Chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp ở Trạm Tấu: Hiệu quả từ mô hình hóa
- Cập nhật: Thứ năm, 29/10/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Đòi hỏi từ thực tiễn và kinh nghiệm trong quá trình thực hiện chuyển dịch cơ cấu sản xuất ở Trạm Tấu (Yên Bái) cho thấy, sự đầu tư của Nhà nước cho chuyển dịch cơ cấu và phát triển kinh tế vùng cao chỉ hiệu quả khi bắt đầu từ những mô hình cụ thể với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị...
Cán bộ khuyến nông Trạm Tấu hướng dẫn nông dân chăm sóc ngô.
|
Tăng vụ lúa xuân
Nghị quyết về tăng vụ trong sản xuất lương thực là một nghị quyết quan trọng của Huyện ủy Trạm Tấu và phải mất nhiều năm mới cho kết quả nhờ kiên trì xây dựng, củng cố mô hình. Cánh đồng Tà Ghênh ở xã Xà Hồ là điểm đột phá với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị liên tục từ năm 2001 tới 2004. Thực hiện “ba cùng” với dân, hàng ngàn lượt cán bộ, công an, bộ đội đã lên Tà Ghênh tuyên truyền, vận động người Mông khai hoang ruộng và cấy lúa xuân theo cách cầm tay chỉ việc. Ròng rã bốn năm trời mới định hình, củng cố bền vững được 45 ha.
Đột phá ở Tà Ghênh và kết quả của nó là nguồn động viên lớn với cán bộ vùng cao, là cơ sở để nhân rộng mô hình. Sau Tà Ghênh (Xà Hồ) tới Tàng Ghênh (Bản Mù), với kinh nghiệm ở Xà Hồ, Huyện ủy Trạm Tấu lãnh đạo cấy thành công 65 ha lúa vụ xuân. Phó chủ tịch UBND xã Bản Mù - Sùng A Tính cho biết: “Nếu không chỉ đạo kiên quyết để thành mô hình thì bà con không tin, mô hình có hiệu quả thì không phải vận động nhiều dân cứ vậy làm theo thôi!”. Vụ xuân 2009, người Mông ở Bản Mù đã gieo cấy trên 80 ha lúa, vượt 5 ha kế hoạch đề ra, năng suất trên 43 tạ/ha. Chương trình tăng vụ ở Trạm Tấu có thể nói đã thành công, từ mô hình và kết quả ở Tà Ghênh (Xà Hồ) những năm 2004 - 2005, vụ xuân 2009 huyện đã gieo cấy 594 ha lúa, vượt 44 ha so với kế hoạch, năng suất bình quân 43,19 tạ/ha.
Trồng ngô hai vụ
Một nét mới trong sản xuất lương thực ở Trạm Tấu là phát triển cây ngô nương, ngô đồi. Bí thư Huyện ủy - Hà Chí Họp là người tâm đắc với việc mở rộng diện tích ngô. Ông cho rằng, giá trị hàng hoá giữa ngô và thóc ngang nhau. Người Mông đã nhiều năm trồng ngô, nếu tập trung chỉ đạo tốt, quy hoạch tốt diện tích và điều chỉnh cơ cấu giống phù hợp thì vấn đề lương thực kể như được giải nhờ cây ngô. Cũng như lúa xuân, việc phát triển cây ngô ở Trạm Tấu cũng gặp nhiều khó khăn. Trình độ dân trí và tập quán canh tác lạc hậu là nguyên nhân tạo nên sức ỳ lớn trong dân khi triển khai thực hiện.
Ông Nguyễn Ngọc Hà - cán bộ huyện luân chuyển xuống xã giữ chức danh Phó bí thư Thường trực Đảng ủy cho biết: “Năm 2008, Đảng ủy chọn thôn Làng Mảnh làm điểm, đây là thôn đông dân nhất xã. Cán bộ huyện tăng cường và Đảng ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, làm tốt mô hình nên từ vài ha vụ trước tới vụ xuân 2009 bà con đã trồng trên 50 ha ngô, thu về trên 100 tấn, trị giá gần 300 triệu đồng”.
Ở xã Bản Mù, người Mông hăng hái trồng ngô, tổng diện tích ngô năm nay lên tới gần 190 ha, sản lượng đạt trên 400 tấn. Trong đó ngô hè thu trên 50 ha – một nét mới trong sản xuất lương thực ở địa phương. Chuyển dịch đúng hướng, cây ngô hiện là cây trồng quan trọng trong sản xuất nông nghiệp ở Trạm Tấu. Năm 2009, tổng diện tích ngô của huyện lần đầu tiên đạt và vượt trên 1.000 ha, năng suất bình quân trên 22,7 tấn/ha, thành công lớn nhất là đã nhân diện tích ngô hè thu lên 550 ha.
Trồng cỏ cho gia súc
Diện tích đất lâm nghiệp lớn là thế mạnh nhưng Trạm Tấu lại rất thiếu cỏ để phục vụ phát triển chăn nuôi. Cán bộ kiểm lâm và chính quyền nhiều phen đau đầu vì những vụ cháy rừng trong mùa khô. Trong đó, nhiều vụ đơn giản là người dân đốt để mùa xuân tới có cỏ cho trâu, bò, ngựa ăn. Số liệu của UBND huyện (1.4.2009) Trạm Tấu có trên 5.370 con trâu, 3.150 con bò, 1.600 con ngựa và 2.900 con dê. Nhiều năm qua, chăn nuôi ở Trạm Tấu có tăng trưởng nhưng chậm, đàn trâu thời điểm ngày 1.4.2009 so với năm 2008 tăng 1,3%, đàn bò 0,3%, dê giảm 1,1%, ngựa tăng 2%...
Để chăn nuôi trở thành ngành sản xuất quan trọng trong kinh tế nông nghiệp, tư duy của lãnh đạo huyện là phải tạo nền tảng bền vững về thức ăn. Trạm Tấu chủ động đưa các giống cỏ về trồng thành mô hình ở một số xã. Hàng chục ha cỏ voi đã được người Mông trồng trên những diện tích đất tận dụng. Lãnh đạo huyện tìm tòi, nghiên cứu thực tế ở một số địa phương đã đưa giống cỏ Guatamela năng suất cao, chất lượng hơn hẳn vào trồng thành mô hình ở một số xã như: Pá Lau, Trạm Tấu, Pá Hu...
Ở xã Pá Lau mô hình trồng 1,5 ha cỏ Guatamela cho kết quả tốt. Theo lãnh đạo xã, từ mô hình này sẽ từng bước nhân rộng để giải quyết một phần khó khăn về thức ăn cho đàn trâu trên 300 con, đàn bò 120 con. Chủ tịch UBND xã Pá Hu - Thào A Súa trao đổi: “Pá Hu phấn đấu đưa đàn trâu lên khoảng 570 con, đàn bò 225 con, đàn ngựa 400 con. Năm 2008 và 2009 xã đã trồng trên 10 ha cỏ mới, để phát triển đàn gia súc , không trồng cỏ thì không chăn nuôi tốt được”. Nhân rộng diện tích cỏ từ những mô hình đang cho kết quả tốt ở các xã: Trạm Tấu, Pá Hu, Bản Công, Pá Lau... nhằm phát triển chăn nuôi bền vững là một hướng đi mới trong phát triển chăn nuôi ở Trạm Tấu.
Đòi hỏi từ thực tiễn và kinh nghiệm trong quá trình thực hiện chuyển dịch cơ cấu sản xuất ở Trạm Tấu cho thấy, sự đầu tư của Nhà nước cho chuyển dịch cơ cấu và phát triển kinh tế vùng cao chỉ hiệu quả khi bắt đầu từ những mô hình cụ thể với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
T.A
Các tin khác
YBĐT - Ngày 28/10/2009, Cục thuế tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị tuyên dương, khen thưởng 90 tổ chức, cá nhân tiêu biểu thực hiện tốt nghĩa vụ thuế năm 2008.
Ngày 28.10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến tham dự và tiến hành nghi thức khởi động nhà máy sản xuất điện thoại di động (ĐTDĐ) của Samsung Electronics Vietnam (SEV) tại KCN Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.
YBĐT - Để tăng hệ số sử dụng ruộng đất, nâng cao giá trị thu nhập trên mỗi héc-ta canh tác, vụ đông 2009 - 2010, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái đã xây dựng, hình thành vùng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ có sự góp mặt của “4 nhà”.