Trạm Tấu mở hướng thoát nghèo

  • Cập nhật: Thứ ba, 29/9/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Thời gian qua, Trạm Tấu (Yên Bái) được sự quan tâm của cả tỉnh và sự cố gắng của nhân dân các dân tộc, từng bước vươn lên thoát nghèo. Có đi mới biết, mỗi một con đường về bản, từng công trình thuỷ lợi đưa nước về ruộng bậc thang, tiếng trẻ bi bô học chữ phổ thông trong lớp cắm bản...là cả một niềm tin của đồng bào nơi này vào Đảng và Chính phủ đã cho mình cuộc sống mới.

Bà con người Mông xã Bản Mù tham gia làm đường giao thông về trung tâm xã.
Bà con người Mông xã Bản Mù tham gia làm đường giao thông về trung tâm xã.

Giữ đất, giữ rừng, giữ dân

Có diện tích tự nhiên trên 743 km2 , trong đó đất lâm nghiệp chiếm trên 90% và có tới 43% đồi núi trọc, đất nông nghiệp chỉ có 7% nên trên 23 ngàn dân trong huyện Trạm Tấu năm nào cũng thiếu đói, phải xin trợ cấp  cứu đói của Nhà nước cả trăm tấn lương thực. Đứng từ trên đỉnh Păng Dê cao trên 1.300 mét nhìn xuống bao quát cả một vùng núi trùng điệp chỉ thấy một màu bàng bạc của đồi trọc là hệ quả của việc đốt rừng làm nương rẫy bao đời của đồng bào Mông. Những nơi xanh hơn là rừng thông đuôi ngựa của Ban Quản lý dự án 661 đang lên xanh.

Quanh các bản Mông định cư thì cây rừng tốt hơn, cây để giữ nguồn nước. Đất thì rộng đấy và bỏ hoang cũng nhiều nhưng đều có chủ, ai động đến là rất phức tạp. Theo lý giải của một cán bộ lâu năm công tác ở đây cho biết: vùng xuôi có cải cách ruộng đất chia cho dân nghèo, với vùng cao từ khi có cách mạng người nghèo chưa được hưởng việc này. Ai có nhiều lao động thì khai khẩn được ruộng nhiều, số ít thì manh mún, nên đến nay còn 593 hộ không có đất sản xuất. 

Trước tình hình này, Huyện uỷ Trạm Tấu bám sát vào Nghị quyết 30a của Chính phủ, Nghị quyết 03 của Tỉnh uỷ đề ra các chủ trương sát, đúng, hợp lòng dân. Đó là, thực hiện tốt định canh định cư; ngăn chặn có hiệu quả việc tái trồng cây thuốc phiện; chặn đứng việc đốt, phá, khai thác, buôn bán lâm sản trái phép; giải quyết căn bản đói kinh niên và tạo sự phát triển toàn diện và bền vững. Cùng với làm tốt công tác dân vận trong tình  hình mới, kiểm kê đất sản xuất của các hộ dân, huyện đã hoàn thành việc điều chỉnh, bổ sung qui hoạch sử dụng đất đến 12 xã..., đến hết tháng 8- 2009, hoàn thành đo vẽ lại bản đồ hai xã Trạm Tấu và Bản Mù và qui chủ được 95% diện tích đo vẽ, bảo đảm  mọi hộ dân đều có đất sản xuất, an tâm định cư lâu dài.

Phó bí thư Huyện uỷ - Vũ Quỳnh Khánh cùng chúng tôi đi bản Tấu Dưới, xã Trạm Tấu nắm bắt thêm thực tế. Hai bên đường, các thửa ruộng bậc thang no nước lúa lên đều, đường điện đã kéo về bản, nhiều nhà dân được kiên cố hoá phần mái bằng tấm lợp thay cho tấm lợp gỗ, đời sống đồng bào được cải thiện rõ nét.

Thăm nhà Giàng A Hành trong bản, thấy thóc gạo ăn còn đủ vài tháng, quanh nhà bầu bí lúc lỉu, lợn được nuôi nhốt không còn thả rông như trước. Điều đáng nói là đồng bào Mông trong xã đã làm được 380 công trình vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi gia súc, bước đầu làm quen với nếp sống văn hoá mới. Có no cái bụng thì mới làm được việc khác và phải chuyển đổi ruộng một vụ sang hai vụ ăn chắc được  đặc biệt quan tâm. Các cánh đồng có diện tích lớn như Mảnh Tàu, Tà Ghênh được cán bộ khuyến nông xuống giúp dân theo kiểu “cầm tay chỉ việc” và “ba cùng” nên đến nay đã cấy được vụ xuân, góp phần đưa tổng sản lượng lương thực toàn huyện đạt bình quân đầu người đạt 370 kg/năm, xoá được đói kinh niên.

Giao thông đi trước một bước 

Trạm Tấu duy nhất trong tỉnh có đường độc đạo dài trên 30 km. Một số xã như Làng Nhì, Tà Xi Láng, Phình Hồ người dân muốn về huyện phải đi vòng qua huyện Văn Chấn với cự ly đến 60 km vòng vèo toàn là dốc. Vì vậy, thông tin chỉ đạo của trên xuống xã chậm, triển khai công việc ở cơ sở không chạy do lãnh đạo ngại đường xa, ít kiểm tra, các sản vật của dân làm ra không đem đi tiêu thụ được, cái nghèo cứ bám riết với người dân vùng này. Thế nên, việc làm đường giao thông đã trở nên cấp thiết hơn lúc nào hết, yêu cầu giao thông thực sự trở thành mạch máu của nền kinh tế để phát triển.

Cùng với các nguồn vốn Chương trình 135, trái phiếu Chính phủ, vốn ưu đãi của Ngân hàng Phát triển...để mở thông tuyến đường Làng Nhì- Bản Mù dài 17,5 km; mở tuyến Trạm Tấu đi Bắc Yên (Sơn La) nhằm phá thế độc đạo; các tuyến đường đi Tà Xi Láng, Làng Nhì, Bản Công, Bản Mù, Xà Hồ... từng bước được bê tông hoá để xe ôtô đến được cả bốn mùa trong năm, tránh tình trạng bị chia cắt như trước.

Đặc biệt, từ chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh đối với hai huyện vùng cao, từ tháng 11- 2008 Trạm Tấu đã tập trung chỉ đạo các xã ra quân làm đường giao thông nông thôn làm 28 công trình với tổng chiều dài 57,62 km; theo cơ chế “Nhà nước hỗ trợ, xã có công trình, dân có việc làm và thu nhập” mỗi km được hỗ trợ 30 triệu đồng nên dân phấn khởi kéo cả nhà cùng tham gia lao động để có thu nhập. Đến nay tuyến đường thuộc các xã Bản Công 10,6 km, Bản Mù 20,8 km, Túc Đán 2,34 km, Pá Lau 2,6 km...đã hoàn thành, giúp lưu thông hàng hoá và con trẻ đến trường được tốt hơn.

Nuôi cái chữ

Trên 6.000 trẻ trong độ tuổi toàn huyện được tới lớp là một con số thật ấn tượng. Ở các bản, sự thiếu đói ăn và đường từ nhà đến lớp xa là nguyên nhân chính khiến trẻ thường bỏ học, đang là bài toán khó đối với sự nghiệp giáo dục ở vùng cao nói chung. Hiện tại, học sinh mầm non và tiểu học đã có lớp cắm bản, tỷ lệ trẻ đến lớp cao. Khó khăn nhất vẫn là học sinh THCS phải đi bộ vài giờ mới đến được trường, gặp thời tiết xấu dễ bỏ học. Trước mắt cũng như lâu dài, ở vùng cao Tây Bắc cũng như ở Trạm Tấu ngoài việc xây dưng nhà công vụ cho giáo viên, các lớp học bán trú cũng rất cần cho vùng cao để trẻ được đến lớp. Điều đáng mừng trong năm 2009, huyện mở lớp cao đẳng sư phạm mầm non cho 80 giáo viên ngành học mầm non. Đề án kiên cố hoá trường lớp tại các xã triển khai tích cực, bảo đảm đủ điều kiện cho con em đồng bào dân tộc trong vùng theo học. 

Cùng với Nghị quyết 30a của Chính phủ, Tỉnh uỷ Yên Bái có Nghị quyết 03 về một số nhiệm vụ trọng tâm cấp bách trong phát triển kinh tế- xã hội huyện Trạm Tấu giai đoạn 2006- 2010. Đây là “cái gậy” vững chắc giúp đồng bào Mông nơi này thoát nghèo đi lên. Trong khó khăn và từng bước đi có vấp ngã, nhưng trước “sóng cả mà vững tay chèo” mới là tư chất của con người, của Đảng. Đất đấy, rừng đấy, đồng bào mình đây đang nỗ lực vì một Trạm Tấu vững bước đi lên.   

Mỹ Sinh

Các tin khác

Ngân hàng Nhà nước vừa công bố một số lãi suất chủ chốt bằng đồng Việt Nam, áp dụng từ ngày 1-10-2009. Cụ thể, lãi suất cơ bản bằng VND vẫn giữ ở mức 7%/năm; lãi suất tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước đối với các tổ chức tín dụng là 7%/năm; lãi suất tái chiết khấu của Ngân hàng Nhà nước đối với các tổ chức tín dụng là 5%/năm.

Giá xăng A92 thành phẩm nhập khẩu từ thị trường Singapore tiếp tục giảm sâu. Ngày 25-9 còn 67,5 USD/thùng và dự báo còn tiếp tục giảm trong những ngày tới.

Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) vừa thông báo hủy toàn bộ các chuyến bay từ TP HCM, Hà Nội tới Đà Nẵng và Huế từ trưa 28/9 đến hết ngày 29/9 do ảnh hưởng của bão số 9.

Trong tháng ghi nhận sự tăng giá xăng dầu.

YBĐT - Tháng 9 chỉ số giá tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Yên Bái tăng ở mức 0,32%, thấp hơn mức tăng giá bình quân chung của cả nước (0,62%). Như vậy sau 9 tháng, chỉ số giá tiêu dùng trên địa bàn Yên Bái mới đạt mức tăng 1,99%.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục