Cát Thịnh chủ động phòng chống bão lũ
- Cập nhật: Thứ sáu, 7/8/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Cát Thịnh từng là trọng điểm thiệt hại của Yên Bái trong mùa mưa lũ năm 2005 với hơn 50 người chết, bị thương; nhiều ngôi nhà bị sập đổ, tài sản của nhân dân bị cuốn trôi. Phòng chống bão lũ hơn bao giờ hết được cấp ủy, chính quyền và người dân coi là nhiệm vụ hàng đầu mỗi khi mùa mưa bão đến.
Hai bên bờ Ngòi Thia đã được kè đá sau hậu quả cơn lũ năm 2005, một nhịp cầu đã bị lũ cuốn trôi.
|
Ghi nhận của chúng tôi khi trở lại Cát Thịnh sau 4 năm xảy ra cơn lũ lịch sử là chính quyền đã chủ động các biện pháp phòng chống bão lũ; ý thức của người dân đã được nâng lên; công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân chấp hành các biện pháp phòng chống bão lũ (PCBL) được cấp ủy, chính quyền địa phương chú trọng.
Kinh nghiệm rút ra từ trận lũ lịch sử năm 2005 là khả năng giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản sẽ hầu như không có nếu công tác phòng ngừa bị coi nhẹ, tâm lý chủ quan phổ biến từ cán bộ tới người dân; việc tổ chức ứng phó, cứu hộ càng hạn chế. Liên tục trong những năm qua, Ban chỉ huy phòng chống bão lũ (PCBL) xã đã kiên trì thực hiện công tác phòng ngừa, tổ chức lực lượng ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”. Được sự giúp đỡ của các cấp, các ngành, Cát Thịnh đã di dời 20 hộ dân sống ở vùng nguy hiểm ven suối Phà và suối Lao, bố trí đất ở, di dời nhà cửa của họ tới nơi an toàn.
Trong kế hoạch của Ban chỉ huy PCBL xã, việc giải phóng hành lang, khơi thông dòng chảy suối Phà và suối Lao được xác định là trọng tâm. UBND xã đã tổ chức nhiều đợt giải phóng hành lang suối, khơi thông dòng chảy có sự tham gia của người dân. Công trình cầu Phà sau hơn 3 năm đình trệ không thể xây dựng đã được thi công nhờ sự kiên quyết trong giải phóng mặt bằng, di rời 16 hộ trong khu vực để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.
Việc theo dõi diễn biến thời tiết được quan tâm và trở nên thuận lợi khi xã được lắp đặt thiết bị đo mưa, cảnh báo lũ khá đồng bộ. Thiên tai ở Cát Thịnh chủ yếu là lũ quét và sạt lở đất. Rà soát mới nhất của xã: 50 hộ hiện sống ở những nơi nguy cơ cao, trong đó 24 hộ ở các vị trí dễ sạt lở đất. Chính quyền địa phương và lực lượng xung kích gồm 22 người đã thường xuyên hướng dẫn, tuyên truyền cho người dân nêu cao cảnh giác, chủ động phòng ngừa, chuẩn bị đối phó khi bão lũ xảy ra. Ngoài số hộ di dời sau trận lũ lịch sử tháng 9.2005, tới nay xã đã vận động di dời và tái định cư cho 24 hộ, chủ yếu là vùng ven suối và nơi dễ sạt lở đất ở 22 thôn bản. Thôn Vực Tuần 1 hiện có 8 hộ trong diện nguy cơ bị lũ quét.
Ông Hà Đình Thêm - hộ dân ở trong diện nguy cơ cao cho biết, các gia đình đã được cán bộ thôn, xã hướng dẫn các biện pháp phòng ngừa thiên tai, chuẩn bị 5 kg gạo/người, sẵn sàng di dời và bảo đảm lương thực trong 5 ngày trong tình huống mưa bão lớn, bị chia cắt. Tại thôn Pín Pé -nơi 100% đồng bào Mông sinh sống, tổ xung kích PCBL đã rà soát, kiểm tra xác định 9 hộ thuộc diện nguy cơ sạt lở đất.
Ông Sùng Sái Giàng ở thôn này nói: “Cán bộ đã bảo mình xem mưa, nghe nước khi có mưa rồi. Nhà cũng chẳng có gì nhiều, thấy kẻng xung kích gọi là cả nhà chạy thôi, không coi thường được đâu!”. Ngay trước mùa mưa bão năm 2009, Ban chỉ huy PCBL xã đã chỉ đạo các tổ xung kích duy trì chế độ thường trực, cập nhật tình hình, chuẩn bị sẵn sàng hàng chục áo phao, phao, 400 kg gạo, 300 hộp mì tôm, thường trực 5 xe ô tô để di chuyển người và tài sản khi mưa bão lớn. Chính quyền xã cũng chỉ đạo rà soát, phối hợp kiểm tra, nhắc nhở các đơn vị thi công công trình 135, cầu phà chủ động phối hợp ứng phó khi có tình huống.
Chủ tịch UBND xã Trần Văn Phụng cho biết: trước mùa mưa bão hàng năm xã đều kiện toàn Ban chỉ huy PCBL, thành lập lực lượng xung kích từ xã tới 26 thôn bản, kiểm tra và rà soát các trọng điểm có thể bị ảnh hưởng, chuẩn bị phương án phòng ngừa khắc phục hậu quả theo phương châm “4 tại chỗ” không để bất ngờ khi có tình huống xảy ra.
Thực tế là Cát Thịnh đang rất chủ động trong PCBL và giảm nhẹ thiên tai, tuy nhiên mưa bão là khó lường, đáng lo ngại là vẫn tồn tại tâm lý chủ quan ở một bộ phận cán bộ, nhân dân. Nhiều hộ dân sống ở ven suối Lao, suối Phà, vùng nguy cơ sạt lở đất vẫn cho rằng khó có thể lặp lại lũ lịch sử, do vậy vẫn coi nhẹ phòng ngừa. Việc cần làm ngay của chính quyền xã lúc này là tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, tuyên truyền, vận động người dân, loại bỏ tâm lý chủ quan của một số cán bộ, nhân dân trong PCBL.
P.V
Các tin khác
Bộ Công Thương phối hợp với Bộ NN-PTNT, Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các địa phương khẩn trương xây dựng Nghị định của Chính phủ về kinh doanh lúa gạo, bảo đảm thực hiện tốt việc điều hành xuất khẩu gạo theo các mục tiêu, yêu cầu của Chính phủ.
Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Phan Hữu Thắng ngày 6.8 cho biết: 7 tháng đầu năm các doanh nghiệp VN đầu tư ra nước ngoài 1,57 tỉ USD với 41 dự án, trong đó có 20 dự án tăng vốn tổng cộng 200 triệu USD. Con số này khá cao khi so cả năm 2008, đầu tư ra nước ngoài chỉ đạt 2,8 tỉ USD.
Giá vàng trong nước sáng nay (7/8) tiếp tục giảm nhẹ do giá vàng thế giới có chiều hướng giảm. Đồng USD phục hồi là lý do khiến giá vàng không duy trì được đà tăng.
Sáng 6-8, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì hội nghị truyền hình trực tuyến về Đề án đổi mới và phát triển dạy nghề đến năm 2020, nhằm lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương.