Đất hoang không phụ công người

  • Cập nhật: Thứ hai, 23/2/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Phong trào phát triển mô hình kinh tế trang trại tổng hợp VACR đang là một hướng đi đúng, tích cực trải rộng khắp huyện Văn Yên (Yên Bái), góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế chung của toàn huyện.

Chị Sang đang chăm sóc những cây keo giống trong vườn ươm của gia đình.
Chị Sang đang chăm sóc những cây keo giống trong vườn ươm của gia đình.

Theo lời giới thiệu của Hội Nông dân huyện, chúng tôi tìm đến gia đình chị Nguyễn Thị Sang (thị trấn Mậu A) để tìm hiểu về cách làm kinh tế trang trại đầy táo bạo và cũng không thiếu sáng tạo của gia đình chị.

Con đường đất có bề rộng khoảng hơn 3m, dài gần 1km nối từ thị trấn lên khu trang trại của chị Sang được đầu tư 110 triệu đồng để thuê máy xúc, xe ủi và nhân công làm từ năm 2006. Theo chị: “Có con đường đó, đã giảm bớt được gánh nặng tài chính trong việc thuê người vận chuyển nông, lâm, thuỷ sản từ khu trang trại của chị đến nơi tiêu thụ. Kinh phí mở đường cũng chính là nguồn thu nhập từ trang trại để tái đầu tư”. Mới chỉ biết chừng ấy, chúng tôi đã hiểu được vì sao mọi người thường trêu chị là “người liều”, dám một mình mở đường lên chỗ vốn trước đây là đồi đầy cỏ dại, lau lách để “làm liều”.

Sinh năm 1959 trong một gia đình nông dân nghèo, thuở nhỏ, với mơ ước trở thành giáo viên, mang kiến thức đến cho nông dân, chị Sang đã phấn đấu học tập và trở thành một giáo viên mầm non. Tuy nhiên, cũng như rất nhiều gia đình nông thôn khác, thường xuyên phải đối mặt với những khó khăn, thiếu thốn đời thường, lại thấy thời đó đã bắt đầu có nhiều người bắt tay vào làm trang trại, trong chị nảy lên một suy nghĩ táo bạo là “Họ làm được, sao mình lại không?”.

Và rồi năm 1995, suy nghĩ ngày đêm nung nấu đó đã biến thành hành động. Kết hợp khoản tiền vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, chị đi vận động anh em, họ hàng cùng nhau chung vốn tham gia thầu diện tích đất đồi rộng 18 ha. Chị kể: “Lúc đầu vào thăm khu đất mới thấy mình hơi liều. Khung cảnh thì hoang vu, đất đồi toàn cây chè vè, cỏ dại tranh nhau mọc um tùm. Tôi cùng mọi người ngày thì phải lăn vào phát quang, ăn uống kham khổ, tối thì phải dựng bạt ngủ lại vì ngày đó còn chưa có đường đâu, đêm đi rừng cảm giác bất an lắm. Muỗi, kiến, vắt đủ cả, tranh nhau đốt thâm tím người. Sau một thời gian, thấy vất vả quá mà lại chưa có gì đảm bảo cho thu hoạch nên nhiều người bỏ ngang. Còn lại mỗi gia đình mình, tôi nghĩ cũng thấy hơi quá sức, nhưng chẳng lẽ lại bỏ, thế là cả gia đình cùng nhau bám trụ lại”.

 Chúng tôi vừa nghe chị tâm sự vừa đi tham quan trang trại “mênh mông” gồm 17 ha rừng trồng các loại cây: quế, keo (phần lớn diện tích đều đã có thể cho thu hoạch) và cây ăn quả (xoài Vân Du, hồng không hạt, vải thiều Lục Ngạn, nhãn lồng...) cùng với 5 ao cá có tổng diện tích gần 1 ha... mà thầm cảm phục quyết tâm của gia đình chị. Chính bằng công sức lao động của mình, anh chị cùng 4 người con đã có được thành quả xứng đáng vì thu nhập ổn định, hơn thế nữa, mọi khoản vay mượn đều đã được trang trải. Ngoài việc phát triển trang trại, chị còn học hỏi kỹ thuật từ sách báo và thông qua các lớp tập huấn kỹ thuật nông - lâm - ngư nghiệp do Hội Nông dân tổ chức để mạnh dạn mở thêm mô hình tự ươm giống các loại cây có trong trang trại để cung cấp giống cây trồng cho bà con nhân dân quanh vùng. Để đảm bảo nguồn nước, gia đình chị cũng đã đầu tư tiền của và công sức lao động vào việc làm một hệ 2 thống bể chứa lớn và đường ống dài gần 700m dẫn nước từ nguồn lạch trên đỉnh núi cao về phục vụ tưới tiêu.

Vào thời vụ, gia đình chị thường xuyên tạo công ăn việc làm cho trên 20 lao động là người địa phương với thu nhập bình quân 40 nghìn đồng/người/ngày. Chị nói: “Công việc giờ đã không còn vất vả như trước, cố thì vẫn làm hết được nhưng nghĩ cũng nên tạo điều kiện cho bà con có thêm thu nhập, cải thiện đời sống vì nhiều người còn khổ, còn vất vả hơn mình lắm”. Nhận xét về hội viên Nguyễn Thị Sang, bà Phạm Thị Kim Dung – Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho biết: “Chị Sang là người cần mẫn, dám nghĩ dám làm và sống rất trung thực, giản dị nên được bà con trong khu phố cùng mọi người quý mến. Chị chính là một điển hình nông dân làm kinh tế giỏi, vươn lên thoát nghèo của huyện Văn Yên”.

Được biết, với số lãi bình quân trên 100 triệu đồng/năm nhưng, nếu có thêm nhiều vốn, gia đình chị Sang còn có dự định sẽ nâng cấp hệ thống trang trại của mình nhằm mục tiêu “biến trang trại thành khu du lịch sinh thái” phục vụ nhu cầu ăn nghỉ của khách. Nghe đâu đã có người hỏi mua lại khu trang trại của chị với giá trên 2 tỷ đồng nhưng chị không đồng ý bán, chỉ với lý do đơn giản “Quen việc rồi, bán đi lấy gì mà làm, buồn lắm!”. Đúng là người có công, có quyết tâm thì đất hoang không bao giờ phụ người.

Thiên Cầm

Các tin khác

Liên tục được điều chỉnh giảm từ đầu giờ sáng, song đến 11h15 trưa nay 23/2 giá vàng trong nước vẫn duy trì 19,86 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng thế giới quy đổi khoảng 700.000 đồng/lượng.

Biểu dương những người có nhiều đóng góp cho công trình này.

Đúng 21 giờ tối 22/2, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, nguyên chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An cùng Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam đã cắt băng khánh thành đón nhận mẻ dầu đầu tiên mang thương hiệu Việt Nam từ NM lọc dầu Dung Quất.

Dầu khí là một trong những ngành được khuyến khích đầu tư ra nước ngoài

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa phê duyệt đề án "Thúc đẩy đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài", trong đó xác định cả các lĩnh vực ưu tiên cũng như giải pháp hỗ trợ nhằm thúc đẩy hoạt động này có hiệu quả ngay trong năm nay.

YBĐT - Năm 2006, tại một số huyện: Văn Chấn, Văn Yên, Yên Bình bắt đầu thực hiện “Chương trình SRI” – còn gọi là “Hệ thống lúa canh tác cải tiến” trên cả lúa lai và lúa thuần đều cho hiệu quả như: giảm được khoảng 70% lượng giống do cấy thưa, cấy 1 dảnh nên ít sâu bệnh và giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật phải dùng mà vẫn cho năng suất cao.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục