Quyết định 780 tạo bước phát triển chăn nuôi ở Lục Yên
- Cập nhật: Thứ ba, 25/8/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Trước khi có Quyết định 780 của UBND tỉnh Yên Bái, Trạm Thú y huyện Lục Yên chỉ có cán bộ làm việc tại Trạm. Việc kiểm soát đàn vật nuôi cũng như dịch bệnh xảy ra trên địa bàn huyện gặp rất nhiều khó khăn, nhất là khi thực hiện các đợt phòng chống dịch bệnh vì hầu hết công việc này phải phụ thuộc vào ý thức cộng tác của UBND các địa phương.
Quyết định số 780 của UBND tỉnh Yên Bái ban hành, Trạm Thú y huyện Lục Yên đã được kiện toàn đầy đủ số lượng cán bộ thú y viên cơ sở tại 24/24 xã, thị trấn; quy định rõ về vị trí, chức năng, tổ chức cũng như nhiệm vụ, quyền lợi của nhân viên thú y xã; quy định mối quan hệ giữa UBND cấp xã và Trạm thú y huyện, đồng thời cũng quy định rõ chế độ khen thưởng, kỷ luật.
Quyết định này đem lại niềm vui không nhỏ đối với nhiều nhân viên thú y, bởi từ trước đến nay, hoạt động của họ không theo tổ chức nào mà chỉ dựa trên giấy phép kinh doanh và bằng khả năng tự vận động của mình. Nếu có dịch bệnh, các thú y viên chưa chính thức này lại phối hợp với Trạm Thú y tiêm phòng, phun thuốc... để dập dịch. Ông Nguyễn Văn Nhật – nhân viên thú y làm việc tại xã Động Quan cho biết. Nay tỉnh có Quyết định 780 này đã phần nào hỗ trợ cho cuộc sống của nhân viên thú y, tạo điều kiện cho công việc được thực hiện tốt hơn bởi đã gắn vào nhiệm vụ, trách nhiệm của chúng tôi, đặc biệt là có chế độ khen thưởng rõ ràng. Đây là một quyết định rất đúng đắn của Nhà nước”.
Có thể nói, Quyết định 780 ra đời có ý nghĩa quan trọng mang tính bước ngoặt đối với ngành thú y nói chung, huyện Lục Yên nói riêng bởi từ nay trở đi đã chính thức có hoạt động thú y viên ở cơ sở. Không những vậy, về phía Trạm Thú y huyện cũng có nhiều thuận lợi trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý, phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm chặt chẽ và đạt hiệu quả cao hơn. Ông Lư Ngọc Duyên – Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Lục Yên cho biết: “Quyết định 780, đã tạo điều kiện thuận lợi cho mạng lưới thú y ở các xã, thị trấn trên địa bàn huyện nhờ có quy định về chức năng, nhiệm vụ cụ thể, đặc biệt là 10 nhiệm vụ của thú y viên, qua đó việc thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh tại cơ sở sẽ có hiệu quả và được giám sát chặt chẽ. Có quy định chế độ phụ cấp cho thú y viên, đây là yếu tố cơ bản để gắn trách nhiệm của thú y viên. Quy định rõ mối quan hệ của các thú y viên với UBND xã và với Trạm Thú y huyện”.
Ngoài những yếu tố về cơ chế, chính sách thì một ý nghĩa lớn của Quyết định 780 là giúp nông dân thuận lợi trong phát triển chăn nuôi. Bởi vì từ nay trở đi, công việc của các thú y viên đã được giám sát chặt chẽ hơn, hoạt động của họ có sự chỉ đạo và định hướng, phải chịu trách nhiệm trước những việc làm của mình và, người chăn nuôi sẽ yên tâm hơn khi cần đến thú y viên.
Ông Vũ Xuân Hợi - Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Yên cho biết “Để từng bước ổn định, củng cố và phát triển hệ thống thú y, phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy tăng trưởng ngành chăn nuôi, thời gian tới thú y viên các xã cần có sự liên hệ tốt với Trạm Thú y; không ngừng học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong công tác chuyên môn để nâng cao trình độ, phải chủ động thực hiện nhiệm vụ được giao, chịu sự chỉ đạo trực tiếp của UBND xã và chỉ đạo chuyên môn của Trạm Thú y huyện; phối hợp chặt chẽ với UBND xã để nắm bắt tình hình cơ sở; UBND các xã cần tích cực phối hợp chặt chẽ với Trạm Thú y huyện để quản lý tốt lực lượng thú y viên”.
Có chính sách mới với nhiều thuận lợi, chắc chắn ngành thú y huyện Lục Yên sẽ có thêm nhiều hoạt động hiệu quả, thực hiện tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ của mình giúp cho ngành chăn nuôi ở Lục Yên ngày càng phát triển bền vững.
Mai Huyên
Các tin khác
8 tháng đã qua của năm 2009, Việt Nam đã nhập siêu 5,1 tỷ USD. Nếu không tính tái xuất vàng, con số này là 7,75 tỷ USD, Tổng Cục Thống kê cho biết ngày 24/8.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam có thể tăng lên mức kỷ lục 6 triệu tấn trong năm 2009, thu ngắn khoảng cách so với đối thủ Thái Lan.
Hiệp hội Chè Việt Nam cho biết, năm 2009, ngành chè phấn đấu xuất khẩu 117.000 tấn, với tổng kim ngạch đạt khoảng 167 triệu USD. Sản phẩm chè Việt Nam hiện đã có mặt trên 110 quốc gia và vùng lãnh thổ.
YBĐT - Dự án xây dựng nhà máy luyện gang thép triển khai tại khu công nghiệp phía Nam tỉnh Yên Bái được các cấp, các ngành và người dân trong tỉnh quan tâm. Chủ đầu tư là Tập đoàn Công nghiệp tầu thủy Việt Nam Vinashin - một tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước, là đơn vị được tỉnh lựa chọn là đối tác chiến lược trong phát triển kinh tế. Dự án nhà máy luyện gang thép có số vốn đầu tư lớn, khi nhà máy đi vào hoạt động thì giá trị sản xuất của nó chiếm một tỷ lệ đáng kể trong giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Tuy nhiên dự án xây dựng nhà máy luyện gang thép được chủ đầu tư triển khai quá chậm (khởi công từ tháng 3 năm 2007) và lỗi hẹn nhiều lần về ngày cho ra dòng sản phẩm đầu tiên.