Bạch Hà còn đó nhiều nỗi lo
- Cập nhật: Thứ hai, 22/9/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Hơn một tháng sau khi cơn bão số 4 đi qua, chúng tôi trở lại xã Bạch Hà, huyện Yên Bình (Yên Bái)- một địa phương chịu nhiều mất mát về cả người và tài sản. Trên các cánh đồng những giọt mồ hôi của người dân đang đổ xuống để cải tạo lại những diện tích bị vùi lấp, chăm sóc lúa mùa, chuẩn bị đất cho vụ đông. Cuộc sống đã dần ổn định, nhưng vẫn còn đó những khó khăn chưa thể khắc phục trong một sớm một chiều.
Người dân thôn Ngòi Sen đang cải tạo lại đồng ruộng.
|
Ông Nguyễn Văn Lập - Chủ tịch UBND xã Bạch Hà cho biết: "Ngay sau khi cơn bão đi qua, nhân dân xã Bạch Hà bắt tay ngay vào khắc phục thiệt hại. 8 hộ dân bị sập nhà đã được chuyển đến nơi ở mới, được trợ cấp gạo, thuốc men, quần áo để ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, khó khăn nhất với bà con nông dân ở đây đó là việc khôi phục sản xuất. Nhiều công trình thuỷ lợi bị hư hỏng nặng, 36 ha lúa bị cát sỏi vùi lấp...". Trước mắt chúng tôi là công trình thuỷ lợi Phai Thao, thuộc thôn Phai Thao là công trình phục vụ tưới nước cho 10 ha lúa của thôn, dài hơn 1km đã trở nên hoang tàn đổ nát. Phần đập bị vùi lấp hoàn toàn ước tính gần 600 m3, chưa thể khắc phục, xã đã chỉ đạo nhân dân tạm thời nắn dòng, dẫn nước từ các khe núi trực tiếp vào đoạn kênh phía sau đập nhưng chỉ đáp ứng được một phần nước tưới. Ngoài ra, còn hai công trình bị cát đá vùi lấp nhiều đoạn với gần 300m chưa thể khắc phục là thuỷ lợi phai Vực Miếu và phai Nhiên. Việc khắc phục các công trình thuỷ lợi này nằm ngoài khả năng của xã. Với tình hình này vụ đông sắp tới sẽ có khoảng 30 ha thiếu nước.
Nỗi lo thứ hai của Bạch Hà hiện nay là 36 ha lúa mùa bị cát sỏi vùi lấp, không những mất trắng mà diện tích này cũng khó có thể khắc phục hoàn toàn kịp cho sản xuất vụ đông. Hơn một tháng qua, người dân Bạch Hà đã phải gồng mình san gạt đất đá cải tạo lại đồng ruộng. Tới tận thời điểm trung tuần tháng 9, trên cánh đồng Ngòi Sen thuộc thôn Ngòi Sen, người dân vẫn đang nỗ lực cải tạo đồng ruộng.
Lấy khăn lau những giọt mồ hôi lấm tấm trên khuôn mặt cháy nắng, ông Phạm Quốc Hoàn, thôn Ngòi Sen cho biết: "Ngay khi nước rút vợ chồng tôi bắt tay cải tạo lại ruộng nước, nhưng hơn một tháng mới làm được 3 sào, vẫn còn 3 sào nữa, chắc là không kịp cấy vụ đông". Trong thôn, nhiều hộ có điều kiện hơn đã thuê máy ủi để san gạt đất đá, bà Bùi Thị Lác cùng thôn cho biết: "Nhà có 8 sào bị vùi lấp, hiện đã khắc phục được 7 sào, tôi phải thuê máy ủi với giá 370 nghìn đồng/1 giờ để san gạt. Mất khá nhiều tiền, nhưng vay mượn cũng phải làm".
Thôn Ngòi Sen có 8,4 ha lúa nước bị đất đá vùi lấp, hơn một tháng qua, bằng nỗ lực của mỗi người dân, diện tích này cơ bản đã khắc phục song kịp thời cho sản xuất vụ đông. Tuy nhiên, Bạch Hà vẫn còn nhiều diện tích chưa thể khắc phục, trong đó thôn Ngọn Ngòi nghiêm trọng nhất. Là một thôn có 100% người Dao sinh sống, với 120 hộ dân nhưng chỉ có 20 ha lúa. Trong đó có 7,5 ha bị vùi lấp không thể khắc phục, xã chủ trương vận động nhân dân tra ngô ngay trên diện tích này, sau đó sẽ khắc phục dần dần.
Với có 155 ha lúa nước, hàng năm số diện tích được người dân Bạch Hà chuyển đổi làm vụ đông 126 ha. Tuy nhiên đến thời điểm này xã mới khắc phục đuợc 10 ha trên 36 ha bị cát, sỏi vùi lấp. Bên cạnh đó, nông dân phải đối mặt với tình trạng thiếu nước do các công trình thuỷ lợi vụ hư hỏng chưa thể khắc phục kịp thời. Thêm vào đó, tình trạng giá vật tư, phân bón, giống tăng cao đè nặng lên vai người nông dân.
Bà Trần Thị Mai vừa mua ngô giống về cho biết: "Nhà tôi có 4 sào bị vùi lấp, đến hôm qua mới san gạt xong, hôm nay đi mua mấy cân ngô giống để tra nhưng mà đắt quá, 75 nghìn đồng/1 kg giống LVN10, gấp đôi năm ngoái rồi!. Bây giờ tôi vẫn còn nợ Hội Nông dân xã 900 nghìn tiền phân bón, nhưng lúa mất trắng lấy gì trả. Ở nông thôn không có nghề phụ chỉ trông vào cây lúa, cây ngô, giờ không biết làm sao nữa?".
Để đảm bảo lương thực, dưới sự chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền,vụ đông sắp tới nông dân xã vẫn dồn hết sức để đảm bảo diện tích trong khả năng có thể. Mong muốn của người dân lúc này là có sự hỗ trợ của nhà nước để có kinh phí cải tạo ruộng nước, bắt tay vào sản xuất vụ đông, tránh khả năng bị đói tháng 3 ngày 8 năm sau.
Anh Dũng
Các tin khác
Ngày 20/9, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú đã ký quyết định đình chỉ toàn bộ việc bán xăng pha ethanol trên tất cả các điểm bán. Quyết định này có hiệu lực ngay từ ngày ký.
YBĐT - Cây Sơn tra hay còn gọi là cây “táo mèo” - một loại cây mọc tự nhiên thành rừng và xen với diện tích rừng tự nhiên trên những đỉnh núi cao. Không biết cây sơn tra có xuất xứ ở đâu, nhưng từ rất lâu rồi nó như là người bạn tri kỷ của người Mông Yên Bái. Cứ ở đâu có đồng bào Mông sinh sống là ở đó có cây sơn tra, không biết có phải thế không mà người ta gọi nó là cây “táo mèo”!
Theo báo cáo chưa đầy đủ của Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT, thời gian qua tình hình phân bón diễn biến phức tạp. 80-90% phân bón kém chất lượng được phát hiện thuộc về phân bón vô cơ.
YBĐT - Lũ đã qua đi hơn một tháng, nhưng hàng chục công trình thủy lợi ở Yên Bái bị lũ phá hỏng vẫn chưa được khôi phục. Hàng ngàn ha lúa đang thời kỳ chắc hạt đỏ đuôi rất cần nước, vậy mà chỉ phụ thuộc vào lượng nước mưa tự nhiên, ảnh hưởng tới năng suất là điều khó tránh khỏi. Một vụ đông sắp đến và vụ đông xuân 2008-2009 cận kề phía trước cũng không thể thiếu nước.