Lang Thíp cần đổi mới “cái đầu” cho dân
- Cập nhật: Thứ hai, 26/10/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Một thực tế đang tồn tại ở Lang Thíp, huyện Văn Yên (Yên Bái) là nhiều hộ có đất ruộng nhưng không làm 2 vụ lúa mặc dù vẫn đói vẫn nghèo; hộ muốn làm thì lại không có ruộng để làm.
Các hộ dân ở những thôn vùng thấp của xã Lang Thíp đã chuyển đổi ruộng một vụ sang sản xuất 2 vụ lúa.
|
Vượt qua chặng đường khoảng 50 km, nhiều đoạn phải xuống đẩy xe vì mặt đường đang thi công, bùn đất nhầy nhụa nên mất hơn 2 giờ đồng hồ chúng tôi mới đến được trung tâm xã Lang Thíp - xã vùng cao của huyện Văn Yên (Yên Bái). Khu trung tâm xã giờ đã sầm uất hơn trước, đường đã được rải nhựa, chợ, trường học… mới được đầu tư xây dựng khang trang nhờ các chương trình, dự án của nhà nước.
Nhìn vào sự đổi thay đó, ít ai nghĩ Lang Thíp vẫn còn tới trên 40% số hộ thuộc diện đói nghèo. Đây là bài toán khó giải đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên trong xã.
Chủ tịch UBND xã- Bàn Văn Thất đưa chúng tôi đi thăm những thửa ruộng lúa mùa đang vào độ thu hoạch, anh thông tin nhanh: “Xã Lang Thíp có trên 6.439 nhân khẩu gồm các dân tộc Kinh, Tày, Dao, Nùng, Mường, Mông, Phù Lá… cùng chung sống tại 19 thôn, bản. Thời điểm cuối năm 2008, xã còn 532/1.323 hộ thuộc diện đói nghèo (chủ yếu nằm ở các thôn vùng sâu, vùng xã như Tiến Đạt, Thíp Dạo, Liên Sơn, Làng Khoang, thôn Bùn, thôn Bo, Đam Hai… Nguyên nhân đói nghèo là do ruộng, đất sản ít, trình độ canh tác lạc hậu lại không biết tính toán làm ăn, cũng có hộ đói nghèo là do lười lao động”.
-Thế nhân dân có làm 2 vụ lúa và vụ đông không?
- Các hộ dân ở những thôn vùng thấp đã gieo cấy 2 vụ lúa và làm được 4- 5 ha cây vụ đông, còn các thôn vùng sâu như: Liên Sơn, Làng Khoang, Tiến Đạt, Đam Hai… (chủ yếu là đồng bào Mông), tỷ lệ đói nghèo cao song đồng bào vẫn chưa thay đổi được tập quán canh tác một vụ.
- Vậy xã đã vận động, hướng dẫn bà con làm thử vụ xuân chưa?
- Có chứ. Xã đã chỉ đạo các đoàn thể thanh niên, phụ nữ, nông dân đến từng hộ đồng bào Mông để vận động, hướng dẫn và cho cả thóc giống nhưng họ vẫn không làm. Vụ xuân năm 2009, xã lại huy động các đoàn thể mang thóc giống xuống ủ, gieo mạ hộ mà vận động mãi nhân dân ở Liên Sơn, Làng Khoang, Tiến Đạt, Đam Hai… mới làm đất gieo cấy được 5 ha.
Một thực tế đang tồn tại ở Lang Thíp là nhiều hộ có đất ruộng nhưng không làm 2 vụ lúa mặc dù vẫn đói vẫn nghèo; hộ muốn làm thì lại không có ruộng để làm.
Ví dụ như hộ gia đình anh Hoàng Đình Chiến (hộ đói nghèo) ở thôn Đoàn Kết, không có ruộng để làm vì năm 1995 anh mới chuyển đến cư trú tại xã nên không được chia ruộng. Gia đình anh phải mượn đất để trồng sắn và thuê 2 sào ruộng để trồng lúa, mỗi vụ phải trả mất 140kg thóc, tính ra chẳng lãi được bao nhiêu nhưng vẫn phải làm mới có cái ăn, vì chăn nuôi trâu, bò, lợn thì không có vốn; chăn nuôi gà thì bị mất trộm hết nên gia đình anh khó có thể thoát khỏi đói nghèo!
Trong khi đó, nhiều hộ đồng bào Mông ở các thôn vùng sâu, vùng xa nêu trên có ruộng nhưng lại không làm vụ xuân, vụ đông cho dù cái đói, cái nghèo vẫn đeo đẳng họ trong nhiều năm qua.
Để giúp nhân dân xoá đói giảm nghèo, Đảng bộ, chính quyền xã đã đưa ra nhiều giải pháp như: phối hợp với các ngành của huyện mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi tại xã cho các hộ dân học tập; tận dụng đất màu, đất đồi trồng đậu tương, trồng mía, trồng sắn, trồng rừng kinh tế; chuyển đổi ruộng một vụ sang làm 2 vụ và làm vụ đông; đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội huyện mở điểm giao dịch tại xã để cho nhân dân có điều kiện thuận lợi vay vốn phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ đói nghèo trong xã vẫn chiếm khá cao.
Theo các đồng chí lãnh đạo chủ chốt xã thì nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức của nhân dân còn hạn chế, cộng với tập quán canh tác lạc hậu, thiếu vốn, thiếu kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi… nên nhiều hộ có vay tiền về cũng chẳng biết đầu tư vào làm gì để phát triển kinh tế. Vì ở các thôn vùng sâu, vùng xa còn rất nhiều chị em người Mông chưa biết nói tiếng phổ thông thì làm sao có thể tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học- kỹ thuật!
Để giúp nhân dân, nhất là các thôn vùng sâu, vùng xa (chủ yếu là đồng bào Mông sinh sống) phát triển kinh tế, ngoài các nguồn lực đầu tư của nhà nước, Lang Thíp cần thường xuyên tổ chức các lớp xoá mù chữ để “đổi mới” cái đầu cho chị em người Mông.
Tiếp đó, mở các lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi để chị em học tập, áp dụng vào phát triển kinh tế gia đình. Mặt khác, xã cần phải phát huy tốt nội lực trong dân để làm đường giao thông liên thôn bản; tu sửa các công trình thuỷ lợi bảo đảm nước tưới cho 242 ha lúa; vận động nhân dân chuyển đổi 14 ha ruộng một vụ sang làm 2 vụ lúa và làm thêm vụ đông; tạo điều kiện cho nhân dân vay vốn phát triển chăn nuôi, trồng rừng kinh tế… Có như vậy công cuộc xoá đói giảm nghèo của Lang Thíp mới mong hiệu quả và bền vững.
Trường Phong
Các tin khác
Thông tin này đã được Thống đốc Ngân hàng (NH) Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cho biết cuối tuần qua. Để ổn định mặt bằng lãi suất, ông Giàu cho biết đã và sẽ tiếp tục thanh tra toàn diện những NH đưa lãi suất huy động lên trên 10%/năm.
Giá đường đã có thời điểm lên tới 16.000 đồng/kg, tuy nhiên từ cuối tháng 8 đến nay, giá đường đã có dấu hiệu giảm dần và ổn định Bộ Công Thương vừa cho phép nhập khẩu thêm 10.000 tấn đường (gồm đường tinh luyện và đường thô) ngoài lượng hạn ngạch thuế quan đường đã được bổ sung hồi tháng 7/2009.
Bộ NN&PTNT cho biết, Chiến lược phát triển thủy lợi Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Ngày 24/10, đường bay thẳng Hà Nội – Tuy Hòa (Phú Yên) của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) chính thức khai thông.