Tú Lệ làm gì để xóa đói, giảm nghèo?
- Cập nhật: Thứ sáu, 19/12/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Từ một xã khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo đói luôn dẫn đầu trong huyện, nhưng hôm nay xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn (Yên Bái) đã có nhiều đổi thay, trung tâm xã đã trở thành thị tứ sôi động, bộ mặt nông thôn khởi sắc. Những kết quả đó thật đáng trân trọng và khích lệ, song bên cạnh đó Tú Lệ vẫn còn nhiều việc phải làm, số hộ nghèo, đói vẫn còn cao, nền kinh tế-xã hội phát triển chưa vững chắc.
Nếp Tan một đặc sản của xã vùng cao Tú Lệ.
|
Tú Lệ một thời được gọi là “vương quốc” của cây thuốc phiện, thuốc phiện được khắp trên cánh đồng, đồi, núi cứ nơi nào có đất là người dân lại trồng. Mỗi mùa hoa thuốc phiện qua đi, nó lại làm cho người dân nơi đây nghèo khó thêm, không biết có bao nhiêu thanh niên tuấn tú, khoẻ mạnh là thế mà mặt cứ xanh xao, vàng vọt dần bởi ám khói thuốc phiện! Những ngôi nhà sơ xác, điêu tàn, cuộc sống đói khổ cũng vì thuốc phiện. Phụ nữ có, ông già, bà cả đến các thanh niên, thậm chí cả các cô thiếu nữ xinh tươi căng tràn sức sống đều nằm co bên bộ bàn đèn hút thuốc phiện thâu đêm suốt sáng.
Những năm đầu thập kỷ 90 Nhà nước có một quyết định lớn mang tầm chiến vùng cao là xoá bỏ trồng cây thuốc phiện. Ngay sau khi thực hiện xoá bỏ cây thuốc phiện, huyện, xã vận động nhân dân tập trung vào phát triển sản xuất nông-lâm nghiệp cây và chăn nuôi. Tỉnh và huyện thực hiện chính sách hỗ trợ giống, cây con, phân bón và các mặt hàng thiết yếu. Bên cạnh đó huyện cử cán bộ khuyến nông đến xã, thôn bản, hướng dẫn kỹ thuật trồng và thâm canh lúa nước, đưa các giống lúa lai phù hợp với thổ nhưỡng vào gieo cấy và cách phòng trừ sâu bệnh.
178 ha lúa ruộng đã được gieo cấy bằng giống lúa lai năng suất cao, cùng với việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật, mức đầu tư thâm canh tốt hơn, nhờ vậy năng suất lúa ngày một nâng lên. Nếu như những năm 1990 năng suất lúa chỉ đạt 32 tạ/ha, thì nay đã nâng lên 45-50 tạ/ha. Cái được lớn nhất trong sản xuất nông nghiệp ở Tú Lệ là từ một địa phương có hàng trăm ha lúa chỉ cấy một vụ, tập quán canh tác lạc hậu, manh mún thì nay đã cơ bản xoá được ruộng một vụ.
Vừa phát triển cây lúa, nhân dân trong xã còn trồng ngô, đậu tương với diện tích hàng trăm ha góp phần giải quyết lương thực vùng cao; chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển, đàn trâu, bò, lợn tăng theo từng năm. Những cố gắng trong phát triển kinh tế-xã hội đời sống nhân dân đã được nâng lên rõ rệt, nhiều hộ dân đã có nhà xây giá trị hàng trăm triệu đồng; xe máy, ti vi, tủ lạnh đã hiện diện trong nhiều hộ gia đình. Trung tâm cụm xã đã hình hài của một thị tứ vùng cao sôi động, nơi giao lưu hàng hoá của nhân dân trong vùng.
Mặc dù đã có nhiều cố gắng, song về cơ bản Tú Lệ vẫn là một xã nghèo, kinh tế phát triển chưa thật sự vững chắc, đời sống của một số hộ dân, nhất là các hộ đồng bào dân tộc còn nghèo lắm. Nhiều hộ gia đình trong nhà không có nổi yến gạo ăn nhưng cũng cố gắng vay mượn, thậm chí vay cả vốn tín dụng để mua bằng được chiếc xe để đi cho oai.
Những cái gọi là giầu có ở đây nhiều người ví đó là sự giầu có của một thời kinh tế "tự nhiên"! Nền kinh tế "tự nhiên" đó là nông lâm thổ sản ở trên rừng mà người dân đã khai thác, chặt phá. Đến nay rừng đã cạn kiệt buộc phải làm, phải sản xuất thì một phần ngại khó, một phần thiếu kiến thức, tư liệu sản xuất. Tú Lệ được tạo hoá ban tặng cho đất đai, khí hậu tuyệt vời cùng giống nếp tan làm nức lòng bao người. Giá một kg gạo nếp tan Tú Lệ cao gần gấp đôi gạo nếp thường vậy mà người dân đâu có sản xuất.
Để xoá đói giảm nghèo thiết nghĩ xã cần chỉ đạo nhân dân tiếp tục đầu tư thâm canh diện tích lúa nước. Trong chăn nuôi chú trọng chăn nuôi theo hướng hàng hoá, lợn siêu nạc, bò bán công nghiệp. Đối với các hộ đồng bào dân tộc nhất là người Mông, Thái xã cần phối hợp với cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật thâm canh lúa nước, trồng rừng và chăn nuôi. Bảo vệ và phát triển tốt diện tích rừng hiện có, những diện tích đất trống, đồi núi trọc vận động nhân dân trồng rừng kinh tế, phát triển chè Shan giam cành.
Trong thâm canh lúa nước đưa các giống lúa lai vào sản xuất một phần diện tích để đảm bảo an ninh lương thực. Những diện tích gieo cấy lúa nếp tan đặc sản nên quy hoạch và phát triển thành vùng tạo khối lượng hàng hoá lớn. Gieo cấy lúa nếp tan tuy năng suất thấp nhưng hiệu quả kinh tế lại rất cao do vậy phát triển giống lúa đặc sản này là một hướng đi phù hợp.
Huyện Văn Chấn đã và đang thực hiện dự án phục tráng giống lúa nếp này khá hiệu quả đó là tiền đề cho phát triển lúa, gạo hàng hoá. Cái chính là trong những năm qua người dân Tú Lệ chưa làm giầu từ giống lúa nếp đặc sản này là mạnh ai người ấy làm, làm không có quy hoạch, manh mún. Chính từ những yếu tố đó lúa nếp Tú Lệ rất ngon và đã trở thành một thương hiệu mạnh nhưng vẫn không thể trở thành hàng hoá lớn.
Giải quyết tốt những vấn đề nêu trên cùng với sự cần cù lao động của bà con nông dân chắc chắn Tú lệ sẽ thành công trong công cuộc xoá đói giảm nghèo, tiến tới xây dựng nông thôn mới.
Thanh Phúc
Các tin khác
YBĐT - Ngày 19/12/2008, Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị Ban chỉ đạo Kinh tế tập thể tỉnh lần thứ 5, Ban chấp hành Liên minh HTX tỉnh lần thứ 2 khóa II (nhiệm kỳ 2008-2013).
YBĐT - Những năm qua, Công ty Xổ số kiến thiết Yên Bái đã chú trọng mở rộng các đại lý bán vé số ở hầu khắp các khu vực đông dân cư ở tất cả các địa phương trong tỉnh.
YBĐT - Huyện Văn Yên (Yên Bái) luôn xác định việc phát triển giao thông nông thôn là mục tiêu quan trọng nhằm tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, trong những năm qua, cùng với sự đầu tư hỗ trợ của Nhà nước, các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện không ngừng tuyên truyền vận động nhân dân tham gia xây dựng, nâng cấp các tuyến đường liên xã, liên thôn bản.
YBĐT - Mậu Đông là một trong những xã có diện tích trồng sắn công nghiệp nhiều của Văn Yên (Yên Bái), cây sắn đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển của xã trong những năm gần đây, nhưng hiện tại sắn rớt giá khiến nông dân như ngồi trên đống lửa.