Phan Thanh: Hồi sinh những cánh rừng
- Cập nhật: Thứ sáu, 4/9/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Xã Phan Thanh, huyện Lục Yên (Yên Bái) có tổng diện tích đất rừng sản xuất là 434,9 ha. Trước đây, do sự tàn phá của con người, rừng Phan Thanh có nguy cơ trở thành đất trống, đồi núi trọc. Nhưng sau bao năm với sự nỗ lực cứu rừng của cán bộ và nhân dân, rừng Phan Thanh đã xanh trở lại.
Tôi tới Phan Thanh chừng 10 năm về trước. Thật chua xót trước những cánh rừng bạt ngàn mà không có nổi một cây gỗ to dù chỉ bằng phích nước. Rừng suy kiệt là bởi sự tàn phá của những người dân để làm nương rẫy. Chỉ cần một mồi lửa, sau một đêm cả một cánh rừng rộng lớn đầy những cây gỗ to cỡ cái bồ đựng thóc, bằng hai, ba vòng tay người lớn, đến khi trời sáng chỉ còn trơ lại những thân gỗ cháy nằm ngổn ngang.
Bên cạnh việc đốt rừng làm nương rẫy thì chính nơi đây cũng là một điểm nóng về nạn chặt phá rừng bừa bãi để lấy gỗ. Ông Hoàng Văn Hòa - Phó chủ tịch UBND xã cho biết: “Trước kia, ở đây do trình độ dân trí thấp và đời sống nhân dân quá nghèo đói nên người dân thi nhau vào rừng chặt gỗ đem bán để sinh sống. Tình trạng đó đã khiến cho nguồn lợi từ rừng ở đây gần như suy kiệt”.
Rừng mất kéo theo rất nhiều nguy cơ khác. Theo nhiều người dân cho biết thì hầu hết các con suối đều cạn nước. Trước đây nước suối rất trong và lũ phải sau mấy ngày mới rút nhưng khi hết rừng nước rất đục, lũ chỉ ào một lát là cạn ngay.
Mặc dù cũng có nhiều người biết tác hại của việc phá rừng nhưng người ta vẫn làm vì nghèo, sinh đẻ không có kế hoạch, ruộng nương thì ít nên phá rừng là nghề duy nhất để duy trì sự sống. Đứng trước thực trạng rừng ngày một bị phá huỷ dẫn đến môi trường sống bị đe dọa, là những cán bộ và cũng là những người hiểu biết hơn ai hết, nhiều cán bộ trong xã đã kết hợp vận động một số hộ có sẵn vốn đi tiên phong trong việc trồng rừng. Nhờ áp dụng đúng các quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc cây, cùng với sự quyết tâm cao mà lợi ích từ rừng đã nhanh chóng được thể hiện rõ rệt. Nhờ vậy, đã thu hút được toàn thể nhân dân trong xã vào việc trồng rừng.
Ông Vi Đình Vân – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã vui mừng cho biết: “Trước tình hình rừng mất và kéo theo rất nhiều biến đổi khắc nghiệt của thiên nhiên, để cứu rừng toàn bộ, các đồng chí cán bộ trong xã đã động viên nhau đi tiên phong trong việc trồng rừng. Do đất tốt nên cây lớn rất nhanh và vụ đầu trồng cây mình có thể trồng xen sắn nên cuối năm thu hoạch sắn là kéo lại toàn bộ vốn. Thấy được lợi trước mắt nên chẳng ai bảo ai, dân cứ thế đua nhau trồng rừng”.
Từ năm 2000 trở đi, diện tích rừng trồng đã không ngừng được nhân rộng. Toàn xã có tổng diện tích đất rừng sản xuất 434,9 ha, trước đó đang trong tình trạng bị tàn phá nghiêm trọng và chủ yếu là rừng tự nhiên, nhưng chỉ sau gần chục năm, dưới sự cố gắng của con người rừng đã được phủ kín đến 97%. Đến Phan Thanh giờ đây, đâu đâu ta cũng nhìn thấy rừng. Cứ hễ nơi đâu có đất trống là người dân lại đem cây giống đến trồng.
Hiện nay, một diện tích lớn rừng trồng đã cho khai thác. Năng suất của rừng trồng là rất lớn và đây là một nguồn thu, một nguồn lực kinh tế đầy tiềm năng. Ước tính mỗi ha thu được 30 triệu đồng. Thử làm một phép tính đơn giản: lấy diện tích bằng ha rừng trồng nhân với số tiền 30 triệu sẽ cho ra một con số nhiều tỷ đồng. Không giấu được sự vui mừng, ông Phó chủ tịch Hoàng Văn Hòa nói: “Từ khai thác rừng mà người dân nơi đây đã sắm được nhiều phương tiện đắt tiền như: xe máy, ti vi và làm được nhà khang trang..., số hộ khá giả trong xã tăng lên, số hộ nghèo đã giảm nhanh chóng”.
Tới đây, Nhà nước và chính quyền địa phương sẽ tiếp tục hỗ trợ vốn, tạo mọi điều kiện cho sự nghiệp trồng rừng ở Phan Thanh. Hy vọng rằng, trước sự quan tâm của Đảng và Nhà nước thì rừng nơi đây sẽ sớm trở về với đúng nghĩa của nó là “rừng vàng”. Đây sẽ là nhân tố góp phần làm cân bằng sinh thái đang ngày bị phá hủy và làm cho nền kinh tế của xã ngày một đi lên, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Triệu Huấn
Các tin khác
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đang lấy ý kiến rộng rãi các bộ ngành về dự thảo Nghị định của Chính phủ về chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đây được coi như một cú huých lớn, khi mà hộ sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, chủ trang trại…, có thể được vay từ 50 đến 500 triệu đồng.
Cho dù lạm phát chưa cao nhưng sự chao đảo rất mạnh của chứng khoán Mỹ đã khiến giá vàng thế giới lên sát 1.000 USD/ounce. Giá trong nước lập kỷ lục mới 21,7 triệu đồng/lượng.
YBĐT - Còn khoảng 2 tháng nữa là kết thúc mùa mưa lũ và đến thời điểm hết tháng 8, trên địa bàn Trạm Tấu (Yên Bái) cơ bản không xảy ra những thiệt hại nghiêm trọng do sạt lở đất. Tuy nhiên, không chủ quan, Trạm Tấu đang tiếp tục nêu cao cảnh giác trước mọi diễn biến phức tạp của thời tiết.
YBĐT - Tính đến cuối tháng 8/2009, Công ty trách nhiệm hữu hạn Vạn Đạt đã thu mua cho nông dân huyện Trấn Yên (Yên Bái) 6.200 tấn măng tươi với giá 3.000 đồng/kg.