Sơn Thịnh: Cây nhãn đang mất dần vị thế

  • Cập nhật: Thứ ba, 8/9/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Đã nhiều năm cây nhãn là cây trồng chủ lực, cây xoá đói nghèo và làm giầu ở xã Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn (Yên Bái). Thế nhưng, vài năm trở lại đây, người trồng nhãn Sơn Thịnh luôn phải chứng kiến những vụ thu hoạch thất bát. Đã có nhiều hộ dân Sơn Thịnh chặt bỏ nhãn để tính chuyển đổi cây trồng khác.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Cây nhãn đã gắn bó với người dân Sơn Thịnh từ rất lâu nhưng chủ yếu là nhãn bản địa năng suất, chất lượng kém. Từ năm 1999-2000, chương trình nhãn hoá đã được đưa vào nghị quyết của Đảng bộ xã Sơn Thịnh. Thế là, các giống nhãn mới, nhãn có thương hiệu ở nhiều địa phương khác được đem về trồng. Nhãn đã trở thành cây trồng chủ lực, giúp người dân xoá đói giảm nghèo và làm giàu.

Thời điểm đó, nhà nào cũng trồng nhãn, nhãn vây kín quanh nhà, còn leo lên cả sườn đồi. Diện tích trồng nhãn có thời điểm lên trên 200ha. Nhãn cho năng suất, chất lượng không kém gì những vùng nhãn nổi tiếng ở miền Bắc. Hàng năm, bà con thu về hàng tỷ đồng, có nhà thu về hàng trăm triệu đồng. Giá cả ổn định, người trồng nhãn phất lên trông thấy, nhiều nhà còn mở lò sấy, chế biến long nhãn để tăng thu nhập và giải quyết việc làm cho lao động địa phương.

Tuy nhiên, trong vòng 3 năm trở lại đây cây nhãn đang dần mất đi vị thế. Nhiều cây nhãn đã bị thoái hoá dẫn đến chất lượng giảm, năng suất kém và thị trường bấp bênh khiến không ít gia đình phải chặt bỏ trồng cây khác. Vào mùa nhãn, không còn nhộn nhịp cảnh các tư thương, chủ lò long nhãn đến gõ cửa từng nhà nữa. Nhãn mất mùa một phần do khí hậu thời tiết có phần khắc nghiệt, một số diện tích đã già cỗi nên không ra quả... nhưng có lẽ nguyên nhân chính là do khâu tuyển chọn giống không bảo đảm dẫn đến nhiều cây không ra quả hoặc có ra thì thưa thớt hoặc quả nhỏ, chất lượng quả rất kém.

Bên cạnh đó, việc trồng nhãn của người dân rất tự phát và khi nhãn đến kỳ ra hoa kết trái không áp dụng các biện pháp kỹ thuật nào mà cứ phụ thuộc vào tự nhiên. Năm 2009, nhiều nhà bị mất trắng không được thu hoạch vì nhãn không có quả, nhà nào chăm sóc đặc biệt và áp dụng kỹ thuật thì mới có nhưng sản lượng cũng giảm sút đáng kể. Lượng nhãn ít hơn nhưng giá năm nay cũng không tăng so với trước. Giá bán tại gốc chỉ 5-6.000đồng/kg; giá bán tại các chợ 8-10.000đồng/kg. Người dân thu hái chủ yếu là bán phục vụ người dân địa phương, chỉ một số ít được đưa ra thị trường thành phố Yên Bái.

Nhãn mất mùa, chất lượng kém, nguồn thu nhập bấp bênh khiến nhiều nhà phá bỏ chuyển đổi cây trồng khác. Hiện đã có trên 100 ha nhãn đã bị phá bỏ chuyển sang trồng cây màu và trồng rừng kinh tế. Những diện tích nhãn được giữ lại chủ yếu trồng ở đất bằng, nhãn trồng trên đất đồi rừng người dân đã chặt bỏ hết.

Ông Hà Xuân Hải - Phó chủ tịch UBND xã cho biết: “Sơn Thịnh là địa phương đi đầu trong phong trào trồng nhãn và đây là loại cây trồng chủ lực của xã. Thế nhưng, 3 năm trở lại đây nhãn liên tục mất mùa, chất lượng cũng giảm sút nên nhiều người dân đã phá bỏ để trồng cây nguyên liệu giấy khiến diện tích nhãn liên tục bị giảm sút và đến thời điểm này toàn xã chỉ có 120ha. Những diện tích còn lại, người dân đang chặt dần và cứ đà này chỉ một hai năm nữa Sơn Thịnh sẽ xoá sổ cây nhãn”.

Theo nhiều người dân ở đây thì cây nhãn đã gắn bó với họ từ rất lâu, đất đai, khí hậu ở Sơn Thịnh cũng rất phù hợp với việc trồng nhãn. Thực tế ở Sơn Thịnh vẫn loay hoay chưa tìm được cây trồng nào cho hiệu quả kinh tế hơn. Do vậy, Sơn Thịnh đang tìm mọi cách để giữ những diện tích còn lại bằng cách vận động nhân dân cải tạo, nâng cao chất lượng nhãn bằng kỹ thuật ghép cành bằng giống nhãn lồng Hưng Yên (chủ yếu là diện tích trồng trên đất bằng); kết hợp với Trường trung cấp Nông - Lâm nghiệp Yên Bái làm thí điểm 200 cây nhãn trên diện tích 5000 m2 tại thôn Hà Thịnh, Phù Sơn và đến đầu tháng 9 bắt đầu ghép, nếu có hiệu quả kinh tế sẽ tiếp tục nhân rộng. Những giải pháp đó là tốt nhưng vẫn chưa giải quyết hết căn cớ của việc nhãn mất mùa. Cái chính hiện nay là cần vận động nhân dân áp dụng tiến bộ khoa học vào trồng nhãn chứ không thể trồng và phát triển theo kiểu tự phát “trời cho thì ăn”.

Bên cạnh đó, huyện cũng cần chính sách hỗ trợ từ kỹ thuật, kinh phí để các hộ dân thay thế giống nhãn già cỗi bằng các giống mới có năng suất chất lượng cao hơn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường đang có những đòi hỏi khắt khe về chất lượng. Có làm được như vậy, Sơn Thịnh mới giữ được vùng nhãn và cây nhãn mới phát huy được đúng vị thế của nó.

Văn Thông

Các tin khác

YBĐT - Còn sản xuất, còn lưu thông hàng hóa và còn nhu cầu tiêu dùng thì tình trạng buôn lậu và gian lận thương mại (BL&GLTM) còn diễn ra. Để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và những nhà sản xuất kinh doanh chân chính, các ngành chức năng thuộc Ban chỉ đạo Phòng chống BL&GLTM Yên Bái (127/ĐP) đã tăng cường phối hợp công tác, áp dụng nhiều biện pháp tích cực nên kết quả trong công tác đấu tranh chống buôn lậu thời gian qua đạt kết quả hết sức đáng mừng nhưng phía trước cuộc chiến này còn đầy những cam go.

Mặc dù giá vàng thế giới ngày 7-9 biến động không đáng kể nhưng giá vàng trong nước vẫn tăng thêm 110.000 đồng/lượng. Vàng SJC mở cửa giao dịch 21,75 triệu đồng/lượng, sau đó nhiều lần thay đổi giá theo hướng đi lên, đến cuối ngày tạm dừng ở mức 21,86 triệu đồng/lượng.

Đồng chí Nguyễn Văn Bình - Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh trao đổi cùng các doanh nghiệp tại hội nghị.

YBĐT - Ngày 7/9, Cục thuế tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh và thu nộp ngân sách khối các doanh nghiệp 8 tháng đầu năm 2009. Đồng chí Nguyễn Văn Bình – Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh dự và chỉ đạo hội nghị.

Một nông dân ở xã Đông Cuông (Văn Yên) phun thuốc trừ sâu cho lúa mùa nhưng không có kính, khẩu trang, găng tay bảo hộ. (Ảnh: Quỳnh Nga)

YBĐT - Trong những năm qua, bên cạnh việc học hỏi, tiếp thu kinh nghiệm, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, sử dụng các giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, nông dân huyện Văn Yên (Yên Bái) đã chú trọng tới công tác phòng trừ các sinh vật gây hại, bảo vệ cây trồng, áp dụng rộng rãi các nguyên tắc của chương trình IPM trên đồng ruộng, mang lại hiệu quả kinh tế, giảm chi phí đầu tư cho sản xuất.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục