Giới Phiên nghề làm miến đang mai một
- Cập nhật: Thứ ba, 9/12/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Nghề làm miến Giới Phiên (Trấn Yên) đang mai một dần. Đó là tin rất buồn với những người đã từng biết tới làng nghề Giới Phiên với sản phẩm nổi tiếng miến đao sợi trắng, nấu lên không nhão, ăn dai và rất ngon. Mới cách đây có vài năm, huyện Trấn Yên đã quyết tâm xây dựng thương hiệu cho thứ đặc sản của địa phương mình.
Nông dân xã Phúc Lộc (thành phố Yên Bái) làm miến cung ứng cho thị trường Tết Nguyên đán Kỷ Sửu.
(Ảnh: Trường Phong)
|
Theo ông Nguyễn Thạc Tác - Phó chủ tịch UBND xã Giới Phiên thì lúc hưng thịnh nhất, cả xã có tới gần 100 hộ làm miến, bếp lò rực lửa, bàn ép quay kèn kẹt, phên miến mới ép toả khói nghi ngút. Được nắng, sợi miến trắng tinh, từng con miến nhỏ bó thành đống. Chiều chiều xe máy, ô tô tấp nập chở miến đi khắp các vùng trong và ngoài tỉnh. Sản lượng có năm đạt trên 300 tấn miến.
Vào dịp cuối thu, đầu đông, nắng hanh và gió nhẹ là thời điểm làm miến thích hợp nhất vì phơi miến nhanh khô. Tết đến, xuân về, lễ hội, đình đám nhiều nên nhu cầu dùng miến rất cao, trong làng, ngoài xã nhà nhà đua nhau làm miến. Hai bên quốc lộ 32C được phủ kín những phên miến vuông vắn thẳng lối ngay hàng nhìn rất thích mắt. Hôm nay làng Giới Phiên vẫn đó nhưng hầu hết ruộng đao ngày nào đã được thay bằng ngô, lúa, rau hoặc đắp ao thả cá. Chỉ còn 35 nhà làm miến nhưng với quy mô kém hẳn trước. Những giàn phơi miến, xiêu vẹo bỏ mặc nắng mưa, những phên nứa ọp ẹp dùng làm phên giậu, cả những chiếc máy ép tiền triệu cũng chỏng chơ ngay đầu nhà…
Xã Phúc Lộc phía dưới còn thê thảm hơn và số hộ còn duy trì làm miến là 9 hộ. Gia đình ông Nguyễn Danh Trường - Trưởng thôn 6 xã Giới Phiên làm dịch vụ cung cấp bột, thời điểm này mọi năm đã bán ra 300 tấn hàng, còn năm nay cộng đi cộng lại mới được 90 tấn.
Đâu là nguyên nhân khiến nghề làm miến ở Giới Phiên mai một? Câu hỏi này đều được người làm miến ở Giới Phiên cho rằng giá bán rất hạ, làm ra không có lãi. “Giá bột, tám nghìn rưỡi một cân, giá miến chưa nổi hai mươi nghìn đồng, còn công, còn củi, còn hao mòn máy móc nữa. Làm vậy, công không đạt, chuyển nghề mới thôi!”. Đó là giải thích chung nhất mà chúng tôi ghi nhận được ở Giới Phiên. Tìm hiểu cặn kẽ hơn thì được một bác giải thích: “Đã gọi đặc sản thì không thể làm theo phong trào, chạy theo số lượng được. Không có nguồn nguyên liệu, mua bột trôi nổi thì làm sao có miến ngon. Người Giới Phiên không trồng đao nữa vì giá trị kinh tế không cao và làm rất tốn sức, mà có muốn trồng cũng không được nữa. Bao đời luân canh cây đao nên nó không cho nhiều củ, củ không nhiều bột, đành lòng chuyển sang trồng ngô, khoai… Muốn làm miến thì dân tự đi mua bột về mà ép”. Rất nhiều thương lái, rất nhiều người tiêu dùng đang kêu ca rằng: vì ham năng suất nên bây giờ sợi miến quá to, bột lại không chuẩn nên nấu bát canh, sợi miến nở quá to nhìn vừa không bắt mắt, ăn vào ngoài nhão, trong cứng, kém ngon hơn hẳn trước kia.
Gia đình anh chị Vững - Huệ ở thôn 6 là một trong số rất ít gia đình ở Giới Phiên vẫn duy trì đều đặn nghề làm miến và anh chị còn nhận được sự hỗ trợ của huyện Trấn Yên đầu tư máy ép và kéo phên tự động rất hiện đại, cho năng suất và chất lượng miến rất cao. Trước sự đi xuống của nghề làm miến, anh cũng rất buồn và tâm sự: “Làm nghề lâu năm, tôi hiểu miến Hà Tây có loại ngon hơn mình nhưng phần đa là không bằng miến Giới Phiên. Nguồn bột ở huyện Văn Chấn hay Sơn La, Hà Tây hay bột Trung Quốc cũng có loại tốt, loại xấu. Rất có thể nhiều nhà là mua bột không tốt về làm nên đã ảnh hưởng đến chất lượng và tiếng tăm của miến Giới Phiên. Giá miến đang thấp, nghề miến đang khó khăn nhưng gia đình tôi và nhiều hộ khác vấn duy trì nghề miến truyền thống. Hạch toán chặt chẽ, tổ chức chế biến tốt, miến làm ra chất lượng cao, chúng tôi tin thương hiệu miến Giới Phiên lại nổi tiếng, nghề làm miến lại phát đạt”.
Dự án phát triển làng nghề truyền thống và xây dựng thương hiệu miến Giới Phiên của huyện Trấn Yên đang đi đúng hướng. Năm nay phần vì nền kinh tế nói chung gặp khó khăn, lại cộng thêm việc tách nhập Giới Phiên từ Trấn Yên về thành phố Yên Bái, mong rằng các cấp chính quyền thành phố Yên Bái tiếp tục có sự quan tâm để phát triển làng nghề và thương hiệu nổi tiếng của quê hương.
Lê Phiên
Các tin khác
Sản lượng tiêu thụ tháng 11/2008 đạt mức thấp nhất kể từ đầu năm và giảm tới gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái, thị trường ôtô sản xuất lắp ráp trong nước đã bước vào cơn khủng hoảng trầm trọng, bất chấp đây là thời điểm nhu cầu mua sắm cuối năm thường tăng cao, cũng như việc các hãng ồ ạt khuyến mại giảm giá...
YBĐT - Vừa tròn 30 tháng chính thức đi vào hoạt động, với tổng số 80 nhân viên; tham gia khảo sát, lập dự án đầu tư 16 công trình; thiết kế bản vẽ thi công 13 công trình; lập báo cáo kinh tế kỹ thuật 79 công trình; đem lại tổng doanh thu trên 8 tỷ đồng; đóng góp cho ngân sách của tỉnh trên 700 triệu đồng... Đó là những con số ban đầu về Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng công trình giao thông 1 Yên Bái (Tecco1) dưới sự điều hành của Giám đốc - Chủ tịch HĐQT Trần Việt Hùng.
YBĐT - Nhằm giúp hội viên từng bước nâng cao thu nhập, Hội LHPN huyện Trạm Tấu (Yên Bái) đã chỉ đạo hội phụ nữ các xã khảo sát, lập danh sách hộ nghèo do phụ nữ làm chủ, đồng thời xây dựng kế hoạch hướng dẫn, thành lập mô hình điểm ở các xã, trực tiếp giúp đỡ những hội viên nghèo. Phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình đã được triển khai rộng khap trong các cơ sở hội toàn huyện.
YBĐT - Cách trung tâm huyện Văn Chấn (Yên Bái) khoảng hơn 40 km, theo tuyến đường đi huyện Mù Cang Chải là đến xã Gia Hội. Gia Hội là một xã thuần nông và thuộc khu vực đặc biệt khó khăn. Những năm gần đây Đảng bộ xã đã mạnh dạn vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa các giống lúa, giống ngô có năng suất, giá trị kinh tế cao vào sản xuất, đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất nông nghiệp.