Miếng bánh lợi nhuận cần chia đều cho cả nông dân

  • Cập nhật: Thứ tư, 21/10/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Từ những nương chè quốc doanh đầu tiên do những người lính Cụ Hồ trồng tại thị trấn Nông trường Trần Phú (Văn Chấn), đến nay toàn tỉnh Yên Bái đã có gần 13 ngàn ha chè, trong đó có 10 ngàn ha chè kinh doanh, đứng thứ 3 toàn quốc về diện tích cũng như sản lượng. Nhưng có điều là suốt hơn 40 năm qua, cuộc sống của hàng ngàn hộ làm chè vẫn đứng trước ngưỡng cửa đói nghèo. Điều tưởng như vô lý nhưng ai thấu hiểu về chè, tâm huyết với chè thì lại thấy có lý, bởi cung cách làm ăn giữa nông dân - doanh nghiệp và nhà buôn đang có nhiều điều phải bàn lại.

Nông dân trong tỉnh thu hái chè vụ xuân.
Nông dân trong tỉnh thu hái chè vụ xuân.

Vào những năm cuối 60 của thế kỷ trước sản xuất kinh doanh chè ở Yên Bái với diện tích lớn mới bắt đầu. Từ những nương chè quốc doanh đầu tiên do những người lính Cụ Hồ trồng tại thị trấn Nông trường Trần Phú (Văn Chấn), đến nay toàn tỉnh Yên Bái đã có gần 13 ngàn ha chè, trong đó có 10 ngàn ha chè kinh doanh, đứng thứ 3 toàn quốc về diện tích cũng như sản lượng. Nhưng có điều là suốt hơn 40 năm qua, cuộc sống của hàng ngàn hộ làm chè vẫn đứng trước ngưỡng cửa đói nghèo. Điều tưởng như vô lý nhưng ai thấu hiểu về chè, tâm huyết với chè thì lại thấy có lý, bởi cung cách làm ăn giữa nông dân - doanh nghiệp và nhà buôn đang có nhiều điều phải bàn lại.

Có một điều dễ nhận thấy là giá chè mà các doanh nghiệp, nhà buôn chè Yên Bái bán ra thị trường rất thấp: chè đen bình quân trên dưới 17 ngàn đồng/kg, chè xanh khoảng 24 ngàn đồng/kg. Nói về giá chè bán rẻ, doanh nghiệp, nhà buôn cho rằng chè nguyên liệu Yên Bái không có một bộ giống tốt! Cách đây bốn năm về trước, cứ 1kg chè búp tươi bán tương đương giá một kg thóc. Nhưng gần đây,tỉ lệ này là xấp xỉ 2 - 1. Rõ ràng, không thể trong một thời gian ngắn mà chất lượng, giá chè Yên Bái đột ngột giảm. Đấy là chưa kể trong suốt 7 năm qua, mỗi năm tỉnh đầu tư trên dưới 35 tỷ đồng cho phát triển vùng nguyên liệu chè, nhất là chương trình trồng mới, trồng cải tạo giống chè cũ bằng giống chè mới năng suất, chất lượng cao. Đặc biệt, khi đã có Nghị quyết số 02 của Tỉnh ủy và Đề án phát triển chè của UBND tỉnh thì lẽ ra chất lượng chè phải nâng lên? Như vậy thì chỉ còn yếu tố kinh doanh!

Khi nói đến vấn đề này, nhiều doanh nghiệp có “tầm cỡ” trong làng chè Yên Bái cho rằng, trên địa bàn bung ra quá nhiều cơ sở chế biến. Nhà buôn chè và đã có những doanh nghiệp nhỏ bán phá giá chè Yên Bái. Điều này là có thật và đã ít nhiều ảnh hưởng đến giá chung của chè Yên Bái, nhưng có lẽ đó không phải là nguyên nhân chính.

Những doanh nghiệp này chỉ sản xuất và bán vài chục đến trăm tấn chè không đủ sức dẫn dắt, thao túng được thị trường chè. Cái chính là các doanh nghiệp chè Yên Bái không đủ sức, cùng với năng lực trong sản xuất lẫn kinh doanh chè yếu kém và đều bán lại chè sơ chế qua các công ty, tổng công ty trong nước. Trong tổng số trên 20 ngàn tấn chè thành phẩm sản xuất mỗi năm, chỉ có một số ít được xuất khẩu trực tiếp, còn phần lớn là bán ủy thác và bán qua các tổng công ty, doanh nghiệp lớn trong nước. Những doanh nghiệp lớn, tổng công ty xuất khẩu với khối lượng lớn này mới đủ sức chi phối giá chè. Các doanh nghiệp chè Yên Bái phải bán chè giá rẻ trong suốt nhiều năm qua.

Có một câu hỏi đặt ra: Phải chăng các doanh nghiệp chè, nhà buôn chè mua chè nguyên liệu của dân với giá rẻ nên bán chè giá rẻ? Và dù phải bán  chè giá rẻ nhưng doanh nghiệp chè nào cũng vẫn sống được. Chả thế mà có không ít người có thâm niên, thậm chí từng làm giám đốc doanh nghiệp chè lâu năm, người nghỉ hưu, người bỏ doanh nghiệp ra mở công ty riêng làm chè vẫn phất lên trông thấy. Thậm chí có những doanh nghiệp ở mãi đâu đâu lên vùng chè mở doanh nghiệp, trong tay không có ha chè nào mà vẫn làm ăn phát đạt, lợi nhuận mỗi năm cũng ngót tỷ bạc.

Nông dân Yên Bái đang phải bán chè giá thấp hơn so với các tỉnh lân cận như: Phú Thọ, Thái Nguyên, Tuyên Quang. Có nhiều người ví von rằng sợi dây liên kết nông dân - doanh nghiệp lỏng lẻo. Cứ cung cách làm ăn như hiện nay, thì chẳng bao giờ bền chặt, nói một cách công bằng là người làm chè quá thiệt. Lợi ích giữa nông dân - doanh nghiệp chưa được phân chia một cách đồng đều trong cả chuỗi sản xuất chè.

Tỉnh đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để mua chè cho nông dân, nhưng thực tế nông dân chưa bán được chè giá cao. Sản xuất, kinh doanh, buôn bán chè không phải nằm trong các mặt hàng kinh doanh có điều kiện, nhưng vô hình chung có một sơi dây “liên kết” về giá thu mua nguyên liệu chè. Chè đến vụ thu hái mà không ai mua, trong khi chè búp tươi lại không thể để dành hay ăn được, nên hàng chục ngàn hộ nông dân bị ép giá. Người nông dân làm ra sản phẩm nhưng lại không “có quyền”  định giá bán sản phẩm mình làm ra, mà hoàn toàn do doanh nghiệp.

Trên vùng chè Yên Bái đã từng xảy ra chuyện các doanh nghiệp chè dưới xuôi lên “ăn” nguyên liệu với giá cao hơn các doanh nghiệp sở tại thu mua, dẫn đến tình trạng khan hiếm nguyên liệu sản xuất. Thế là các doanh nghiệp chè lại kêu toáng lên, lại có sự “hà hơi, tiếp sức” của một số địa phương, rồi một loạt biện pháp “ngăn sông, cấm chợ” được thực thi với các khách hàng, doanh nghiệp đến “ăn chè” Yên Bái. Sự thiếu minh bạch, sự chiều chuộng trong sản xuất, kinh doanh, buôn bán đã dẫn đến sự ỷ lại, độc quyền của doanh nghiệp.

Đã đến lúc chúng ta phải có một sự đối xử công bằng giữa nông dân - doanh nghiệp - nhà buôn. Ai kiểm soát giá chè? Thông tin và giá cả chè thì chỉ doanh nghiệp biết, chứ nông dân không nắm bắt được gì. Giá chè thế giới, trong nước biến động thế nào nông dân không hề hay biết và theo kịp. Các nhà quản lý chưa có đủ số liệu để chứng minh, trong những thời điểm thị trường biến động, doanh nghiệp nào bán giá cao, doanh nghiệp nào bán giá rẻ. Chỉ khi nào chúng ta biết được giá thực của thị trường, mới có giải pháp điều chỉnh giá phù hợp.

Mua rẻ, bán rẻ - người thiệt thòi nhất vẫn là nông dân. Có nhiều người cho rằng, muốn sản xuất kinh doanh chè Yên Bái phát triển đúng với tiềm năng và lợi thế của nó, hãy để các doanh nghiệp kinh doanh bình đẳng và để cho chính thị trường chi phối. Doanh nghiệp nào, nhà buôn nào giỏi thì sống, ai yếu kém sẽ bị loại khỏi cuộc chơi và như vậy nông dân mới bớt thiệt thòi, sản xuất chè mới phát triển.

Thanh Phúc

Các tin khác

Phải minh bạch hóa chi phí đầu vào của xăng dầu. Chỉ trong thời hạn nhất định nào đó, giá đầu vào tăng nhưng chưa điều chỉnh giá tương ứng thì mới lấy quỹ bình ổn ra bù.

Ngày 20-10, dự án Hỗ trợ Thương mại đa biên giai đoạn 3 (EU-Việt Nam MUTRAP III) phối hợp với Cục Thương mại Điện tử và Công nghệ Thông tin (Bộ Công thương) tổ chức hội thảo “Giới thiệu cổng thông tin xuất khẩu Việt Nam” tại Hà Nội.

Giá vàng tăng gần 30.000 đồng/chỉ

Giá vàng thế giới tăng mạnh đã kéo giá kim loại quý trong nước tăng tới gần 30.000, lên đỉnh cao mới 2,4 triệu đồng/chỉ vào sáng nay (20/10).

YBĐT - Đến xã Mậu Đông, huyện Văn Yên (Yên Bái) vào lúc bà con nơi đây đang bắt tay vào trồng ngô vụ đông. Không khí lao động rộn rã trải lên những mầm ngô tươi tốt, nhưng bên cạnh đó vẫn còn một số thửa ruộng dường như đã quen được “nghỉ ngơi” sau hai vụ lúa nên vẫn im lìm, nằm trơ gốc rạ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục