển khai; việc kiểm soát chất lượng và giá cả thức ăn chăn nuôi chẳng ai ngó ngàng tới; các phương án để phát triển nguồn thức ăn chăn nuôi thì cứ vẫn dậm chân tại chỗ. Giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước thì ngày một cao, trong khi Việt Nam là nước có đủ điều kiện để phát triển nguồn thức ăn chăn nuôi...
Đó là những nghịch lý mà nông dân đang phải hứng chịu.
Văn Thông
Các tin khác
Ngày 5-8, ngay sau khi Chính phủ kết thúc phiên họp thường kỳ tháng 7, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức họp báo với sự tham dự của đông đảo lãnh đạo các bộ, ngành.
Chiều 5/8, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú đã ký ban hành Công điện khẩn số 6847/BCT-TTNN, bác bỏ tin đồn thất thiệt về việc giá xăng tăng, gây tâm lý bất an cho người dân.
YBĐT – Không biết từ lúc nào, người dân Yên Bái đã quen gọi mảnh đất Văn Yên với tên gọi trìu mến: Đất quế Văn Yên. Cây quế từ lâu đã trở thành cây trồng chủ lực, là cây phát triển kinh tế mũi nhọn của người dân nơi đây.
Bộ Công thương vừa ban hành Thông tư hướng dẫn sản xuất, kinh doanh rượu. Theo đó, sản xuất rượu công nghiệp, sản xuất rượu thủ công để kinh doanh, bán buôn, bán lẻ đều phải xin giấy phép và giấy phép này có thời hạn 5 năm.