“Tam nông” không chỉ cần vốn

  • Cập nhật: Thứ bảy, 16/8/2008 | 12:00:00 AM

Gần đây, “tam nông” (nông nghiệp - nông dân - nông thôn) là một trong những vấn đề thảo luận nóng hổi, từ các diễn đàn khoa học đến chương trình làm việc của Chính phủ cũng như Quốc hội.

Việc canh tác hết sức manh mún đã bóp chết những ý định làm ăn lớn.
Việc canh tác hết sức manh mún đã bóp chết những ý định làm ăn lớn.

Trong đó, vấn đề giải quyết bài toán vốn đầu tư cho nông nghiệp được đề cập rất nhiều và đa số ý kiến đều cho rằng, đây là một trong những trở ngại lớn trong việc đưa nông nghiệp trở thành nền sản xuất hàng hóa, đảm bảo tính bền vững cho ngành này khi hội nhập sâu vào kinh tế thế giới.

Vốn đầu tư chiếm tỷ trọng thấp

Theo bà Trịnh Ngọc Lan (Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Hà Nội), ước đến hết tháng 6/2008, dư nợ cho vay đối với hộ sản xuất của Agribank, hệ thống quỹ tín dụng nhân dân và Ngân hàng Chính sách xã hội (VBSP) cho vay hộ nghèo cùng với đối tượng chính sách khoảng 181.500 tỷ đồng, chiếm 17%/tổng dư nợ cho vay các thành kinh tế khác của các tổ chức tín dụng (tổ chức tín dụng). Một thống kê khác của Trung tâm Thông tin tín dụng (Ngân hàng Nhà nước) cũng cho thấy, tính đến tháng 6/2008, cơ cấu tín dụng dành cho Tp.HCM và Hà Nội chiếm 54%/tổng dư nợ cho vay của toàn hệ thống ngân hàng.

So với khu vực duyên hải miền Trung: 7%, Bắc Trung Bộ: 4%, Đông Bắc bộ: 4%, Tây nguyên: 3% và Tây Bắc: 1% thì phần lớn thị phần dư nợ đều dành cho thành phố, còn dư nợ cho vùng nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là miền núi chiếm tỷ lệ rất thấp. Đồng tình với quan điểm này, ông Trần Văn Tần, Vụ Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước) cho biết thêm: “Tốc độ tăng trưởng bình quân trong cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn của 10 năm qua chỉ 22%/năm, thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng bình quân chung của cho vay toàn bộ nền kinh tế là 25%/năm”.

Theo các chuyên gia, thực trạng thị trường tài chính khu vực nông thôn hiện còn tồn tại khá nhiều bất cập. Một là sự chu chuyển vốn ngược. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tích lũy trung bình mỗi người khu vực nông thôn chưa đến 800 nghìn đồng/năm. Với mức tích lũy này, thật khó để nói đến chuyện tái đầu tư, nhất là trong điều kiện lạm phát hiện nay. Trong khi đó, đáng lẽ cần phải chuyển vốn từ thành thị về nông thôn thì hiện tại đang diễn ra ngược lại: thông qua việc điều chuyển vốn trong nội bộ hệ thống các tổ chức tín dụng, một lượng tiền gửi dân cư khá lớn từ nông thôn đã bị chuyển ngược ra thành thị. Hai là, trong 6 tháng đầu 2008, hoạt động thị trường tiền tệ diễn ra rất phức tạp, đặc biệt là cạnh tranh lãi suất.

Nhiều ngân hàng thương mại (ngân hàng thương mại) đua nhau tăng lãi suất và hút bớt một lượng tiền khá lớn từ các quỹ tín dụng nhân dân, vốn được coi là kênh dẫn vốn chủ yếu cho khu vực nông nghiệp. Ba là, hiệu quả sản xuất nông nghiệp còn thấp, môi trường kinh doanh nhiều rủi ro do thiên tai, dịch bệnh… làm cho khách hàng khó thu hồi vốn để thanh toán nợ cho ngân hàng, khiến dòng vốn thương mại ít chảy vào đây.

Chỉ khơi thông vốn là đủ?

Theo một cán bộ của Ngân hàng Nhà nước, thị trường tài chính nông thôn hiện nay tiếp nhận khá nhiều nguồn vốn đa dạng như vốn ngân sách, vốn tín dụng nhà nước lãi suất ưu đãi cho các dự án, vốn tín dụng ưu đãi lãi suất cho vay hộ nghèo và đối tượng chính sách, vốn của các tổ chức và cá nhân đầu tư tại chỗ, vốn tín dụng thương mại của các tổ chức tín dụng, vốn ODA… nhưng đáng kể nhất vẫn là nguồn vốn của Agribank, hệ thống quỹ tín dụng nhân dân và VBSP.

Cụ thể: Agribank có số dư hiện khoảng 225 nghìn tỷ đồng, hệ thống quỹ tín dụng nhân dân khoảng 20 nghìn tỷ đồng và VBSP ước 46 nghìn tỷ đồng. Trong số đó, chỉ có hệ thống quỹ tín dụng nhân dân và VBSP dành tỷ trọng vốn lớn cho hộ sản xuất và đối tượng chính sách. Đối với Agribank, tuy có nguồn vốn lớn nhưng tỷ trọng dành cho nông thôn đang dần co lại và hướng nhiều hơn đến khách hàng phi nông nghiệp. Sở dĩ như vậy là bởi chi nhánh của Agribank tại các tỉnh kinh tế phát triển và thành phố trực thuộc Trung ương cũng phải cho vay vào đối tượng khách hàng như các ngân hàng thương mại khác. Ngoài ra, trong một số trường hợp cần thiết, Ngân hàng Nhà nước có chỉ đạo các ngân hàng thương mại tập trung hỗ trợ vốn cho một số hoạt động của khu vực nông nghiệp nông thôn. Chẳng hạn, 6 tháng đầu 2008, các ngân hàng thương mại cho vay 6.600 tỷ đồng mua 16 triệu tấn lúa gạo đồng bằng sông Cửu Long và 1.000 tỷ đồng mua cá tra, basa cho nông dân… Qua phân tích con số nêu trên, có thể thấy việc tiếp cận vốn của khu vực nông thôn chiếm tỷ trọng thấp so với các lĩnh vực phi nông nghiệp và chủ yếu là từ nguồn vốn phúc lợi, còn vốn thương mại rất mỏng.

Tại sao như vậy? Ông Nguyễn Sơn Tường, Vụ Chiến lược và Phát triển ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) phân tích: lãi suất cho vay thương mại khu vực nông thôn không đủ bù đắp chi phí hoạt động, do địa bàn rộng lớn, bên cạnh rủi ro như bất kỳ loại hình rủi ro tài chính nào thì còn phải hứng chịu các rủi ro khác về sâu bệnh, thiên tai,… Những điều ông Tường nói không phải không có lý khi nhìn vào thực tế sản xuất nông nghiệp hiện nay, bóng dáng của “công nghiệp hóa, hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp” vẫn chưa thấy đâu mà thay vào đó là sự nhỏ lẻ, manh mún và điệp khúc “trồng - chặt” hay “đào - lấp”.

Ông Tường cho rằng, cùng với việc mở cửa nền kinh tế, Chính phủ sẽ ngày càng ít can thiệp trực tiếp vào giá cả và điều này đồng nghĩa, nông dân sẽ đối mặt nhiều hơn, gay gắt hơn với bất ổn của thị trường thế giới. Trong khi đó, canh tác cây lâu năm lại có xu hướng phát triển vào thời kỳ đỉnh điểm của giá cả, gặp khi cung lớn hơn cầu, hàng hóa khó tiêu thụ, nông dân lại phải chặt cây, trồng loại cây khác. Thực trạng này diễn ra tương tự với với cà phê, hồ tiêu, lúa và cả tôm cá. Chưa kể, việc canh tác hết sức manh mún đã bóp chết những ý định làm ăn lớn. Từ thời Pháp thuộc, chỉ có 2,7 triệu mảnh ruộng nhưng hiện tại, mặc dù quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, đất nông nghiệp bị thu hẹp đáng kể nhưng số lượng mảnh ruộng lại gia tăng lên 3,5 – 3,7 triệu mảnh! Điều này cho thấy, nếu không giải quyết được vấn đề tích tụ ruộng đất, gia tăng thời hạn sử dụng đất nông nghiệp nhiều hơn so với thời hạn hiện nay thì khó nói đến chuyện sản xuất lớn nông nghiệp.

Một khi sản xuất nông nghiệp vẫn chưa được “công nghiệp hóa” thì phân bổ chi phí vào mỗi đơn vị sản phẩm sẽ rất cao, sản phẩm khó cạnh tranh, lợi nhuận thấp và vốn thương mại vẫn tiếp tục rời xa ngành này. Từ thực tế này, nhiều ý kiến cho rằng, trước khi bàn chuyện khơi thông vốn cho “tam nông”, cần phải giải quyết những bất cập trong lĩnh vực nông nghiệp, để dòng vốn chảy vào đây không những không làm méo mó quy luật cung cầu vốn mà còn phát huy được hiệu quả của chúng.

(Theo VnEconomy)

Các tin khác
Nhiều thiết bị đầu tư cho phòng thí nghiệm trị giá trị trên 1 tỷ đồng không phát huy hết hiệu quả.

YBĐT - Trại Cá giống - Thuỷ sản Nghĩa Lộ (gọi tắt là Trại giống) được thành lập từ năm 1966 với cơ ngơi còn nhỏ hẹp. Đến năm 2003, Trại được đầu tư nâng cấp gần 7 tỷ đồng thuộc chương trình mục tiêu quốc gia. Với điều kiện thuận lợi như vậy, cộng thêm ý tưởng phát triển thành trại cá giống vừa sản xuất vừa nghiên cứu… nhưng Trại vẫn chỉ là đơn vị sản xuất đơn thuần do cơ chế quản lý bó hẹp, dẫn đến nguy cơ nguồn đầu tư bị lãng phí.

Nếu FED tăng lãi suất, như vậy USD sẽ mạnh lên, sức hấp dẫn của vàng như một công cụ đầu tư hiệu quả giảm bớt.

Mercedes C200K Avantgarde giảm 4.900 USD.

Những chiêu bài giảm giá, khuyến mại, hỗ trợ vay vốn được nhiều hãng ôtô lớn tại Việt Nam áp dụng nhằm hút khách hàng trước thời điểm tăng thuế trước bạ ngày 25/8.

Công nhân Công ty cổ phần xây dựng Thanh Xuân thi công đường Đông An - Phong Dụ Hạ.

YBĐT - Thực hiện chủ trương của Chính phủ, trong những năm qua, tỉnh Yên Bái đã thực sự chú trọng tới công tác cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước và được đánh giá là một trong những tỉnh trong cả nước có tiến độ thực hiện nhanh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục