Hỗ trợ lãi suất ngân hàng: Cơ hội cho các doanh nghiệp

  • Cập nhật: Thứ tư, 25/2/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Hơn 300 đại biểu doanh nghiệp đến dự Hội nghị triển khai Quyết định 131/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư 02/2009/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước về hỗ trợ lãi suất tiền vay do Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Chi nhánh Yên Bái đã cho thấy mối quan tâm đặc biệt của các doanh nghiệp đối với quyết định của Chính phủ.

Sản xuất gạch tại Công ty cổ phần vật liệu xây dựng Yên Bái.
(Ảnh: Thành Trung)
Sản xuất gạch tại Công ty cổ phần vật liệu xây dựng Yên Bái. (Ảnh: Thành Trung)

Điều đó cũng dễ hiểu vì vốn ngân hàng chiếm một vị trí quan trọng trong sản xuất kinh doanh, lãi suất tiền vay là một phần quan trọng của giá thành sản phẩm. Hơn thế nữa, trong năm 2008 vừa qua lãi suất ngân hàng đã có thời điểm lên đến 21% năm, mức lãi suất mà nhiều doanh nghiệp đã phải thốt lên rằng: “Không thể làm ăn với mức lãi suất như vậy”. Thậm chí ở mức lãi suất cao ngất ngưởng ấy, nhiều doanh nghiệp vẫn không thể vay nổi do những quy định ngặt nghèo từ phía ngân hàng.

Quyết định 131 của Chính phủ chỉ rõ: Nhà nước hỗ trợ lãi suất cho các tổ chức, cá nhân vay vốn ngân hàng để sản xuất kinh doanh, nhằm giảm giá thành sản phẩm hàng hoá, duy trì sản xuất kinh doanh và tạo việc làm, trong điều kiện kinh tế bị tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới. Với nguyên tắc, thời hạn, số tiền vay và mức lãi suất hỗ trợ, cụ thể là: các ngân hàng thương mại cho vay các nhu cầu vốn lưu động để hoạt động sản xuất kinh doanh theo cơ chế tín dụng thông thường và thực hiện hỗ trợ lãi suất  theo đúng quy định; không được từ chối hỗ trợ lãi suất, nếu khoản vay thuộc đối tượng hỗ trợ.

Thời hạn vay được hỗ trợ tối đa là 8 tháng đối với các khoản vay theo hợp đồng tín dụng được ký kết và giải ngân trong khoảng thời gian từ ngày 1/2/2009 đến 31/12/2009. Mức lãi suất hỗ trợ là 4%/năm tính trên số tiền vay và thời hạn cho vay thực tế nằm trong khoảng thời gian quy định. Như vậy, trong khi lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại hiện đang duy trì mức khoảng 9%/năm, Chính phủ quyết định hỗ trợ 4%/năm, có nghĩa là lãi suất tiền vay ngân hàng chỉ còn một nửa. Đặc biệt, một số ngành hàng tiếp tục được tỉnh hỗ trợ, lãi suất chỉ ở mức 0% như: chế biến tinh bột sắn, chế biến chè…đó thực sự là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp vượt qua thời kỳ khó khăn.

Tại hội nghị khách hàng do Ngân hàng Đầu tư và Phát triển tổ chức, các đại biểu hết sức phấn khởi trước quyết định của Thủ tướng Chính phủ cũng như sự quan tâm của tỉnh. Ông Trần Công Bình – Giám đốc Công ty cổ phần Chế biến nông lâm sản Yên Bái khẳng định: “Lãi suất còn 0%, lại được các ngân hàng cho vay sẽ giúp doanh nghiệp chúng tôi có vốn và có điều kiện để giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm. Đặc biệt là trong thời điểm hiện nay, Công ty có tiền để thu mua hết nông sản cho nông dân, giúp dân vùng nguyên liệu thu hoạch sắn củ, trồng sắn vụ mới”. Không được giảm lãi đến 0% như các doanh nghiệp chế biến tinh bột sắn nhưng các doanh nghiệp xây dựng cơ bản phấn khởi hơn cả.

Những năm qua, đặc biệt là năm 2008, nhiều hợp đồng xây lắp đã được các doanh nghiệp ký kết nhưng không thi công được hoặc thi công rất cầm chừng, một phần do giá cả vật liệu xây dựng tăng rất cao, mặt khác là thiếu vốn và lãi vay cũng cao ngất. Năm 2009, giá cả vật liệu xây dựng ổn định trở lại, vấn đề vốn lưu động  đã được giải quyết với lãi suất chỉ còn 4% là điều kiện để các doanh nghiệp làm ăn và ổn định cuộc sống công nhân lao động. Ông Trần Văn Ân – Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty Xây dựng và Kinh doanh nhà Yên Bái phát biểu: “Công ty chúng tôi có con người, có phương tiện, đã và đang tìm kiếm được công trình, nhưng làm ăn hiệu quả thấp vì thiếu vốn lưu động và lãi suất thường rất cao. Mỗi năm, Công ty cần khoảng 15 tỷ đồng vốn lưu động. Hiện chúng tôi đã vay được 8 tỷ, nay ngân hàng cho vay được 7 tỷ đồng nữa, Nhà nước hỗ trợ lãi suất 4% có ý nghĩa rất lớn để doanh nghiệp tập kết vật liệu thi công các công trình, nhất là các công trình đầu tư bằng vốn ngân sách. Chắc chắn các công trình mà Công ty đang thi công sẽ được đẩy nhanh tiến độ với chất lượng tốt trong thời gian tới”.

Trong khi hầu hết giám đốc các doanh nghiệp tỏ ý phấn khởi vì được vay vốn lưu động với lãi suất thấp, cùng với đó là chính sách giảm thuế, giãn thuế, tạm hoàn thuế… tin tưởng đơn vị mình sẽ phục hồi và vươn lên trong năm 2009 thì nhiều đại biểu vẫn tỏ ra e ngại khi cho rằng: vấn đề là thị trường, là đầu ra cho sản phẩm. “Làm ra rồi, thật nhiều rồi mà chất hàng đầy trong kho thì cũng chẳng có ý nghĩa gì!”. Đúng! Thị trường có ý nghĩa quan trọng nhất, sản phẩm được tiêu thụ, thu tiền xong mới kết thúc một chu kỳ sản xuất kinh doanh. Nhưng vốn cho sản xuất và khoản thuế phải nộp cũng có vai trò to lớn, chiếm một khoản đáng kể trong giá thành, khi giá thành thấp thì giá bán mới thấp và sức cạnh tranh của sản phẩm mới tăng.

Hy vọng rằng, cùng với các chính sách kích cầu của Chính phủ và của tỉnh cũng như chính sách hỗ trợ tìm kiếm thị trường, hỗ trợ xuất khẩu…, các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp chế biến nông lâm sản sẽ tổ chức sản xuất tốt, làm ra các sản phẩm có chất lượng được thị trường chấp nhận, giá thành hạ, tạo việc làm cho người lao động… góp phần ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội.

Lê Phiên

Các tin khác

YBĐT- Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả dự án trồng 5 triệu ha rừng của Chính phủ, huyện Văn Chấn đã phối hợp với Viện thiết kế nông-lâm nghiệp tỉnh xây dựng hồ sơ thiết kế ở 14 xã với diện tích 850 ha rừng trồng kinh tế, 500 ha rừng trồng phòng hộ.

Khai thác đá trắng ở mỏ đá trắng Mông Sơn. (Ảnh: M.Q)

YBĐT - Mới đây, UBND tỉnh Yên Bái đã tổ chức lễ công bố quy hoạch tổng thể Khu công nghiệp khai thác và chế biến đá vôi trắng xã Mông Sơn, huyện Yên Bình.

YBĐT - Trong những năm gần đây, tỉnh Yên Bái đã có nhiều giải pháp đối với sản xuất lương thực nhằm đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn. Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ 16 đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2010 tổng sản lượng lương thực đạt 225 nghìn tấn và bình quân lương thực đầu người năm 2010 đạt 300 kg.

Ngày 24-2, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định giảm tiếp tỷ lệ dự trữ bắt buộc, tạo thêm nguồn tiền để các tổ chức tín dụng đẩy mạnh cho vay.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục