Yên Bái: Trồng rừng kinh tế - Một hướng đi hiệu quả
- Cập nhật: Thứ ba, 2/9/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Kinh tế vườn rừng là ưu thế nổi trội của tỉnh Yên Bái, trong khoảng 10 năm trở lại đây phong trào trồng rừng kinh tế của tỉnh phát triển khá nhanh và trở thành phong trào rộng khắp từ vùng thấp đến vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Kinh tế vườn rừng đã giúp cho hàng ngàn hộ nông dân trong tỉnh thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Mô hình trồng rừng kinh tế của thanh niên xã Việt Cường (Trấn Yên).
|
ông Kiều Tư Giang - Chi cục trưởng Chi cục lâm nghiệp cho biết: "Trong những năm qua tỉnh vận động nhân dân đẩy mạnh việc trồng rừng, giao đất, giao rừng cho người dân quản lý. Thông qua các chương trình, dự án trồng rừng như: Dự án 661; chương trình trồng rừng kinh tế cho các huyện miền Tây... mà diện tích rừng của Yên Bái ngày càng tăng. Hiện nay việc rà soát quy hoạch 3 loại rừng đã hoàn thành, sau khi rà soát toàn tỉnh có 253.707 ha rừng trồng, tăng gần 50.000 ha, toàn bộ diện tích này sẽ tiếp tục được giao cho dân để trồng rừng kinh tế". Có thể nói, trồng rừng và phát triển rừng là lợi thế của tỉnh. Công tác trồng rừng đã được các ngành, địa phương chỉ đạo sát sao, việc trồng rừng đã được quy hoạch tập trung thuận lợi cho chăm sóc, quản lý, khai thác. Mỗi năm toàn tỉnh trồng mới trên 10.000 ha.
Năm 2007 là năm có số diện tích lớn nhất với 15.000 ha và kế hoạch năm 2008 là 16.000 ha. Trong đó, các giống keo, bạch đàn mô được người dân ưa chuộng nhất bởi tính kinh tế mà nó mang lại. Thời gian qua, Chi cục lâm nghiệp đã nhập nhiều giống keo, bạch đàn mới có chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu của tỉnh, đặc biệt là giống keo lai. Theo một cán bộ của Chi cục, chỉ sau 6-7 năm 1 ha keo có thể cho thu từ 70-80 khối gỗ nếu chăm sóc tốt có thể đạt 120 khối, trừ chi phí mỗi ha người dân có thể lãi từ 45-50 triệu đồng. Đối với cây bạch đàn mô, tuy có chu kỳ dài hơn cây keo (từ 7-8 năm một chu kỳ) nhưng do có thể tái sinh chồi nên sau khai thác người dân không phải trồng lại.
Tháng 8 này là mùa cao điểm, nông dân các địa phương đang tích cực tiến hành mùa trồng rừng. Từ thị trấn Yên Bình ngược lên các xã ven quốc lộ 70 Tân Hương, Cảm Ân, Bảo Ái... nơi phát triển các mô hình trồng rừng mạnh nhất của huyện Yên Bình, hầu như người dân không có thời gian nhàn nhã. Anh Nguyễn Văn Tài - Trạm Kiểm lâm Cảm Ân dẫn chúng tôi thăm các mô hình trồng rừng kinh tế của xã, nhiều ngôi nhà vắng bóng người do nhiều ngày đêm ở trong trang trại.
Ông Hoàng Ngọc Thơm ở xã Cảm Ân sở hữu 26 ha đất rừng, trong đó có gần 10 ha keo cho biết: "Trong khoảng 5 năm trở lại đây khi gỗ rừng trồng lên giá, người dân bắt đầu mặn mà với từng tấc đất. Trước kia nhà nước giao đất rừng cho chẳng ai quan tâm, giờ thì không còn đất mà nhận, đâu đâu cũng đã được phủ xanh bằng keo, bạch đàn cả rồi". Anh Tài cho biết thêm: trong một đến 2 năm đầu khi mà rừng chưa khép tán người dân có thể trồng sắn, ngô, lúa nương... Với giá nông sản tăng cao như hiện nay mỗi ha người dân có thể thu được trên 10 triệu đồng/năm.
Trang trại của gia đình Lê Văn Lưu- thôn 11 xã Động Quan (Lục Yên) hiện có 20 ha rừng keo từ 4 đến 6 năm tuổi. Anh Lưu cho biết: năm 2000, Lâm trường Lục Yên thực hiện chủ trương giao đất, khoán rừng cho người lao động, anh bàn với vợ nhận 20 ha đất đồi rừng để trồng keo. Được cán bộ khuyến nông huyện hướng dẫn kỹ thuật, hai vợ chồng ngày đêm dốc sức, phá hoang từng mét đất, làm vườn ươm cây giống, kiên nhẫn trồng từng vạt rừng trên nền đất sỏi. Do vốn ít nên mỗi năm anh trồng một ít, kết hợp với trồng cây lương thực lấy ngắn nuôi dài. Năm tháng trôi qua, những vạt rừng keo phát triển xanh tốt đã dần thay thế những quả đồi trọc ngày nào. Nhờ trồng rừng mà anh Lưu đã vươn lên trở thành triệu phú với thu nhập từ 40-50 triệu đồng/ năm.
Kinh tế đồi rừng đang trở thành một hướng đi tích cực trong việc xoá đói giảm nghèo cho người dân trong tỉnh. Quan trọng hơn, người dân đã nhận thức được giá trị kinh tế và vai trò của rừng đối với đời sống.
Anh Dũng
Các tin khác
Các DN sản xuất phôi thép gồm Công ty Gang thép Vạn Lợi, Đình Vũ, Hưng Tài và Thép Việt đã có công văn gửi các cơ quan chức năng đề nghị tìm cách tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành chỉ thị về việc chấn chỉnh hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân.
Đây là chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng - Trưởng ban Chỉ đạo đổi mới và Phát triển DN (BCĐ ĐMPTDN) tại buổi làm việc với ban ngày 29.8.
Chính phủ thông báo sẽ giữ các mặt hàng thiết yếu như điện, nước sạch, than ổn định đến hết năm 2008. Riêng với xăng Nhà nước không bù lỗ.