Yên Bái: Kim ngạch xuất khẩu chắc chắn sẽ đạt mục tiêu đề ra!
- Cập nhật: Thứ hai, 5/10/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - “Mặc dù kim ngạch xuất khẩu của tháng 9, năm 2009 có chững lại so với các tháng trước đó, nhưng kim ngạch xuất khẩu (KNXK) chắc chắn sẽ đạt mục tiêu đề ra trong năm 2009” - đó là khẳng định của ông Cù Đức Đua – Giám đốc Sở Công thương Yên Bái. Được biết, trong năm 2009, Yên Bái đề ra mục tiêu KNXK đạt 17 triệu USD.
Theo số liệu thống kê, tính đến hết tháng 9/2009, KNXK của tỉnh đạt 12,403 triệu USD, bằng 73% kế hoạch năm và tăng 29% so với cùng kỳ. Đóng góp vào sự tăng trưởng ấy chủ yếu là các công ty chế biến khoáng sản và chế biến gỗ rừng trồng... Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế mà KNXK tăng đến 29% so với cùng kỳ là tín hiệu vui nhưng nhìn lại bức tranh xuất khẩu của ta vẫn còn quá nhiều điều phải bàn. Con số 17 triệu USD kim ngạch đó là con số khá khiêm tốn đối với một tỉnh mà nền sản xuất hàng hoá đã được khẳng định với nhiều sản phẩm xuất khẩu truyền thống có khối lượng lớn như: bột đá trắng, các loại khoáng sản, sứ cách điện, chè, gỗ rừng trồng, vàng mã...
Đâu là nguyên nhân dẫn đến KNXK ở ta khiêm tốn đến vậy? Và câu trả lời là: sản phẩm của Yên Bái chưa được chế biến sâu để có giá trị cao và vào được những thị trường khó tính, chè là thí dụ điển hình. Với sản lượng lớn nhất nhì cả nước nhưng việc cho phép xây dựng các nhà máy chè mi ni công nghệ lạc hậu đã khiến chè của chúng ta làm ra có phẩm cấp thấp, đại đa số bán cho các nhà máy khác, ở tỉnh khác có công nghệ tiên tiến hơn làm nguyên liệu chế biến để xuất khẩu. Một vấn đề khá nổi cộm trong công tác xuất nhập khẩu ở Yên Bái là chúng ta làm ăn nhỏ lẻ, vốn ít và nhất là “ngại giao dịch quốc tế” là tâm lý khá phổ biến.
Giám đốc một công ty chế biến gỗ ở Yên Bình thừa nhận: “Sản phẩm của mình làm ra bán cho mấy công ty ở Hà Nội, rồi họ đem ra nước ngoài với giá cao hơn hẳn. Biết họ sống trên lưng mình mà vẫn phải chịu!”. Sở dĩ các doanh nghiệp chế biến gỗ phải cam chịu vì: đơn hàng thường có khối lượng lớn, mỗi chuyến từ 3 - 4 đến hoặc cả chục công ten nơ, để có khối lượng hàng ấy phải gom lại nhiều ngày cho đủ, mà gom lại nhiều ngày là liên quan đến vốn, kho bãi, có hàng rồi lại khai báo hải quan, rồi email, điện thoại bằng tiếng Anh, tiếng Trung... rồi giao, nhận hàng, ngoại hối này nọ phức tạp lắm!.. Thôi, được xe nào bán luôn xe ấy, cầm tiền ngay, biết luôn lỗ, lãi thế là xong!”.
Với hai sản phẩm có thương hiệu, có truyền thống trên thị trường xuất khẩu của Yên Bái là sứ điện và vàng mã thì trong năm 2009 vẫn tiếp tục “tụt dốc”, trong đó sứ Hoàng Liên Sơn chỉ xuất được 266,47 tấn, bằng 26.6% kế hoạch, giảm 33,7% so với cùng kỳ; còn vàng mã mới xuất được 4.500 tấn, bằng 52,9% kế hoạch và giảm 19,8% so với cùng kỳ.
Mỗi tháng còn lại của năm 2009, xuất khẩu phải thu về trên 1 triệu USD để kết thúc năm chúng ta có con số KNXK 17 triệu USD, đó có phải là mục tiêu khó thực hiện bởi trong bối cảnh kết thúc quý III, KNXK giảm đến 5,5%. Ông Cù Đức Đua – Giám đốc sở Công thương khẳng định sẽ đạt được mục tiêu đề ra, lý do là: sản phẩm CaC03 đang bán rất tốt; thị trường khoáng sản tiếp tục được cải thiện; sản phẩm đũa gỗ không đáp ứng đủ nhu cầu thị trường, đặc biệt là sản phẩm tinh bột sắn được dự báo giá cao và dễ tiêu thụ khi sắn chuẩn bị vào mùa thu hoạch và chế biến...
Hàng loạt cơ chế chính sách đã được áp dụng, trong đó phải kể đến chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại (cứ xuất được 1 triệu USD hàng hoá doanh nghiệp sẽ được tỉnh thưởng 100 triệu đồng). Đặc biệt, trong quý IV tại Yên Bái sẽ khai trương giao dịch hải quan điện tử tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thuận lợi hơn khi làm thủ tục xuất nhập khẩu. Khi các doanh nghiệp quan tâm đúng mức đến công tác xuất khẩu, thì con số về KNXK của Yên Bái phải đạt từ 30 đến 50 triệu USD mỗi năm.
Lê Phiên
Các tin khác
Phó thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng vừa ký quyết định về việc bổ sung danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá.
Ngày 4-10, tại Hà Nội, Bộ Công thương tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến nhằm bàn các giải pháp đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu trong 3 tháng cuối năm.
Đến thời điểm này, sau rất nhiều chiến lược, chính sách ở tầm vĩ mô, nông nghiệp, nông thôn vẫn là "khu vực hẻo lánh" đối với các dòng vốn đầu tư.
YBĐT - Trong những năm gần đây, cùng với sự tăng trưởng của nền kinh tế, cuộc sống của nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng lên rõ rệt. Do vậy, việc sử dụng gas thay thế các nhiên liệu khác như: củi, điện, than tổ ong… ngày càng tăng. Bên cạnh những lợi ích do việc sử dụng gas mang lại thì cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ về cháy, nổ do quá trình kinh doanh và sử dụng gas gây ra.