Câu lạc bộ Khuyến nông xã Đại Lịch: Cầu nối đưa KHKT đến với nông dân
- Cập nhật: Thứ sáu, 20/11/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Sau gần 9 năm kể từ ngày ra mắt, Câu lạc bộ (CLB) Khuyến nông xã Đại Lịch, huyện Văn Chấn (Yên Bái) đã có nhiều hoạt động thiết thực, bổ ích trong sản xuất nông lâm nghiệp; đồng thời là cầu nối chuyển giao khoa học- kỹ thuật đến người nông dân, tạo được niềm tin với người dân trong xã và ngày càng thu hút được nhiều hội viên tham gia sinh hoạt.
Những ngày đầu mới ra mắt, để CLB Khuyến nông đi vào hoạt động có hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho người nông dân, Đảng bộ, chính quyền cùng với các ban, ngành, đoàn thể trong xã đã luôn quan tâm, giúp đỡ mọi điều kiện cho các hội viên hoạt động. Hàng năm, xã đã chủ động phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh và Trạm Khuyến nông huyện mở các lớp tập huấn chuyển giao KHKT về chăn nuôi, trồng trọt, thú y cho hội viên bao gồm: kỹ thuật chăn nuôi lợn, gà, trâu, bò; kỹ thuật trồng ngô lai trên đất 2 vụ lúa; trồng cỏ voi cho chăn nuôi trâu, bò bán công nghiệp; trồng rừng kinh tế; cấy lúa chất lượng cao.
Đồng thời, xây dựng các mô hình trình diễn trong sản xuất nông, lâm nghiệp như: mô hình chăn nuôi lợn nái, mô hình làm mạ khay... Tham gia sinh hoạt CLB, người nông dân đã có nhiều thay đổi trong nhận thức; trình độ, kỹ năng sản xuất được nâng lên, tập quán canh tác được cải thiện và đã mạnh dạn hơn trong việc vay vốn để đầu tư phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện gia đình.
Bà Nguyễn Thị Minh (thôn 7), những năm trước đây khi chưa tham gia sinh hoạt CLB cũng đã từng chăn nuôi lợn song do thiếu vốn và thiếu kiến thức KHKT, thường nuôi lợn theo phương pháp thủ công, đơn giản, nên hiệu quả kinh tế không cao và hay gặp rủi ro. Năm 2007, được Trạm Khuyến nông huyện chọn triển khai mô hình nuôi lợn nái sinh sản, bà Minh đã mạnh dạn vay vốn tăng đàn lợn từ 1 lên 3 con lợn nái sinh sản và thường xuyên nuôi 10 con lợn thịt.
Do được tư vấn về kỹ thuật làm chuồng trại, cách chọn con giống, tiêm phòng dịch bệnh đều đặn, phương pháp chăm sóc đàn lợn đúng quy trình kỹ thuật, đặc biệt là lợn nái trước và sau khi sinh nên đàn lợn không bị dịch bệnh, tỷ lệ tăng trọng cao hơn trước. Bình quân mỗi một con lợn nái sinh được từ 9 đến 11 lợn con, nuôi cho đến khi xuất chuồng đạt khoảng trên 15kg, tiết kiệm được từ 15- 25 ngày so với cách nuôi thủ công. Đặc biệt, gia đình bà Minh do biết kết hợp phương pháp nuôi thủ công với phương pháp nuôi công nghiệp, nấu chín cám ngô trộn với cám đậm đặc, cám viên dạng tổng hợp cho ăn nên đàn lợn tăng trọng nhanh và dễ bán.
Với mô hình nuôi lợn mới này, trung bình mỗi năm, gia đình bà Minh xuất được trên 2 tạ lợn giống và 8 tạ lợn thương phẩm, cho thu nhập gần 30 triệu đồng, tăng gấp đôi so với trước. Không những được hướng dẫn về kỹ thuật mới trong chăn nuôi lợn, gia đình bà Minh cũng như nhiều gia đình hội viên khác còn được hỗ trợ thêm từ 1- 1,2 triệu đồng để xây dựng hầm khí biogas xử lý chất thải của lợn. Nhờ đó, các gia đình đã tận dụng được bã thải để chăm sóc cây trồng, có nhiên liệu đốt và thắp sáng, bảo đảm vệ sinh môi trường. Thành công của mô hình đến nay đã được nhân rộng ra khắp các thôn trong toàn xã.
Không chỉ tạo điều kiện và giúp đỡ các hội viên được học tập, cách áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thông tin kịp thời những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông thôn trong nội bộ nông dân, CLB còn là nơi tập hợp và phát huy vai trò của nông dân trong cộng đồng, hướng cho nông dân cách làm ăn tập thể, cùng nhau giải quyết những vấn đề khó khăn, tồn tại trong sản xuất, từng bước nâng cao đời sống, góp phần xoá đói giảm nghèo. Trong quá trình hoạt động, nhận thấy các hội viên chủ yếu gặp khó khăn về vốn, Chủ nhiệm CLB cùng với các hội viên đã thống nhất xây dựng quỹ CLB. Từ nguồn quỹ này, nhiều hội viên đã có thêm vốn để sản xuất, phát triển kinh tế, thoát nghèo vươn lên thành hộ giàu, hộ khá trong xã như chị Lò Thị Chung, chị Nguyễn Thị Thơm, anh Lò Văn Sơn, chị Vũ Thị Mai, chị Lê Thị Hương...
Bằng những việc làm và hoạt động cụ thể, thiết thực, CLB đã ngày càng thu hút được nhiều hội viên tham gia và với 10 hội viên ban đầu nay đã tăng lên thành 200 hội viên. Hàng năm, CLB đều nhận được giấy khen của lãnh đạo huyện và tỉnh, nhiều hội viên được Hội Nông dân tỉnh tặng giấy khen gia đình đạt danh hiệu nông dân gương mẫu, sản xuất giỏi.
Hồng Oanh
Các tin khác
YBĐT - Nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, sản lượng chè, trong vài năm trở lại đây, Yên Bái có Đề án trồng mới, trồng cải tạo giống chè già cỗi bằng giống nhập nội chất lượng cao. Để tạo động lực và giúp nông dân thực hiện có hiệu quả, tỉnh có chính sách hỗ trợ 5 triệu đồng/ha trồng mới, trồng cải tạo, thay thế. Tuy nhiên, việc trồng mới diện tích chè liên tục gặp khó khăn và không hoàn thành kế hoạch.
YBĐT - Xã Phúc Lợi, huyện Lục Yên (Yên Bái) có tổng diện tích đất tự nhiên trên 8.000ha, chủ yếu là đất đồi rừng, 80ha đất ruộng nước.
Bộ KH- ĐT cho biết tổng vốn ODA ký từ đầu năm đến hết tháng 10 đạt 3,85 tỉ USD, cao hơn gần 10% so với năm 2008. Nếu không có thay đổi lớn, tổng vốn ODA cả năm 2009 sẽ ở mức 5,056 tỉ USD.
Cuối giờ chiều ngày 19/11, Liên Bộ Tài chính-Công thương đã chấp thuận phương án tăng giá xăng, dầu của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối.