Đầu xuân ngày hội xuống đồng

  • Cập nhật: Thứ tư, 4/2/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Ngày mồng bảy tết, người dân ở trung tâm thành phố Yên Bái nườm nượp theo quốc lộ 32 C đổ về Hiền Lương (huyện Hạ Hoà, tỉnh Phú Thọ) để dự khai hội Đền Mẫu Âu Cơ. Tuy nhiên, dọc tuyến quốc lộ này qua các xã: Giới Phiên, Phúc Lộc (thành phố Yên Bái) và xã Minh Quân (huyện Trấn Yên) bà con lại nô nức xuống đồng gieo cấy lúa xuân.

Nông dân thôn Quyết Thắng, xã Y Can (Trấn Yên) ngay sau tết Nguyên đán tranh thủ cấy hết diện tích lúa xuân. (Ảnh: Thanh Miền)
Nông dân thôn Quyết Thắng, xã Y Can (Trấn Yên) ngay sau tết Nguyên đán tranh thủ cấy hết diện tích lúa xuân. (Ảnh: Thanh Miền)

Nhìn cảnh tượng ấy, khiến ta hình dung thấy nó chẳng khác gì hình ảnh ngày xuân nhà nông khắp nơi đang tưng bừng mở hội xuống đồng. Đây là một hình ảnh cũng khá mới mẻ trên đồng ruộng Yên Bái. Bởi vì, những năm trước đây, việc bà con tuân thủ lịch chỉ đạo gieo cấy không được chặt chẽ như bây giờ, khiến cho nhiều người cấy sớm ngay từ trong năm và không khí gieo cấy sau tết có phần tản mát. Hậu quả của việc không tuân thủ lịch chỉ đạo đã làm cho có năm gặp tiết trời rét đậm rét hại, lúa chết và tổn thất lớn về kinh tế cho nhà nông. Cũng từ tình hình thực tế như vậy, các địa phương luôn coi trọng tới công tác chỉ đạo sản xuất. Nông dân cũng qua thực tế đó mà rút ra cho mình những kinh nghiệm quý báu trong gieo cấy.

Nói như ông Trần Văn Nhàn ở thôn Hoà Quân, xã Minh Quân  là: "Bây giờ bà con biết sợ rồi, chẳng ai dám làm trái lịch chỉ đạo". Không chỉ tuân thủ lịch thời vụ mà bà con còn thực hiện rất tốt việc chống rét cho mạ bằng phủ ni lông, nên mạ không bị chết và nhánh mạ khoẻ khoắn. Hầu hết bà con bà con đều lựa chọn các giống lúa có sức đề kháng tốt với thời tiết, sâu bệnh để gieo cấy và chủ yếu là gieo mạ khay để ném, trừ một số ít bà con phải gieo mạ theo kỹ thuật dày xúc để cấy trên những chân ruộng lầy. Các xã: Giới Phiên, Phúc Lộc, Minh Quân, là các xã phải sử dụng nguồn nước tưới chủ yếu từ các trạm bơm, nhưng chính quyền các địa phương trên đều chỉ đạo tốt công tác thuỷ lợi để bảo đảm cho sản xuất.

Đến với thôn 4 xã Phúc Lộc, trưởng thôn Nguyễn Thành Đô và các ông: Nguyễn Công Nghiệp, Nguyễn Văn Thư...đang bừa ngỡn vui vẻ tâm sự: thời tiết sau tết có vẻ rất thuận lợi. Tiết trời cứ ấm áp thế này thì không sợ lúa chết và nếu không bị sâu bệnh thì vụ này chắc thắng lợi.

Vụ chiêm xuân năm 2009 nông dân khắp nơi trong tỉnh đã đặc biệt chú ý tới khâu chống rét cho mạ.


Đi tiếp theo tuyến đường từ xã Âu Lâu (thành phố Yên Bái), dọc lên đến xã Hoàng Thắng (Văn Yên), trên những cánh đồng rộng ở hai bên đường, cảnh tượng người bừa, người cấy, người gánh mạ, gánh phân cũng sôi động không kém. Đặc biệt là cánh đồng rộng ở thôn Thắng Lợi, xã Y Can (Trấn Yên), hầu như thửa ruộng nào trong ngày mồng bảy tết cũng có người lao động. Tiếng máy bừa rền vang, tiếng thúc trâu, tiếng cười đùa...lan toả khắp không gian nghe thật là vui.
Trò chuyện với bà con mới thấy rằng, lịch chỉ đạo chung là đẩy mạnh gieo cấy lúa xuân ngay sau tết Nguyên đán cho đến khoảng hai mươi tháng Giêng. Tuy nhiên, hầu như nhà nào cũng muốn kết thúc gieo cấy thật nhanh gọn đúng thời vụ.

Ông Đỗ Văn Liêm ở thôn Thắng Lợi, xã Y Can tâm sự: "Trong năm chúng tôi đã làm đất kỹ rồi và nghỉ tết đến mồng bốn, mồng năm thì cấy độ hai đến ba ngày là xong". Người dân ở thôn 3 và thôn 4 ở xã Minh Tiến (Trấn Yên) thì cấy đã cơ bản kín đồng. Bà con cho biết phải cấy nhanh để còn làm màu vụ xuân, bởi ở các thôn này có khá nhiều ruộng ở trên cao và vụ xuân thường heo nước nên bà con đã chuyển sang trồng một vụ màu.

Bà con ở xã Minh Bảo (thành phố Yên Bái), không có nhiều ruộng nhưng cũng cố gắng cấy xong sớm để còn chuyển sang trồng rừng, chăm sóc chè hoặc trở lại lao động trên các công trường xây dựng ở trung tâm thành phố...Và trong những toan tính công việc đầu xuân, vẫn hiện lên trên khuôn mặt mỗi người những nét rạng ngời khi vừa đón một cái tết thật an vui và đang tràn đầy hy vọng vào một vụ chiêm thật bội thu.

Hoàng Nhâm

Các tin khác

Bộ NN&PTNT cho biết, kế hoạch xuất khẩu gạo trong 2 tháng đầu năm 2009 có thể lên đến 900.000 tấn và nếu thực hiện đúng kế hoạch này, đây sẽ là mức xuất khẩu gạo cao nhất so với nhiều năm trước.

Người Mông ở xã Nà Hẩu (Văn Yên) giúp nhau làm nhà.

YBĐT - Ngày 20/7/2004, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 134/2004/TTg về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn. Đối với tỉnh Yên Bái, đối tượng thực hiện là các hộ dân tộc thiểu số nghèo quy định tại Quyết định 1143/2000/QĐ-LĐ-TB-XH của Bộ Lao động - Thương binh và xã hội về việc điều chỉnh chuẩn hộ nghèo giai đoạn 2001 - 2005 sinh sống bằng nghề nông lâm nghiệp chưa có hoặc chưa đủ đất sản xuất và khó khăn về nhà ở, nước sinh hoạt định cư và cư trú tại địa phương.

YBĐT - Xã Động Quan, huyện Lục Yên (Yên Bái) có điều kiện tương đối thuận lợi để phát triển kinh tế. Song, địa phương vẫn còn 8/16 thôn, bản khó khăn; trình độ dân trí không đồng đều; nền kinh tế của xã vẫn phát triển chậm. Làm thế nào để đưa kinh tế phát triển? Vẫn là một vấn đề mà Đảng bộ, chính quyền xã luôn trăn trở.

Ôtô và các loại linh kiện nằm trong nhóm hàng được giảm 50% thuế VAT.

Bộ Tài chính đã quyết định giảm một nửa thuế suất thuế giá trị gia tăng cho 19 nhóm mặt hàng, dịch vụ trong năm 2009. Trong đó, nhiều mặt hàng là nguyên liệu, thiết bị cho sản xuất, xuất khẩu.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục