Báo động chất lượng phân bón trên thị trường
- Cập nhật: Chủ nhật, 21/9/2008 | 12:00:00 AM
Theo báo cáo chưa đầy đủ của Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT, thời gian qua tình hình phân bón diễn biến phức tạp. 80-90% phân bón kém chất lượng được phát hiện thuộc về phân bón vô cơ.
Thị trường phân bón thật giả khó lường, nông dân lãnh đủ.
|
Tính từ đầu năm 2008 đến nay, các cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý trên 200 vụ vi phạm, số lượng phân bón các loại bị tạm giữ và xử lý khoảng 2.000 tấn.
Các vi phạm chủ yếu là sản xuất hoặc kinh doanh phân bón có chất lượng thấp hơn mức đã công bố, kinh doanh phân bón kém chất lượng, quá hạn sử dụng, vi phạm về nhãn hàng hóa, không niêm yết giá bán, không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Trong đó vi phạm về chất lượng là chủ yếu, trở thành vấn đề nổi cộm. Có tới 40-50% số mẫu giám định có chất lượng thấp hơn mức đã công bố, chất có ích (N, P, K…) trong hỗn hợp đạt không quá 40%, có mẫu đạt rất thấp so với mức đã công bố.
Đặc biệt có công ty sản xuất sản phẩm phân NPK có hàm lượng dinh dưỡng đăng ký 51% nhưng kiểm tra thực tế của cơ quan chức năng chỉ có 2,94%.
Liên quan đến tình trạng bát nháo trên thị trường phân bón hiện nay, trả lời câu hỏi của Tiền phong Online, ông Nguyễn Hùng Dũng, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương cho biết hàng phân bón giả, kém chất lượng xuất hiện nhiều và rộng trên thị trường thời gian qua có nguyên nhân chính là do giá phân bón tăng cao.
Số liệu thống kê không chính thức cho thấy khoảng 80-90% phân bón kém chất lượng thuộc về phân bón vô cơ. Phần lớn các loại phân bón này là của doanh nghiệp có quy mô sản xuất nhỏ, không chú trọng đến việc xây dựng thương hiệu, chỉ thành lập và hoạt động trong thời gian ngắn kiếm tiền rồi giải thể, trốn thuế và thành lập doanh nghiệp mới để sản xuất kinh doanh phân bón.
Các loại phân kém chất lượng thường được tiêu thụ tại Tây Nguyên và một số tỉnh thuộc Đồng bằng Sông Cửu Long.
Phạt nhẹ, doanh nghiệp "nhờn"
Đại diện Cục Quản lý thị trường cũng cho biết vấn đề “vướng” đối với các cơ quan quản lý và cả người tiêu dùng là khái niệm hàng giả và chất lượng đến đâu để quy vào hàng giả để xử lý hình sự.
Hiện mới xử lý theo khung hàng kém chất lượng, nhưng kém chất lượng đến đâu là hàng giả thì chưa rõ. Các văn bản pháp luật về quản lý phân bón cũng chưa quy định cụ thể chất lượng thấp ở mức độ nào là kém chất lượng và đến mức nào là phân bón giả.
"Về phía cơ quan chức năng, lực lượng quản lý thị trường, theo phân công kiểm tra trên khâu lưu thông, khi phát hiện dấu hiệu vi phạm về chất lượng phân bón, phân giả, nhái nhãn mác thì mới vào doanh nghiệp kiểm tra trong khi kinh phí kiểm định, phân tích mẫu phân bón vi phạm khá tốn kém, do vậy ảnh hưởng đến hiệu quả kiểm tra"- Ông Dũng lí giải.
Một vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng là chế tài xử phạt về chất lượng phân bón chưa đủ sức răn đe (cao nhất là 20 triệu đồng) nên doanh nghiệp đã bị xử phạt lại tiếp tục vi phạm. Cùng với đó không có hình thức xử phạt bổ sung là thu hồi giấy chứng nhận kinh doanh nên các doanh nghiệp khá coi thường, và “nhờn” khi bị phạt.
Ông Dũng cũng cho rằng khái niệm về hàng giả và đấu tranh chống hàng giả còn nhiều vấn đề chưa rõ ràng. Sắp tới phải rà soát để ghép được kiểm tra, kiểm soát hàng giả theo Nghị định 06 và những nghị định liên quan đến luật sở hữu trí tuệ để QLTT, công an, hải quan… xác định rõ được hành vi, phân định rõ thế nào là hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ và lồng ghép hàng vi phạm sở hữu trí tuệ vào nghị định mới như thế nào để xử lý được.
Trước diễn biến phức tạp của thị trường phân bón, lãnh đạo Bộ Công Thương đã có văn bản, ngày 20/9, gửi các địa phương chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra phát hiện xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, đo lường xuất xứ theo quy định đối với tất cả các cơ sở sản xuất kinh doanh phân bón, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Trong trường hợp phát hiện sẽ công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng tất cả các cơ sở có hành vi vi phạm để nhân dân biết và phối hợp với cơ quan chức năng giám sát, kiểm tra xử lý.
Theo dự báo của Bộ NN&PTNT, nhu cầu phân bón phục vụ nông nghiệp năm 2008 là 8,3 triệu tấn trong đó sản xuất trong nước chỉ đáp ứng khoảng 5,4 triệu tấn và nhập khẩu khoảng 2,9 triệu tấn. Trong 8 tháng đầu năm sản xuất trong nước được 3,7 triệu tấn và nhập khẩu ước khoảng 2,4 triệu tấn. |
(Theo TPO)
Các tin khác
YBĐT - Lũ đã qua đi hơn một tháng, nhưng hàng chục công trình thủy lợi ở Yên Bái bị lũ phá hỏng vẫn chưa được khôi phục. Hàng ngàn ha lúa đang thời kỳ chắc hạt đỏ đuôi rất cần nước, vậy mà chỉ phụ thuộc vào lượng nước mưa tự nhiên, ảnh hưởng tới năng suất là điều khó tránh khỏi. Một vụ đông sắp đến và vụ đông xuân 2008-2009 cận kề phía trước cũng không thể thiếu nước.
Gần như toàn bộ các thị trường chứng khoán trên thế giới đã bật dậy sau khi tuột dốc trong các phiên trước đó. Cam kết sẽ đưa ra một gói giải pháp tổng thế vực dậy thị trường tài chính của Bộ Tài chính và Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và các nỗ lực chung của ngân hàng trung ương các nước trong 2 ngày qua đã khiến các nhà đầu tư kỳ vọng vào một sự khởi sắc của thị trường vào tuần sau.
YBĐT - Những ngày tháng 9, không khí lao động sản xuất ở các xã vùng lũ Văn Yên đang rất khẩn trương. Người dân tập trung chăm sóc lúa mùa, trồng ngô trên những diện tích bị thiệt hại sau lũ và chuẩn bị sản xuất vụ đông. Đồng đất nơi lũ đi qua, lại sinh sôi bởi bàn tay và ý chí của con người...
Hiện nay ngành tài chính đang thiếu một hệ thống tổng thể, trong đó bao gồm những hệ thống tác nghiệp lớn của ngành để tạo nền tảng hướng tới chính phủ điện tử, ông Đặng Đức Mai, Cục trưởng Cục Tin học thống kê, Bộ Tài chính cho biết.