Trấn Yên nỗ lực giảm nghèo

  • Cập nhật: Thứ sáu, 6/11/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Sau khi chia tách, Trấn Yên (Yên Bái) còn 21 xã và 1 thị trấn với 231 thôn bản, 83 nghìn nhân khẩu, trong đó có 3 xã, 49 thôn bản đặc biệt khó khăn.

Nghề nuôi cá lồng trên đầm Vân Hội (Trấn Yên). (Ảnh: H.N)
Nghề nuôi cá lồng trên đầm Vân Hội (Trấn Yên). (Ảnh: H.N)

Trong những năm qua, xác định giảm nghèo là một chương trình tổng hợp được vận hành theo cơ chế liên ngành, đồng thời thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác xoá đói giảm nghèo, Trấn yên đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện mục tiêu này. Với mục tiêu phấn đấu mỗi năm giảm được 4% hộ nghèo, ưu tiên các vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao, Trấn Yên đã thành lập Ban chỉ đạo giảm nghèo, giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động, quy định rõ nhiệm vụ cụ thể cho các ngành thành viên.

Thông qua các tổ chức đoàn thể đẩy mạnh các phong trào thi đua sôi nổi như: phong trào hỗ trợ về nhà ở “Ấm tình đồng đội” của Hội Cựu chiến binh; phong trào huy động nội lực giúp nhau làm kinh tế, tập huấn chuyển giao KHKT của Hội Phụ nữ; Hội Nông dân với phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, xây dựng mô hình sản xuất kinh doanh giỏi, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi đã giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động ở khu vực nông thôn. Đặc biệt, phong trào: “ Tuổi trẻ thi đua tình nguyện xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” của Đoàn thanh niên đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực hướng về vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, góp phần đáng kể cho công tác giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Đối với các xã, thị trấn, các thành viên trong ban chỉ đạo đã theo dõi chặt chẽ, đôn đốc các thôn bản, khu phố tích cực triển khai thực hiện.

Một số xã đã có nhiều biện pháp tích cực, cụ thể giúp đỡ người nghèo như: trợ giúp làm nhà ở; trợ giúp kiến thức làm ăn để thoát nghèo bền vững. Bên cạnh đó, Đảng bộ huyện Trấn Yên còn ra nghị quyết chuyên đề về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng vật nuôi trên địa bàn với nhiệm vụ trọng tâm là phát triển “6 cây, 2 con và 3 trung tâm” (6 cây gồm: cây lúa, cây ngô, tre măng Bát Độ, cây dâu, cây nguyên liệu; 2 con (bò công nghiệp, lợn hướng nạc); 3 trung tâm (Cổ Phúc, Báo Đáp, Hưng Khánh). Sau 4 năm thực hiện nghị quyết, đến nay bước đầu đã hình thành được một số vùng sản xuất hàng hoá có khối lượng lớn như: vùng lúa chất lượng cao 1000 ha; vùng chè chất lượng cao gần 400 ha; vùng tre măng Bát Độ trên 1300 ha; vùng dâu tằm gần 100 ha…,chăn nuôi đàn gia súc, gia cầm, thuỷ cầm luôn được duy trì ổn định và phát triển.

Để thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với các hộ nghèo, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã giải ngân cho hộ nghèo vay vốn với tổng dư nợ qua các năm là trên 50 tỷ đồng. Riêng 6 tháng đầu năm 2009 đã có 693 hộ được vay gần 8 tỷ đồng, dự ước cả năm sẽ có khoảng gần 900 hộ vay với số tiền trên 9 tỷ đồng. Các dự án hỗ trợ giảm nghèo đã phát huy tốt tác dụng như dự án về hỗ trợ khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư; hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề. Đã đầu tư hỗ trợ 122 triệu đồng mở các lớp tập huấn đầu bờ cho 12.000 lượt nông dân, xây dựng được 8 mô hình khuyến nông lâm ngư. Dự án phát triển kiên cố hạ tầng thiết yếu các xã nghèo vùng 135, đầu tư 6,3 tỷ đồng vào 12 xã xây dựng được 46 công trình bao gồm: điện, đường, thuỷ lợi, nhà văn hoá, cấp nước sinh hoạt. Dự án dạy nghề tạo việc làm  hỗ trợ 248 triệu đồng cho 265 người học nghề... 

Cùng với đẩy mạnh việc thực hiện các chính sách hỗ trợ đời sống cho các hộ nghèo vùng khó khăn, mấy năm gần đây, công tác xuất khẩu lao động cũng được huyện quan tâm, tạo điều kiện cho con em địa phương, nhất là khu vực nông thôn có cơ hội vươn lên thoát nghèo. Hiện tại Trấn Yên có tổng số 291 lao động đang làm việc tại nước ngoài, chủ yếu ở các thị trường Đài Loan, Malaixia, Hàn Quốc và một số nước thuộc khu vực Trung đông.

Để mục tiêu giảm nghèo tiếp tục nâng cao hiệu quả, giải pháp của Trấn Yên trong thời gian tới là: tiếp tục mở thêm các lớp nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác giảm nghèo; dạy nghề cho nông dân; đào tạo công nhân kỹ thuật, kết hợp dạy nghề ngắn hạn với dài hạn, giữa nghề nông và công nghiệp, nhằm bảo đảm đáp ứng yêu cầu cho sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn; tiếp tục triển khai tại các xã điểm về công tác giảm nghèo, hoàn thiện các mô hình thích hợp để nhân ra diện rộng; tìm các biện pháp tăng cường vốn cho hộ nghèo vay phát triển sản xuất, kinh doanh giúp thoát nghèo bền vững; tích cực tuyên truyền và đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động, chủ động tìm và khai thác thị trường trong nước thay vì đi xuất khẩu ra nước ngoài, giúp cho người lao động giải quyết việc làm tăng thu nhập; tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, nhất là “điện, đường, trường, trạm”, nhằm nâng cao sức khoẻ và cải thiện đời sống cho người dân, phấn đấu hết năm 2009, toàn huyện xoá được 435 hộ nghèo và hạn chế hộ nghèo phát sinh.

Bích Nụ

Các tin khác
Giá vàng đang ở mức cao.

Giá vàng thế giới tiếp tục tăng đã kéo giá kim loại quý trong nước tăng gần 10.000 đồng/chỉ, lên mức 2,48 triệu đồng/chỉ vào sáng nay (6/11).

YBĐT - Giải phóng mặt bằng (GPMB) các công trình trọng điểm luôn là vấn đề nóng đối với các địa phương ở thành phố Yên Bái. Với hơn 17 công trình cần GPMB, trong đó có nhiều công trình trọng điểm có quy mô lớn của tỉnh và trung ương như: đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai, đường Km5 – Yên Bình, dự án mở rộng Khu công nghiệp phía Nam giai đoạn II, Nhà máy xử lý rác thải Văn Tiến; công trình thao trường Khe Mát thuộc Trường Quân sự Ấp Bắc và công trình khu Trung tâm Thương mại – Khách sạn Cửu Long Vinashin... Bao nhiêu công trình là bấy nhiêu khó khăn, phức tạp đặt ra cho thành phố và cơ sở.

YBĐT - Năm 2008, khi bắt đầu khởi sự, vụ đầu tiên ông Lê thu hoạch được 2 tạ nấm các loại, doanh thu trên 100 triệu đồng.

YBĐT - Năm 2008, huyện Văn Yên đã có 7 hộ đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn, gà hàng hoá và được hỗ trợ theo Nghị quyết 09 của Tỉnh uỷ. Từ sự hỗ trợ này, đã tạo động lực thúc đẩy chăn nuôi và góp phần nâng cao năng suất, chất lượng vật nuôi với lượng hàng hoá lớn là điều khó ai có thể phủ nhận được. Tuy nhiên, số hộ thực hiện chăn nuôi theo hướng hàng hoá còn ít, hiệu quả chưa cao và còn những bất cập cần được tháo gỡ kịp thời!

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục